/ Luật sư - Bạn đọc
/ Phiên tòa xét xử vụ kiện Dự án KDC Hòa Lân: Những vấn đề cần làm rõ

Phiên tòa xét xử vụ kiện Dự án KDC Hòa Lân: Những vấn đề cần làm rõ

01/01/0001 00:00 |

(LSO) -Sau khi bị Bộ Công an bắt giữ vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của Công ty Kim Oanh, ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Công ty Thiên Phú đã xin rút đơn kiện và đề nghị tòa đình chỉ việc thụ lý vụ án theo quy định pháp luật, đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền đối với người không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn Tuấn… Thế nhưng, TAND quận 7 vẫn đưa vụ án ra xét xử.

Từ ngày 04-07/8 vừa qua, TAND quận 7, TP. HCM mở lại phiên xử sơ thẩm vụ kiện đòi “Hủy kết quả đấu giá”, đòi lại dự án Khu dân cư Hòa Lân (phường Thuận Giao, TP. Thuận An, Bình Dương) của Công ty TNHH Sản xuất & Thương mại Thiên Phú.

Phiên xử sơ thẩm vụ kiện đòi “Hủy kết quả đấu giá”, đòi lại dự án Khu dân cư Hòa Lân.

Dự án trước đó đã bị bán đấu giá để thu hồi nợ xấu. Phải trải qua tới 12 phiên đấu giá thì dự án mới được bán thành công. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển địa ốc Kim Oanh TP. HCM, với số tiền trúng đấu giá là 1.353 tỉ đồng, cao hơn so với giá khởi điểm là 390 tỉ đồng.

Tưởng chừng vụ nợ xấu đã được giải cứu, tài sản Nhà nước được thu hồi, thế nhưng bất ngờ sau đó Công ty Thiên Phú đã khởi kiện và được TAND quận 7 thụ lý, ra quyết định ngăn chặn chuyển dịch tài sản, khiến cho dự án nghìn tỷ rộng hơn 49ha, có vị trí đắc địa tại Bình Dương bị “chết lâm sàng” từ đó đến nay, khiến cho Công ty Kim Oanh thiệt hại hàng trăm tỉ đồng.

Trước khi bị bắt, ông Bùi thế Sơn, Giám đốc Công ty Thiên Phú đã bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuấn làm Phó Giám đốc. Ông Tuấn sau đó có đơn gửi đến TAND quận 7 đòi đưa hai “cổ đông mới” vào “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” trong vụ kiện. Hai cổ đông mới là bà Phạm Thị Hường (bà Hường tự nhận là đã ký hợp đồng mua lại 99% cổ phần của Công ty Thiên Phú từ ông Bùi Thế Sơn), và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (con dâu bà Hường). 

Tại tòa, bà Hà Thị Hồng Quyên, người đại diện cho bà Hường và bà Châu đề nghị tòa cần dừng vụ án hoặc tạm đình chỉ, nhưng yêu cầu này đã không được HĐXX chấp nhận.

Công ty Thiên Phú đề nghị tòa tuyên vô hiệu các hợp đồng mua bán tài sản đấu giá năm 2017; hai hợp đồng tín dụng giữa Thiên Phú với ngân hàng; biên bản thỏa thuận giữa Thiên Phú và ngân hàng về bàn giao tài sản để tiến hành thủ tục đấu giá năm 2015; hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và ngân hàng năm 2015; một phần hợp đồng thế chấp tài sản là dự án Hòa Lân và ngân hàng và hủy kết quả đấu giá…

Tại phiên tòa, luật sư của Công ty Thiên Phú cho rằng “trong quá trình ký kết các văn bản nêu trên, Thiên Phú vi phạm pháp luật do không biết luật. Vì nợ ngàn tỉ nên ngân hàng bảo đưa tài sản nào vào thế chấp thì phải đưa. Ngân hàng yêu cầu ký thì phải ký. Đến đầu năm 2019, Thiên Phú rà soát lại hồ sơ mới biết được đã vi phạm nên khởi kiện”.

Trước sự vô lý này, phía bị đơn là Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, ngân hàng Agribank và bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là Tập đoàn Kim Oanh, văn phòng công chứng đề nghị đình chỉ vụ kiện vì Thiên Phú không có tư cách khởi kiện, ông Bùi Thế Sơn là người duy nhất có quyền và lợi ích hợp pháp đã rút đơn khởi kiện.

Theo đại diện của Nam Sài Gòn, biên bản thỏa thuận về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, Thiên Phú tự nguyện bàn giao toàn bộ dự án gồm hồ sơ, tài sản cho ngân hàng. Biên bản này, không có sự tham gia của Nam Sài Gòn nên Thiên Phú không thể kiện Nam Sài Gòn được. 

