/ Pháp luật - Đời sống
/ Phong tỏa cây xăng sản xuất xăng A95 giả số lượng lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Phong tỏa cây xăng sản xuất xăng A95 giả số lượng lớn tại Bà Rịa-Vũng Tàu

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng 19/6, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến hành khám xét, điều tra một cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại thị xã Phú Mỹ có dấu hiệu buôn bán, sản xuất xăng giả.

Cảnh sát lấy mẫu xăng trong xe bồn, tối 18/6. Ảnh: VNE.

Thông tin ban đầu được biết, tối ngày 18/6, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp cùng Công an thị xã Phú Mỹ, Công an phường Hắc Dịch phong tỏa và khám xét cửa hàng bán lẻ xăng dầu Gia Khiêm Vũng Tàu thuộc Công ty TNHH Thương mại Vận tải Gia Khiêm tại Khu phố 1, phường Hắc Dịch.

Trong sáng 19/6, việc khám xét vẫn tiếp dẫn. Xung quanh cửa hàng bán lẻ xăng dầu Gia Khiêm Vũng Tàu được phong tỏa, lực lượng Công an bảo vệ nghiêm ngặt.

Trao đổi với báo chí, một lãnh đạo Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, cây xăng Gia Khiêm Vũng Tàu đã tổ chức sản xuất xăng A95 giả. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện và triệt phá từ khuya 18/6.

Cũng theo lãnh đạo này thì số lượng xăng A95 được làm giả là rất lớn. Thông tin ban đầu thì những người tổ chức sản xuất xăng A95 giả bằng cách pha trộn hóa chất cùng một lượng xăng A95 thật.

Hiện, vụ việc vẫn đang được Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều tra.

Điều 192, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" như sau:

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây; thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

b) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

c) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Hàng giả trị giá dưới 20.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn hoặc hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng gây hậu quả thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Hàng giả trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng tính theo giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng trong trường hợp không xác định được giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

g) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

h) Làm chết người;

i) Gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

k) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

l) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

m) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa và ngược lại;

n) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Hàng giả có giá thành sản xuất 100.000.000 đồng trở lên;

b) Hàng giả có giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn từ 200.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên trong trường hợp không xác định được giá thành sản xuất, giá bán, giá niêm yết, giá ghi trong hóa đơn;

d) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Làm chết 02 người trở lên;

e) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên, với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;

h) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Có thể thấy mức phạt tù tối đa đối với hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả là mặt hàng xăng dầu thì khung hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù, ngoài ra còn bị phạt tiền và thậm chí là bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (Khoản 4 Điều 192).

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

PV

Đắk Lắk: Hàng loạt sai phạm xảy ra tại Công ty Điện lực Đắk Lắk liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà

Nguyễn Lâm