/ Nghề Luật sư
/ Niên biểu về nghề Luật sư ở Việt Nam trong chính quyền cách mạng từ năm 1945 đến nay

Niên biểu về nghề Luật sư ở Việt Nam trong chính quyền cách mạng từ năm 1945 đến nay

10/10/2023 05:42 |

(LSVN) - Ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46/SL về việc thành lập đoàn thể Luật sư. Trong đó quy định: “Muốn được liệt danh vào bảng Luật sư tại Tòa Thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn phải có đủ những điều kiện sau này: 1- Có quốc tịch Việt Nam, bất luận nam nữ; 2- Có bằng cử nhân luật; 3- Đã làm Luật sư tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một văn phòng Luật sư thực thụ trong nước Việt Nam. Những người đã làm Luật sư tập sự ở Pháp có thể xin tính thời hạn tập sự ở Pháp nhưng chỉ được trừ nhiều nhất là 12 tháng; 4- Có hạnh kiểm tốt; 5- Được bằng chứng rằng đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm Luật sư thực thụ”.

Ảnh minh họa.

Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 và các văn bản tiếp theo xây dựng chế độ bào chữa viên ở miền Bắc. Sáu tháng sau đó, Sắc lệnh số 69/SL ngày 18/6/1949 được thay thế bởi Sắc lệnh số 144/SL ngày 22/12/1949 (sửa đổi Điều 1 Sắc lệnh số 69/SL) mở rộng quyền bào chữa cho các bị cáo trước các tòa án. Qua hai Sắc lệnh 69/SL và 144/SL cho thấy quyền bào chữa của công dân không chỉ được thực hiện ở các vụ án hình sự mà còn ở vụ án dân sự, kinh tế.

Ngày 24/11/1984, Đại hội thành lập Đoàn Luật sư TP. Hà Nội với 16 Luật sư thành viên đầu tiên. Đây là Đoàn Luật sư sớm nhất được chính thức thành lập ở Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước thông qua Pháp lệnh Tổ chức Luật sư. Pháp lệnh gồm 6 chương, 25 điều. Đây là Pháp lệnh đầu tiên quy định về tổ chức, hành nghề Luật sư ở Việt Nam kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Theo Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987 thì Đoàn Luật sư vừa là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư, vừa đảm nhiệm vai trò như tổ chức hành nghề Luật sư.

Có nghĩa, Đoàn Luật sư kiêm làm cả nhiệm vụ nhận vụ việc từ khách hàng, thu tiền và cấp giấy giới thiệu cho Luật sư tham gia tố tụng.

Ngày 25/7/2001, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Luật sư (số 37/2001/PL-UBTVQH10). Pháp lệnh gồm 8 chương và 45 điều, đưa chế định Luật sư ở nước ta xích gần với thông lệ quốc tế. Pháp lệnh mới với tên gọi mới, bỏ bớt 2 từ “Tổ chức” so với Pháp lệnh năm 1987. Sau khi Pháp lệnh Luật sư năm 2001 có hiệu lực, hàng loạt các văn phòng Luật sư, công ty luật ra đời. Các Đoàn Luật sư lúc này chỉ giữ chức năng là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các Luật sư, với các chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi Luật sư, bồi dưỡng nghiệp vụ, giám sát Luật sư, tập sự hành nghề Luật sư, quản lý việc xét gia nhập, đăng ký tập sự, rút tên, chuyển sinh hoạt, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong Luật sư,…

Ngày 29/6/2006 Quốc hội thông qua Luật Luật sư. Luật gồm 9 chương, 94 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Luật Luật sư là văn bản quy phạm pháp luật nhằm hoàn thiện quy chế nghề Luật sư về cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Đầu năm 2008, Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, trong đó nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổ chức Luật sư toàn quốc và cách thức, trình tự tiến hành lập ra Tổ chức Luật sư toàn quốc. Để xúc tiến thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc, cùng với sự phê duyệt Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất gồm 9 thành viên (sau đó còn 7/9). Trưởng ban Chỉ đạo là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cùng các thành viên là Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, đại diện Văn phòng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có 3 vị Luật sư là Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Ngày 04/6/2008, Hội đồng lâm thời Luật sư toàn quốc ra mắt gồm 15 người (sau đó còn 13/15), do Luật sư Lê Thúc Anh (nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao) làm Chủ tịch.

Ngày 10-12/5/2009, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất. Đại hội diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của các đại biểu đại diện cho trên 5.300 Luật sư trong cả nước. Đại hội đã thông qua quyết định thành lập Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, bầu ra 32 đại biểu vào Hội đồng Luật sư toàn quốc cùng với 61 Chủ nhiệm của 61 Đoàn Luật sư là thành viên đương nhiên và 21 đại biểu vào Ban Thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam. Đại hội cũng đã bầu ra Chủ tịch và 04 Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam trong số 21 Ủy viên Ban Thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam.

Ngày 05/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1072/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề Luật sư đến năm 2020”. Chiến lược này đề ra mục tiêu đến năm 2020, phát triển số lượng khoảng từ 18.000 - 20.000 Luật sư, đạt tỷ lệ số Luật sư trên số dân khoảng 1/4.500.

Ngày 20/7/2011, Hội đồng Luật sư toàn quốc ra Quyết định số 68/ QĐ-HĐLSTQ ban hành Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư. Bộ Quy tắc gồm Lời nói đầu, 06 chương, 27 quy tắc.