Thứ hai, căn cứ Điều 299, Điều 301, Điều 303 BLDS 2015; Điều 56, khoản 1 Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm thì ngân hàng là bên có tài sản bán đấu giá. Chủ thể của HĐMBTSĐG có ngân hàng, Kim Oanh và Nam Sài Gòn. Thiên Phú có mặt với tư cách chứng kiến và theo thỏa thuận là hỗ trợ hoàn tất thủ tục chuyển giao các quyền liên quan đến dự án nên không có quyền lợi, nghĩa vụ trong hợp đồng nói trên. Từ đó, Thiên Phú không có quyền khởi kiện.

Trong HĐMBTSĐG, Thiên Phú chỉ phát sinh yêu cầu về dân sự nếu có căn cứ cho rằng văn phòng công chứng có vi phạm trong việc công chứng. Nhưng nếu khởi kiện vấn đề này thì Thiên Phú phải kiện văn phòng công chứng và thẩm quyền giải quyết không thuộc TAND quận 7.

Mặt khác, căn cứ Điều 385 BLDS: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự”. Do đó, hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và Agribank là quan hệ pháp luật giữa Nam Sài Gòn với Agribank. Thiên Phú không phải chủ thể giao kết hợp đồng nên không có quyền yêu cầu khởi kiện đòi hủy hợp đồng nêu trên.

Từ những căn cứ trên, đại diện Nam Sài Gòn nêu: “Nam Sài gòn không có giao dịch nào và cũng không có bất kỳ văn bản giao dịch nào với Thiên Phú đối với nội dung khởi kiện nói trên. TAND quận 7 thụ lý xét xử sai thẩm quyền; thụ lý vụ án sai; không đúng đơn khởi kiện; xác định sai tư cách tố tụng đối với Nam Sài Gòn. Từ đó chúng tôi phản đối, bác bỏ toàn bộ những yêu cầu của Thiên Phú đối với Nam Sài Gòn”.

Đồng thời, phía Kim Oanh cho rằng, biên bản thỏa thuận giữa Thiên Phú và ngân hàng về bàn giao tài sản để tiến hành thủ tục đấu giá năm 2015 và hợp đồng bán đấu giá giữa Nam Sài Gòn và ngân hàng năm 2015 đã hết hiệu lực khởi kiện nên đề nghị tòa bác đơn.

Đối với những câu hỏi liên quan đến hợp đồng tín chấp mà Thiên Phú vay vàng, Agribank khẳng định nội dung khởi kiện này không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND quận 7 nên không trả lời và đề nghị HĐXX đình chỉ yêu cầu này.

Dự án KDC Hòa Lân.

Đáng chú ý, tại phiên tòa Thiên Phú bất ngờ đề cập đến một đơn vị là Công ty phát triển nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) về việc sau khi bán đấu giá thành công, Agribank có nhận được văn bản của Thủ Đức House về việc yêu cầu báo cáo tiến trình trả tiền của Tập đoàn Kim Oanh (bên mua trúng đấu giá); và đề nghị nếu Kim Oanh vi phạm nghĩa vụ trả tiền thì Thủ Đức House xin được mua dự án Hòa Lân và thanh toán một lần?.

Đề cập trên ngay lập tức bị Agribank phản bác, bởi Thủ Đức House là đơn vị tham gia đấu giá, nhưng đã trả giá thấp hơn nên không được trúng đấu giá. Chúng tôi không có nghĩa vụ phải báo cáo tiến trình sau khi đấu giá thành đến Thủ Đức House”. Nói cách khác, Thủ Đức House không có quyền “yêu cầu báo cáo”.   

Thiên Phú cho rằng: “Sau khi bán đấu giá dự án xong, Thủ Đức House có văn bản xin mua và thanh toán một lần thì được quyền ưu tiên mua, tại sao Agribank ưu ái cho Kim Oanh?”.

Tuy nhiên Agribank đáp trả: “Thủ Đức House trả giá thấp hơn, sau đó đòi mua lại giữa chừng thì làm sao được gọi là được ưu tiên. Ngân hàng không thể ưu tiên cho một đơn vị trả giá thấp hơn, không trúng đấu giá”. Kim Oanh là bên trúng đấu giá, ngân hàng phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ với họ theo đúng hợp đồng đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Tôi không hiểu tại sao Thiên Phú luôn đề cập đến Thủ Đức House, trong khi đến thời điểm này tòa không xác định Thủ Đức House là bên có quyền lợi, nghĩa vụ gì trong vụ án này?”, đại diện Agribank chất vấn.  

