/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Phổ biến, giáo dục pháp luật trên thiết bị di động

Phổ biến, giáo dục pháp luật trên thiết bị di động

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiện nay, với rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua internet hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp,.. đó là một thuận lợi nhưng cũng là một thách thức bởi thiếu đi sự thống nhất, hướng dẫn được cung cấp bởi một cá nhân, tổ chức chuyên nghiệp sẽ dẫn tới sai lạc hoặc không cập nhật theo sự thay đổi của pháp luật. Vì vậy, với vai trò chủ đạo trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Nhà nước phải tạo được kênh chính thức để người dân có thể thông qua đó tìm hiểu, nắm bắt kiến thức pháp luật.

Ảnh minh họa.

Phổ biến, giáo dục pháp luật là công tác đang ngày càng được tuyên truyền, đẩy mạnh nhằm xây dựng văn hóa pháp luật. Đây là khâu đầu tiên trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật nhằm đem pháp luật tới gần hơn với thực tiễn áp dụng cũng như tới gần hơn với người dân.

Ý nghĩa lớn nhất của hoạt động này là nhằm giúp cho pháp luật, với nhiều các vấn đề, thuật ngữ chuyên ngành được khái quát hóa để trở nên dễ hiểu hơn và giúp người dân nắm bắt kịp thời qua đó giúp nâng cao dân trí và ý thức của người dân. Tuy mục tiêu của hoạt động này là nhằm hướng tới việc phổ cập pháp luật cho toàn dân thì mỗi nhóm người trong xã hội lại có trình độ, khả năng tiếp thu cũng như những mối quan tâm khác nhau. Hoạt động này phải thay đổi dựa trên độ tuổi, trình độ dân trí, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của từng nhóm đối tượng. Đây chính là phương tiện hỗ trợ tích cực để nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân vì vậy ngôn ngữ được sử dụng phải đại chúng, hành văn giản dị, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu.

Mỗi hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có sự phù hợp với một hoặc một số đối tượng nhất định. Do đó, việc phổ biến, giáo dục pháp luật phải xuất phát từ đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật để lựa chọn hình thức có thể đạt được kết quả tối ưu. Ngoài ra, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật còn phải phù hợp với từng địa bàn, điều kiện kinh tế - xã hội nhất định.

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong cách thức tiếp cận thông tin của người dân, làm thay đổi mạnh mẽ đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, tại Việt Nam tính tới tháng 05/2020, tỉ lệ người sử dụng internet chiếm 68,70%, tỉ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động là 99,80% và tỉ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động mạng 4G là 97%. Nhu cầu tìm hiểu pháp luật qua các trang thông tin điện tử, thiết bị di động của người dân ngày càng tăng.

Việc tận dụng tối đa những lợi thế của công nghệ không chỉ giúp mở rộng phạm vi đối tượng tiếp cận, tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp cận pháp luật mà còn giúp giảm thiểu được chi phí, nâng cao hiệu quả, chất lượng cũng như số lượng nội dung tuyên truyền. Do công cụ tìm kiếm thông tin trên thiết bị di động đã được ứng dụng tương đối phổ biến ở Việt Nam và bao quát rộng rãi tới nhiều đối tượng (nam nữ, thanh thiếu niên, người lớn, trẻ em, ở nông thôn, thành thị…) nên việc xây dựng, phát triển hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật qua internet, thiết bị di động bằng việc xây dựng hệ thống câu hỏi - đáp pháp luật rất cần được các cơ quan có trách nhiệm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật quan tâm thích đáng.

Giải pháp xây dựng hệ thống câu hỏi - đáp để phổ biến pháp luật qua thiết bị di động

Một số yêu cầu chung cần cân nhắc khi xây dựng hệ thống câu hỏi - đáp pháp luật

Trên thực tế, không phải lúc nào việc chấp hành pháp luật cũng trở thành ý thức tự nguyện của mọi người dân. Do đó, mỗi cá nhân rất cần được trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật.

Yêu cầu tiên quyết để việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật dưới hình thức hệ thống câu hỏi hỏi - đáp đạt hiệu quả là phải xây dựng được bộ câu hỏi - đáp (trả lời) sát với thực tiễn cuộc sống.

Với mục tiêu là phổ biến kiến thức pháp luật cơ bản và đáp ứng yêu cầu phù hợp với phạm vi đối tượng áp dụng rộng, hệ thống câu hỏi nên hướng tới các tình huống pháp luật thông dụng, hiện hành để giải quyết các vấn đề thường gặp trong thực tế cuộc sống thay vì đi sâu vào kiến thức lý luận, yêu cầu chuyên môn hóa cao.

