/ Góc nhìn
/ Nữ tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, có nồng độ cồn cao sẽ bị xử lý như thế nào?

Nữ tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, có nồng độ cồn cao sẽ bị xử lý như thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2019 thì nữ tài xế gây tai nạn giao thông có nồng độ cồn cao này sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng do có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

Nữ tài xế gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy, có nồng độ cồn cao.

Vừa qua, một lãnh đạo CSGT quận 1, TP. HCM cho biết, đã lập biên bản tạm giữ ôtô BMW gây tai nạn rồi bỏ chạy. Nữ tài xế là Lưu Thị Hồng Liên (35 tuổi, quê Quảng Bình) có nồng độ cồn 1,017 mg/lít khí thở.

Theo CSGT quận 1, đêm 28/8, người phụ nữ này lái ôtô trên đường Phạm Viết Chánh, quận 1, hướng từ Cống Quỳnh về vòng xoay ngã 6 Cộng Hòa thì va quyệt với ôtô đang đậu và tiếp tục chạy. Nhiều người dân chạy xe máy đuổi theo khoảng 5km, đến đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình thì chặn được ôtô.

Tuy nhiên, nữ tài xế tiếp tục nhấn ga kéo lê xe máy của người truy đuổi chặn phía trước gây tóe lửa suốt 3km, rất may không cháy nổ. Ôtô dừng lại trước trụ sở Công an phường 11, quận 3 trên đường Cách Mạng Tháng 8.

Ngoài xe máy bị kéo lê, ôtô BMW đã tông hư hỏng hai xe máy khác trong lúc tháo chạy, không có thương vong.

Đánh giá về vụ việc này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, hành vi của người phụ nữ này là hết sức nguy hiểm, rất may là không có thiệt hại về người. Tuy nhiên hành vi này là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ nên cần phải xem xét xử lý nghiêm minh và tuyên truyền để làm bài học cho những người khác.

Theo thông tin ban đầu thì người phụ nữ này lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn cao, kết quả kiểm tra nồng độ cồn vượt mức cao nhất trong khung xử lý vi phạm hành chính. Với hành vi lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn thì người phụ nữ này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Căn cứ quy định tại Điều 5, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; xe máy kéo, xe máy chuyên dùng vi phạm quy tắc giao thông đường bộ:

“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Hoặc không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng”.

Như vậy, căn cứ vào quy định của Nghị định 100/2019 thì người phụ nữ này sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng do có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

"Rất may là việc nữ tài xế này kéo lê chiếc xe máy không xảy ra cháy nổ, nếu cháy nổ xảy ra thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy cũng là hành vi rất đáng trách, hành vi này không những vi phạm đạo đức xã hội còn một là hành vi vi phạm pháp luật", Luật sư Cường nói.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ tai nạn, làm rõ yếu tố lỗi và hậu quả xảy ra. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người phụ nữ lái xe ô tô này vi phạm nồng độ cồn, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: Thương tích của nạn nhân 61% trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người phụ nữ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trường hợp người lái xe này có lỗi nhưng hậu quả thương tích chưa đến 61% hoặc thiệt hại tài sản chưa đến 100.000.000 đồng thì hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại.

Trong hoạt động giao thông thì những việc va chạm, những vụ việc tai nạn giao thông xảy ra không ít. Tuy nhiên, không phải vụ tai nạn giao thông nào thì người gây tai nạn cũng bị đánh đập, đặc biệt là phụ nữ. Người phụ nữ này khai báo là sợ bị đánh đập nên bỏ chạy là không thuyết phục. Có thể do tác động của rượu bia nên người này có những suy nghĩ không đúng đắn, chưa chuẩn mực dẫn đến có những hành vi nguy hiểm tiếp theo.

Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc bỏ chạy ở đây là trốn tránh trách nhiệm hay do sợ bị đánh. Dù là nguyên nhân nào thì hành vi bỏ chạy khỏi hiện trường cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì với người gây tai nạn rồi bỏ chạy sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.

Theo Luật sư, trong những vụ án tai nạn giao thông, khi nạn nhân bị thương tích thì người gây tai nạn phải có trách nhiệm đưa nạn nhân đi cấp cứu kịp thời, đây là trách nhiệm về mặt đạo đức xã hội và cũng là trách nhiệm pháp lý. Nếu người lái xe do hoảng loạn, sợ hãi, do thiếu kỹ năng sống mà bỏ chạy khỏi hiện trường dẫn đến hậu quả nạn nhân thiệt mạng thì trách nhiệm pháp lý sẽ nặng nề hơn rất nhiều.

Việc người gây tai nạn giao thông không cứu giúp nạn nhân, bỏ chạy thì không những gây nguy hiểm đến tính mạng cho nạn nhân bởi không được chú giúp kịp thời, gây bức xúc cho gia đình nạn nhân mà hành vi bỏ chạy còn có thể gây nguy hiểm cho những người khác đang tham gia giao thông bởi lái xe trong tình trạng lo lắng, hoảng loạn, sợ hãi, bỏ chạy như vậy thì rất dễ có thể gây ra những vụ tai nạn tiếp theo. Bởi vậy trong mọi tình huống tai nạn giao thông xảy ra thì người gây tai nạn phải hết sức bình tĩnh, tỉnh táo để có những xử lý phù hợp với đạo đức xã hội cũng như phù hợp với pháp luật.

Thực tiễn có những vụ việc các đối tượng dàn cảnh va chạm giao thông để cướp tài sản cũng như có những vụ việc gây gây tai nạn giao thông bị người dân vây đánh. Tuy nhiên, những vụ việc đó là rất hi hữu, không phải phổ biến, hơn nữa những người có kinh nghiệm thì hoàn toàn có thể phán đoán được những tình huống có thể xảy ra. Với trường hợp nghi ngờ các đối tượng dàn cảnh cướp tài sản thì có thể kêu cứu, la hét những người xung quanh.

Khi xung quanh có nhiều người thì những chuyện như vậy sẽ hiếm khi xảy ra. Còn đối với tình huống sợ người dân vây đánh thì chỉ xảy ra trong một số ít tình huống. Trong trường hợp đó thì người lái xe có thể cố thủ trong xe hoặc rời đi khỏi hiện trường đến thẳng cơ quan chức năng để trình báo đồng thời gọi người cứu giúp nạn nhân… Đối với những vấn đề này thì những người tham gia giao thông cần có những kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết để có những ứng xử phù hợp với đạo đức xã hội và phù hợp với pháp luật, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

THANH THANH

/nghi-dinh-82-nd-cp-nang-tam-quan-tri-to-chuc-hanh-nghe-luat-su-de-tranh-nhung-rui-ro-phap-ly.html