Một nội dung đáng chú ý khác, tại phiên xét xử, Luật sư Nguyễn Văn Quynh, người bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, đề nghị Chủ tọa, Thẩm phán Lê Thị Phơ xác định tư cách tố tụng của Agribank trong vụ kiện là gì?. Ngân hàng là bị đơn hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong thông báo thụ lý vụ án, các văn bản khác thì Agribank được xác định là bị đơn trong các yêu cầu khởi kiện về hợp đồng tín dụng, thế chấp. Trong Quyết định 71/2020/QĐXXST-KDTM đưa vụ án ra xét xử ngày 26/6/2020 thì ngân hàng được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình xét xử, Chủ tọa lại bảo Agribank là bên bị kiện.

Trả lời câu hỏi này, Chủ tọa cho rằng “việc xác định tư cách tố tụng của ngân hàng sẽ được tòa nhận định, xác định và ghi nhận trong bản án, còn hiện nay đang trong giai đoạn hỏi đáp”.  

Trao đổi với PV, Luật sư Quynh khẳng định: “Trả lời của Chủ tọa như vậy là trái luật, vi phạm tố tụng. Tư cách tố tụng của các đương sự phải được xác định trước khi đưa vụ án ra xét xử và tư cách này không thay đổi trong quá trình xét xử. Vụ án đang xử, các yêu cầu của Thiên Phú về vô hiệu hợp đồng tín dụng, thế chấp, tòa đã thụ lý và đang xem xét là có liên quan trực tiếp đến Agribank. Thiên Phú được xác định là nguyên đơn với các yêu cầu liên quan đến hợp đồng tín dụng, thế chấp đã được tòa thụ lý; nhưng Agribank chưa được xác định tư cách tố tụng; sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích, cũng như nghĩa vụ của các đương sự trong vụ án”.

Luật sư Quynh đặt vấn đề: “Trước đây do Agribank đã có văn bản báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ về khoản nợ của Thiên Phú, Bộ Tư pháp đã có kết luận thanh tra về cuộc bán đấu giá này với khẳng định nhiều tố cáo không có cơ sở, Chính phủ cũng đã có ý kiến chính thức. Nói cách khác thẩm quyền của cơ quan hành pháp khi xử lý sự việc này đã “đụng trần” với các kết luận chính xác, khách quan. Phải chăng vì vậy tòa mới trả lời một cách “nước đôi” như vậy?”

Dự kiến ngày 13 và 14/8, tòa sẽ tiếp tục phiên xét xử.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi có đơn khởi kiện gửi đến TAND quận 7, Giám đốc Thiên Phú là ông Bùi Thế Sơn bị C03 bắt tạm giam vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt 30 tỉ đồng của Công ty Kim Oanh tại dự án Hòa Lân. Như vậy, cùng liên quan dự án Hòa Lân, hiện đang có một vụ án hình sự và một vụ kiện dân sự xảy ra.
Có những dấu hiệu cho thấy trước khi bị bắt, ông Sơn và một số đối tượng đã lên kịch bản quyết “đổi chủ” Thiên Phú, quyết lấy tư cách nguyên đơn, kéo dài vụ kiện. Cụ thể, trong Công ty Thiên Phú, có hai người sở hữu phần vốn là ông Sơn (99%) và ông Đặng Bình Anh Trọng (1%). Cuối 2019, ông Trọng đã có đơn gửi Công an Bình Dương, tố cáo việc bị một nhóm “giang hồ” đe dọa, ép phải chuyển nhượng “miễn phí” 1% vốn này cho người khác.  
Và ngay trước khi ông Sơn bị bắt chỉ vài ngày, lại có hai vụ chuyển nhượng vốn góp bất thường khác diễn ra. Ông Sơn chuyển nhượng 99% vốn Thiên Phú, người còn lại chuyển nhượng 1% vốn.  
Hiện nay cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có văn bản số 1275/CSKT-P15 “đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương chưa thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đối với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Phú cho đến khi có ý kiến của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an. Vì vậy, cho đến thời điểm này, Công ty Thiên Phú vẫn chưa được cấp GCNĐKDN mới. Như vậy, đến nay pháp luật không công nhận hai mẹ con bà Hường là thành viên góp vốn của Công ty Thiên Phú. Việc này phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương đã có văn bản gửi TAND quận 7, khẳng định chưa thực hiện đăng ký thay đổi này cho đến khi có ý kiến mới của CQĐT Bộ Công an. Nghĩa là thương vụ mua bán phần vốn góp chưa hoàn thành.

                                                                                                       Nhóm PV

/vu-kien-du-an-hoa-lan-kim-oanh-group-de-nghi-bac-bo-yeu-cau-tam-dinh-chi-vu-an-cua-cong-ty-thien-phu.html