Để xây dựng một hệ thống câu hỏi thật sự thiết thực, không bị xa rời với thực tiễn đời sống cũng như mối quan tâm của chính đối tượng cần tuyên truyền, phổ biến, bộ câu hỏi nên được xây dựng dựa theo phương pháp nghiên cứu thu thập số liệu.

Vì đối tượng hướng tới là đông đảo người dân trong xã hội, với độ tuổi, trình độ học vấn và khả năng tiếp thu khác nhau, trong khi hệ thống văn bản pháp luật hiện hành khá đồ sộ, câu trả lời đưa ra cần cung cấp được các thông tin chung nhất để giúp người dân nhận định được quy định nào của pháp luật là cấm đoán, quy định nào bắt buộc phải thực hiện khi thực hiện hành vi. Ví dụ như tội phạm liên quan tới ma túy thường phổ biến vì sự thiếu hiểu biết của người dân. Thay vì đi sâu vào việc phân tích các quy định liên quan tới các hình thức của loại tội phạm này theo các điều khoản trong Bộ luật Hình sự, cụ thể như Bộ luật Hình sự năm 2015, với 13 điều quy định các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan tới ma túy, bộ câu hỏi nên tập trung tuyên truyền tổng hợp thông tin về các hành vi bị pháp luật cấm khi người dân tìm hiểu về vấn đề này.

Đồng thời có thể xem xét thêm việc chuyên biệt hóa hệ thống này dựa trên yếu tố liên quan tới nghề nghiệp. Bên cạnh những vấn đề pháp lý gắn liền với cá nhân, mỗi một nhóm chủ thể với ngành nghề khác nhau sẽ quan tâm cụ thể hơn ở một lĩnh vực pháp luật khác nhau. Bộ câu hỏi - đáp cần tập trung vào việc tìm hiểu về quy định pháp luật cũng như nhu cầu của từng loại đối tượng này.

Với những câu hỏi phân hóa cho các nghề nghiệp, trước tiên cần phải đưa ra những câu hỏi để tìm hiểu về mức độ thông hiểu luật của từng nhóm này. Với mỗi nhóm đối tượng này, mức độ vận dụng luật vào trong công việc hàng ngày là khác nhau. Bộ câu hỏi - đáp không nên tập trung vào các vấn đề chuyên môn hóa quá cao để tránh việc mất đi tính khái quát cũng như gây khó khăn cho người dùng. Thay vào đó, nên hướng tới việc tìm hiểu những khó khăn của từng nhóm ngành khi tìm kiếm văn bản áp dụng vào công việc của mình. Hệ thống câu trả lời được xây dựng cho các câu hỏi này, khác với những kiến thức pháp luật thông dụng ở trên, nên được khuyến cáo là không có giá trị thay thế phương án tư vấn cụ thể của Luật sư.

Hệ thống câu hỏi và giải đáp pháp luật trong hệ sinh thái phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ nên nhằm để tăng mức độ phổ biến và tăng khả năng tiếp cận của mỗi người dân với văn bản pháp luật, hạn chế việc lãng phí thời gian, nhân lực vào tìm kiếm thông tin chứ không thể trở thành giải pháp cho mọi vấn đề pháp lý vì còn nhiều rào cản về mặt kỹ thuật và tính ứng dụng.

Một số yêu cầu cụ thể khi xây dựng hệ thống câu hỏi - đáp pháp luật

Một hệ thống câu hỏi phù hợp là tiêu chí quyết định để bảo đảm việc xây dựng một hệ sinh thái phổ biến giáo dục pháp luật trên nền tảng di động. Với một bộ câu hỏi phù hợp, người dân có thể dễ dàng tra cứu những thông tin pháp luật cần thiết, qua đó áp dụng trực tiếp vào đời sống, nâng cao tính hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.

Hệ thống này nên được xây dựng để có thể tuyên truyền, phổ biến những kiến thức cơ bản được áp dụng cho đại đa số người dân với những kiến thức liên quan tới quyền con người, quyền nhân thân của mỗi cá nhân, các vấn đề liên quan tới hoạt động thực hiện quyền cơ bản (ví dụ: điều kiện kết hôn, khai sinh, khai tử, ứng cử, bầu cử…) hoặc về trình tự, thủ tục để giải quyết những vụ, việc hành chính thông thường (như đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử…), các quy định liên quan tới những tội hình sự.

