/ Góc nhìn
/ Phát tán thông tin xấu độc và câu chuyện đối mặt pháp lý

Phát tán thông tin xấu độc và câu chuyện đối mặt pháp lý

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mạng xã hội như một phần tất yếu trong cuộc sống và việc sử dụng mạng xã hội sẽ chẳng có gì sai bởi trong một xã hội mà công nghệ thông tin phát triển rất mạnh, thì những giai đoạn tiên tiến của việc chia sẻ thông tin cũng như thu nhập dữ liệu sẽ được nâng cấp với những phương thức ưu việt. Tuy nhiên, bên cạnh việc tối ưu hóa lượng thông tin khổng lồ được chia sẻ nhằm nâng cao số lượng người dùng mạng xã hội, thì một di chứng để lại là sự phản tác dụng của việc lạm dụng nó với mục đích xấu, quảng bá, tuyên truyền thông tin sai lệch.

Hình ảnh được cắt ra từ clip.

Thời kỳ 4.0 phát triển, sự lớn mạnh của công nghệ mạng xã hội đang đạt đến tầm cao mới, ta đã không còn xa lạ với những mạng xã hội thường dùng như Youtube, tiwtter, facebook hay những mạng xã hội khác đang nổi lên gần đây như Tik Tok…

Mạng xã hội như một phần tất yếu trong cuộc sống và việc sử dụng mạng xã hội sẽ chẳng có gì sai bởi trong một xã hội mà công nghệ thông tin phát triển rất mạnh, thì những giai đoạn tiên tiến của việc chia sẻ thông tin cũng như thu nhập dữ liệu sẽ được nâng cấp với những phương thức ưu việt.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tối ưu hóa lượng thông tin khổng lồ được chia sẻ nhằm nâng cao số lượng người dùng mạng xã hội, thì một di chứng để lại là sự phản tác dụng của việc lạm dụng nó với mục đích xấu, quảng bá, tuyên truyền thông tin sai lệch.

Tình trạng trên đã luôn làm người ta phải đặt câu hỏi có hay không chấm dứt được tình trạng này. Và làm thế nào để triệt để ngăn chặn được tình trạng này tái diễn?

Một trong những trường hợp tiêu biêu của tình trạng trên phải nói tới câu chuyện “Làm giả thông báo Sở GD&ĐT”. Cụ thể, tại Đắk Lắk, một công văn giả Sở GD&ĐT tỉnh “Về việc cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên của tỉnh nghỉ học để phòng, chống dịch Covid” đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Và không chỉ riêng Đắk Lắk, tình trạng trên cũng đã xuất hiện tại Bình Phước và một số tỉnh thành khác. 

Hay như gần mới đây, một đề tài xã hội được bàn tán sôi nổi xoay quanh câu chuyện về hành vi đạo đức của con người thông qua một clip được phát tán rộng rãi.

Hình ảnh trong clip là một nam sinh lớn tiếng đòi cô giáo trả điện thoại bị thu trước đó. Được các bạn cổ vũ, nam sinh ngày càng lớn tiếng hơn. Tuy nhiên, sau đó dù được nhiều học sinh khác trong lớp ngăn cản nhưng nam sinh này vẫn tiến lên phía bục giảng, tát cô giáo và lấy lại điện thoại.

Được biết, mặc dù chưa xác minh được clip là thật hay dàn dựng, song trên mạng xã hội, hàng nghìn ý kiến đã thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi của nam sinh trong clip.

Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải, Bộ GD&ĐT đã lập tức chỉ đạo các Sở GD&ĐT rà soát, kiểm tra tại các đơn vị trường học trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị chức năng vào cuộc xác minh tính xác thực của nội dung clip.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VPLS Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, đối với người đã phát tán clip lên mạng xã hội thì cũng cần làm rõ động cơ mục đích để làm gì.

Luật sư Cường chia sẻ, trong trường hợp nhằm mục đích tố cáo, vạch trần sai phạm, làm chứng cứ để xử lý với người vi phạm thì có thể được khuyến khích. Trong trường hợp này, làm việc với người đã phát tán clip, cơ quan chức năng sẽ xác định được sự việc xảy ra ở đâu, vào thời gian nào, giữa ai với ai, hậu quả hiện nay như thế nào....

“Tuy nhiên nếu sử dụng clip có tính chất cổ suý, nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người trong clip thì người phát tán thông tin cũng sẽ bị xử lý kỷ luật và bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Vấn đề này cơ quan chức năng sẽ làm rõ trong quá trình giải quyết vụ việc”, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật.

Đồng quan điểm với Luật sư Đặng Văn Cường, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho hay, việc đưa ra những thông tin giả mạo trong thời điểm nhạy cảm sẽ tác động rất xấu đến xã hội, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đời sống của nhiều người.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, trong thời điểm nhạy cảm của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã có những quy định rõ ràng trong việc tuyên truyền, quảng bá, đưa thông tin sai sự thật. Theo đó, theo quy định của pháp luật hành vi “Đưa tin sai sự thật về phòng chống dịch, bệnh Covid-19” có thể bị xử lý hình sự theo Điều 288, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao tại Công văn số 45/TANDTC-PC năm 2020 có nội dung: “Người có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo quy định tại Điều 288”.

Theo Điều 288, người nào thực hiện một trong các hành vi “Thu lợi bất chính” từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

“Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ hành vi vi phạm, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả xảy ra với xã hội để quyết định xử lý hình sự hay không", Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Luật sư Bình cũng cho hay, đối với hành vi “Đưa tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội” cũng sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức xử phạt có thể lên đến 20.000.000 đồng với tổ chức và 10.000.000 đồng đối với cá nhân.

MỸ LINH - LÂM HOÀNG

Nội dung dạy học trực tuyến phải phù hợp với từng đối tượng học sinh

Admin