/ Góc nhìn
/ Niềm tin tháng sáu

Niềm tin tháng sáu

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Chúng tôi, những người với chặng đường dài gắn bó cùng nghề báo và nghề luật, đã trải qua nhiều phen hoang mang, lo lắng. Bởi, cách đây mấy chục năm, có những tác phẩm báo chí được chúng tôi dày công tác nghiệp nhằm mục tiêu đề cao lợi ích của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thế nhưng tác giả và cơ quan báo chí lại gặp khó khăn sau khi đã đăng bài báo, thậm chí đã bị khởi tố vụ án. Một số đồng nghiệp của chúng tôi cũng vì lý do tương tự mà vướng vào “lao lý”. Cho nên, nhiều khi anh chị em đồng nghiệp chúng tôi hoang mang là điều dễ hiểu. Nhưng, đầu năm 2022 này, khi tiếp cận với những thông tin về chủ trương mới của Đảng và Nhà nước liên quan đến vấn đề bảo vệ công lý, những người làm báo chúng tôi có phần nào mừng, hồ hởi. Được biết thời gian tới, công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đóng vai trò then chốt và xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Trong đó, cốt yếu là yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội yêu cầu cả về hình thức, nội dung và chất lượng hệ thống pháp luật phải bảo đảm. Hình thức thể hiện các văn bản phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài. Tinh thần cơ bản là phải đạt được mục tiêu thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV được khai mạc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định Kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2022 tập trung xem xét một số dự án luật nằm trong Chương trình này. Việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này, mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đáng kể là các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Nhưng vẫn còn đó, những băn khoăn, bức xúc quanh vụ Việt Á mà báo giới đã có rất nhiều bài đăng tải xung quanh vụ này. Có đồng nghiệp hỏi tôi, theo ông, vụ Việt Á liệu có làm “đến đầu đến đũa” không? Tôi chỉ dám trả lời “ỡm ờ” rằng “cũng có thể”. Ngày 02/6/2022, Báo Tuổi trẻ còn đăng bài với dòng sapo đậm nét: “Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng cần làm rõ Công ty Việt Á là ai và tại sao lại có quyền lực chi phối, sức ảnh hưởng lớn như vậy. Ông cũng đặt vấn đề còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các ngành khác”. Bài báo đề cập nhiều vấn đề khá gai góc, như khi thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Trần Quốc Tuấn bày tỏ đặc biệt quan tâm vụ án Việt Á gây thất thoát, lãng phí tài sản công, bức xúc trong nhân dân.

Ông Tuấn nêu rõ ý, muốn tiếp cận ở góc nhìn khác, rộng hơn để nhìn toàn diện về vụ Việt Á, bởi vụ án không chỉ dừng lại ở việc gây thất thoát, lãng phí kinh phí, tài sản công mà còn làm thất thoát, lãng phí loại tài sản khác có giá trị quý giá, quan trọng hơn - “lãng phí niềm tin của nhân dân”. Ông Tuấn nói: “Dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại khá nặng nề đối với Việt Nam với hơn 43.000 người tử vong và gần 4.500 trẻ em mồ côi và nỗi đau này sẽ mãi khắc ghi. Nhưng nỗi đau lớn hơn là trong khi cả hệ thống chính trị, các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang gồng mình chống dịch, có cả người hy sinh, thì lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đến cùng cực”.

Ai cũng thấy bức xúc khi đọc đoạn Báo Tuổi trẻ trích đăng lời ông Tuấn nói: “Họ vô cảm trước nỗi mất mát của chính đồng bào mình, biến mình thành những con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền, trong số đó có cả những người có học hàm, học vị, những giáo sư, bác sĩ. Chỉ mới đây thôi chính họ là những người được tôn vinh, có người còn được trao tặng Huân chương Lao động, nhưng chớp mắt một cơn đại dịch đi qua, họ trở thành phạm nhân vì những đồng tiền lót tay đầy tinh vi, đầy mưu hèn, kế bẩn của Việt Á. Họ đã làm hoen ố chiếc áo màu blouse trắng thanh tao đang khoác trên người và lãng phí niềm tin của nhân dân”.

Vậy nhưng, thật mừng khi ngày 04/6/2022, nhiều tờ báo đăng tin: Bộ Chính trị vừa đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế - liên quan tới vụ Việt Á.

Báo Dân Trí đã gần như đăng “cáo trạng”: Ông Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ. 

Ông Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. 

Về nhân sự Bộ Y tế, Báo Dân trí trích dẫn kết luận của Bộ Chính trị: Ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Y tế.

Ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế. 

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều ngày 04/6, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, tất cả bị can trong các vụ án liên quan đến Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Công ty Việt Á, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đều vi phạm pháp luật hình sự hiện hành và sẽ bị xử lý theo quy định. Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh: “Trục lợi chính sách là thế, Việt Á cũng là trục lợi chính sách của Đảng, Chính phủ, các chế phẩm y tế sử dụng để ngăn chặn dịch bệnh. Việc giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài cũng đã bị một số cán bộ lợi dụng chính sách để trục lợi”.

Kết quả xử lý bước đầu là 2 ông cựu Bộ trưởng bị khai trừ Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam. Điều đó khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng là kiên quyết và triệt để chống tham nhũng, tiêu cực, lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng.

Tháng 6 là dịp những người làm báo chúng tôi hướng tới ngày lễ trọng đại của nghề, những thông tin nêu trên khiến chúng ta như được củng cố niềm tin vào công lý, tin vào những nỗ lực, cố gắng tác nghiệp nghề nghiệp của anh chị em vẫn được xã hội trân trọng và tôn vinh.

Niềm vui tháng 6 năm nay như là nguồn động viên, thúc đẩy chúng tôi dấn thân góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ sự phát triển văn minh của cộng đồng. Phải chăng, đó không chỉ là niềm tin của riêng tôi, một người đã qua chặng đường dài của nghề báo, nghề luật, mà hy vọng được các đồng nghiệp luật gia, Luật sư chia sẻ.

Luật gia, Nhà báo PHAN VĂN TÂN

Tài sản nhà nước bị thất thoát ở đâu?

Lê Minh Hoàng