Hỏi đáp pháp luật là một trong những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả. Hiệu ứng của hình thức tuyên truyền này là người đọc, người nghe dễ dàng tiếp cận đến những vấn đề pháp luật mà mình quan tâm một cách nhanh chóng, giới hạn được vấn đề cần tìm hiểu để đi vào chuyên sâu, không mất thời gian cho những vấn đề không liên quan trực tiếp. Các câu hỏi về pháp luật có nhiều dạng, có thể là câu hỏi trực tiếp (ví dụ như “Di chúc là gì?”) hoặc câu hỏi gián tiếp thông qua một tình huống, một sự kiện xảy ra trong thực tế (ví dụ như “Tôi có quyền lập di chúc để lại tài sản cho con riêng được không?”).

Đối với các câu hỏi - đáp dưới dạng trực tiếp (như phân loại trên) thì câu trả lời cần đưa ra được những kiến thức tương đối cơ bản để tạo môi trường hiểu biết pháp luật, áp dụng thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, giữa các vùng miền địa phương. Hoạt động tuyên truyền dưới hình thức này cần tập trung vào các quy định pháp luật cụ thể liên quan trực tiếp tới câu hỏi (ví dụ như điều kiện để di chúc có giá trị pháp lý). Hình thức hỏi - đáp này có thể được áp dụng để tuyên truyền theo hình thức các chuyên mục pháp luật, với mục đích cung cấp những kiến thức nhằm giúp cho hoạt động sử dụng pháp luật của người dân được nâng cao và hiệu quả hơn. Các chuyên mục thuộc loại này có thể được xây dựng theo tiêu chí như đối tượng cần tuyên truyền, nội dung pháp luật…

Bộ các câu hỏi - đáp dưới dạng gián tiếp thông qua một tình huống, một sự kiện đã xảy ra trong thực tế hoặc dự liệu sẽ xảy ra trong thực tế là phổ biến và rất phù hợp, hiệu quả khi sử dụng môi trường internet.

Với vai trò định hướng hành vi ứng xử của mỗi cá nhân trong xã hội tôn trọng, hiểu biết và tuân thủ pháp luật thì những vấn đề hỏi đáp không nhất thiết phải là đã từng xảy ra, phát sinh trong cuộc sống mà còn là những vấn đề dự liệu sẽ phát sinh, với điều kiện là vấn đề này đã được pháp luật điều chỉnh. Đáp ứng được yêu cầu này thì khi thực hiện một hành vi ứng xử được pháp luật điều chỉnh, người dân sẽ biết cần phải làm gì, nên là gì và làm như thế nào để tuân thủ pháp luật, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và tránh được vi phạm.

Câu hỏi - đáp các vấn đề pháp luật điều chỉnh được tổng hợp từ nguồn việc đã từng phát sinh trong cuộc sống phải được soạn dưới hình thức khái quát, mang tính chất phổ biến, không có các tình tiết phức tạp riêng có mà chỉ những chuyên gia, người có chuyên môn sâu hoạt động trong lĩnh vực pháp luật mới có thể định hướng giải quyết đúng. Các vấn đề đưa ra càng phổ quát bao nhiêu thì giúp cho người dân thuận lợi trong việc hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu bấy nhiêu.

Từ ngữ trong bộ câu hỏi - đáp pháp luật thường được sử dụng là các thuật ngữ pháp lý nên có thể sẽ gây sự khó hiểu đối với quảng đại quần chúng thuộc mọi thành phần trong xã hội, thuộc mọi độ tuổi, ngành nghề khác nhau. Vì vậy, những thuật ngữ chưa được phổ biến hoặc dự liệu có thể gây khó khăn cho người đọc thì cần được giải thích rõ ràng và dễ hiểu để người nghe, người đọc có thể vận dụng cho trường hợp cụ thể mà mình đang vướng mắc cần giải quyết.

Đối với câu hỏi gián tiếp, câu trả lời cần phân tích tình huống, sự kiện, chỉ ra các sự kiện pháp lý, sau đó chỉ dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề được hỏi. Tuy nhiên, dù dưới dạng nào thì câu hỏi và câu trả lời cũng chỉ nên ngắn gọn, rõ ràng, tránh dài dòng, gây rối và khó hiểu cho người đọc.