Ngày 27/02/2011, Hội đồng Luật sư toàn quốc thông qua Nghị quyết số 12/NQ-HĐLSTQ quy định Luật sư mặc sắc phục theo quy định của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam. Theo đó, kể từ ngày 10/10/2011, các Luật sư bắt buộc phải mặc trang phục thống nhất khi tham gia phiên tòa theo mẫu: Áo veston và quần âu màu đen, áo sơ mi màu trắng do Đoàn Luật sư may tập trung hoặc các Luật sư tự may theo quy định của Liên đoàn; cà vạt màu xám lông chuột do Liên đoàn may thống nhất; huy hiệu có hình biểu tượng logo của Liên đoàn đeo trên ngực trái áo trang phục; trang phục thống nhất nêu trên áp dụng cho cả Luật sư nam và Luật sư nữ; mùa đông mặc đủ bộ trang phục, mùa hè có thể không mặc áo veston.

Ngày 20/11/2012, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2006. Luật sửa đổi, bổ sung năm 2012 cùng với việc duy trì các quy định cũ đã có những sửa đổi mới, trong đó có việc chuyển giao cho Liên Đoàn Luật sư Việt Nam một số nhiệm vụ quản lý nhà nước.

Ngày 17/7/2013, tại Lai Châu đã diễn ra Đại hội thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Lai Châu. Với 3 Luật sư ban đầu, đây là Đoàn Luật sư cuối cùng trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập kể từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

Ngày 14/01/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam.

Ngày 25/3/2014, Tạp chí Luật sư Việt Nam - cơ quan ngôn luận của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, diễn đàn của giới Luật sư Việt Nam - ra mắt và phát hành số đầu tiên tại Hà Nội. Tiếp đó, ngày 17/5/2017 Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam ra mắt và trở thành cơ quan báo chí thứ hai của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam. Theo chủ trương quy hoạch báo chí của Chính phủ, ngày 21/8/2020 có Quyết định số 226/ QĐ-BTTTT cấp lại Giấy phép hoạt động báo chí cho Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, theo đó Tạp chí Luật sư Việt Nam là cơ quan với hai loại hình báo chí (in và điện tử).

Ngày 22/9/2014, Bộ Chính trị có Kết luận số 102-KL/TW về hội quần chúng, xếp Liên Đoàn Luật sư Việt Nam được hưởng chế độ như tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp. Cụ thể, tiết 2.2 Kết luận 102-KL/TW Bộ Chính trị yêu cầu “về nguyên tắc, trước mắt giữ nguyên các hội đã được xác định là tổ chức chính trị xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp,… Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam được hưởng chế độ như các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp”.

Ngày 17-19/4/2015, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II diễn ra tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 386 đại biểu đại diện cho 9.436 Luật sư và hơn 3.500 người tập sự hành nghề Luật sư trong cả nước. Đại hội đã thông qua Điều lệ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam sửa đổi, bầu 95 đại biểu (trong đó có 63 Luật sư là Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư là thành viên đương nhiên) vào Hội đồng Luật sư toàn quốc và 21 đại biểu vào Ban Thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam; 04 Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam (Chủ tịch và 01 Phó Chủ tịch được kiện toàn sau đó). Bộ máy tổ chức gồm 05 ủy ban và các cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Sau Đại hội, nhiều vấn đề liên quan đến công tác tổ chức, hoạt động của Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư trong cả nước được thống nhất, điều chỉnh chặt chẽ hơn. Trong đó, có những điểm đáng chú ý như: quy định thống nhất thu phí thành viên (trước đó Luật sư nộp phí thành viên cho Liên Đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư nơi đăng ký hoạt động với các mức thu của các Đoàn khác nhau); các Đoàn Luật sư đổi tên Điều lệ Đoàn Luật sư thành Nội quy Đoàn Luật sư,…

Ngày 13/10/2015, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Ngày 13/12/2019, Hội đồng Luật sư toàn quốc ra Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ban hành Bộ quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (sửa đổi). Bộ quy tắc này gồm Lời nói đầu, 6 chương với 32 điều (quy tắc).

Ngày 25-26/12/2021, Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc nhiệm kỳ III diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Số đại biểu chính thức được triệu tập gồm 548 Luật sư. Đại hội đã thông qua Điều lệ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam sửa đổi, bầu ra 31 Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc trong tổng số 93 Ủy viên; 21 Ủy viên Ban Thường vụ; 06 Ủy viên Thường trực (01 Chủ tịch và 05 Phó Chủ tịch). Bộ máy tổ chức gồm 6 Ủy ban và 5 cơ quan, đơn vị trực thuộc.

Tính đến ngày 15/8/2023, cả nước có 63 Đoàn Luật sư với 17.768 Luật sư, khoảng 10.000 người tập sự hành nghề Luật sư và trên 6.000 tổ chức hành nghề Luật sư. Liên Đoàn Luật sư Việt Nam là thành viên của Tổ chức Luật sư thế giới, Liên Đoàn Luật sư châu Á và có quan hệ hợp tác với nhiều tổ chức Luật sư của các nước.

Tiến sĩ, Luật sư LIÊU CHÍ TRUNG

Phó Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Luật sư với hoạt động xây dựng và tuyên truyền, phố biến pháp luật

Nguyễn Hoàng Lâm