Hiện nay, với rất nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ pháp lý thông qua internet hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp,.. đó là một thuận lợi nhưng cũng là một thách thức bởi thiếu đi sự thống nhất, hướng dẫn được cung cấp bởi một cá nhân, tổ chức chuyên nghiệp sẽ dẫn tới sai lạc hoặc không cập nhật theo sự thay đổi của pháp luật. Vì vậy, với vai trò chủ đạo trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Nhà nước phải tạo được kênh chính thức để người dân có thể thông qua đó tìm hiểu, nắm bắt kiến thức pháp luật.

Khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tổ chức, cá nhân có thể thuận tiện trong việc giao tiếp qua môi trường internet đặt ra những vấn đề mình đang quan tâm, có vướng mắc để được hỗ trợ giải quyết tới đơn vị được Nhà nước phân công tư vấn hỗ trợ (Ban biên tập). Ban biên tập thực hiện dưới hình thức hỏi đáp theo yêu cầu độc giả. Ngoài ra, qua hoạt động này thì Ban biên tập nghiên cứu, phát hiện thấy những vấn đề nhiều người quan tâm rồi xây dựng nội dung các vấn đề đó dưới dạng hỏi đáp.

Không chỉ giới hạn ở việc cung cấp dịch vụ cho các cá nhân có nhu cầu đặt câu hỏi đề nghị giải đáp, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn hướng tới cá cá nhân, đơn vị có vướng mắc pháp luật tương tự, vì vậy, bộ câu hỏi đáp cần được sắp xếp mang tính hệ thống. Mỗi tình huống, câu hỏi - giải đáp cần có những từ khóa tìm kiếm mang tính phổ biến và khái quát cao để hỗ trợ người tìm kiếm trên môi trường internet.

Một yêu cầu quan trọng mang tính quyết định đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đó là tính kịp thời, cập nhật theo sự thay đổi của các quy định pháp luật. Vì vậy, nội dung hỏi đáp cần trích dẫn các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề cần giải quyết và chỉ dẫn giới hạn hiệu lực của phần giải đáp, tránh gây hiểu lầm. Điều quan trọng nhất khi đưa các văn bản pháp luật lên trên mạng internet là văn bản đó phải bảo đảm tính chính xác. Để có được điều này, người thực hiện cần xây dựng câu hỏi - đáp ngắn gọn, căn cứ vào điều khoản văn bản áp dụng cụ thể.

Hệ thống câu hỏi - đáp pháp luật cũng phải thường xuyên được rà soát, cập nhật, bổ sung, chỉnh lý để bảo đảm tính thời sự, câu trả lời trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành, đang có hiệu lực áp dụng và hấp dẫn người đọc, người nghe.

Ngoài ra, cần xây dựng giao diện trên thiết bị di động sao cho người đọc dễ tiếp cận, hiển thị chính xác trên các hệ điều hành thiết bị di động và bảo đảm an toàn thông tin và vấn đề an ninh thông tin trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên mạng internet cũng cần phải được quan tâm đúng mức. Khi thực hiện tuyên truyền pháp luật trên mạng internet cần lưu tâm đến vấn đề bảo mật thông tin, biện pháp phòng, chống sự xâm nhập của các đối tượng bên ngoài làm sai lệch nội dung tư vấn hoặc cố ý đưa những nội dung trái pháp luật mà không kiểm soát được, làm ảnh hưởng tới uy tín của Nhà nước.

Bên cạnh ưu điểm như nêu trên, giải pháp xây dựng hệ thống câu hỏi - đáp pháp luật để phục vụ hệ sinh thái phổ biến giáo dục pháp luật trên thiết bị di động cũng có thể còn một số hạn chế nhất định (như người dùng phải có và biết sử dụng thiết bị di động, có mạng internet để kết nối…) nhưng trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, đây sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu để có thể phần nào thay thế con người tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nhiều đối tượng, nhiều thành phần, đúng nhu cầu và mong muốn của người dân và các đối tượng khác khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật trong một lĩnh vực, nội dung quy định cụ thể hay quy định chung của pháp luật.

Vì vậy, việc đầu tư, nghiên cứu xây dựng hệ thống câu hỏi - đáp pháp luật để phục vụ hệ sinh thái phổ biến giáo dục pháp luật trên thiết bị di động rất cần được đề xuất tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sớm tổ chức và triển khai thực hiện.

Luật sư LÊ HỒNG LAM

Tổ trưởng Tổ Cải cách thủ tục hành chính, Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Một số hạn chế của quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Lê Minh Hoàng