/ Pháp luật - Đời sống
/ Phước Long, Bình Phước: Thẩm phán giải quyết vụ án bằng cách cho đương sự vay tiền

Phước Long, Bình Phước: Thẩm phán giải quyết vụ án bằng cách cho đương sự vay tiền

08/11/2023 18:09 |

(LSVN) - Lấy lý do quen biết cả nguyên đơn, bị đơn và để giải quyết nhanh vụ án nên bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa – Thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Phước Long cho bị đơn vay 01 tỉ đồng mục đích trả cho nguyên đơn; nhiều lần đứng ra làm trung gian giao nhận tiền thanh toán nợ giữa hai bên đương sự khiến vụ việc trở nên phức tạp.

 
Kết luận nội dung tố cáo.
 
Ngày 12/5/2023, ông Hoàng Ngọc Bân, Chánh án TAND thị xã Phước Long ban hành Kết luận nội dung tố cáo số 02/2023/KL-TA đối với Thẩm phán Nghĩa.
 
Theo Chánh án Bân: Kết quả xác minh, ngày 07/4/2022 TAND thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước đã thụ lý vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” giữa nguyên đơn là bà  V.T. Lương, bị đơn là bà  T.T.Q.Trâm. Chánh án phân công Thẩm phán Nghĩa là người tiến hành tố tụng.
 
Thẩm phán Nghĩa thừa nhận có cho bị đơn Trâm vay số tiền 01 tỉ đồng với mục đích để trả nợ cho nguyên đơn Lương; bà Trâm không trực tiếp nhận số tiền 01 tỉ đồng từ Thẩm phán Nghĩa chỉ viết giấy xác nhận nợ với Thẩm phán Nghĩa (Giấy nợ ghi ngày 17/4/2022).
 
Thẩm phán Nghĩa cũng thừa nhận có trực tiếp nhận 300 triệu đồng của bà Trâm dùng để trả nợ cho bà Lương vào ngày 29/4/2022 tại phòng làm việc của Thẩm phán Nghĩa. Khi bàn giao tiền cho bà Lương thì Thẩm phán Nghĩa có nghe được nội dung bà Lương trao đổi qua điện thoại với bà Trâm rằng đó là tiền lãi, nếu bà Trâm không thực hiện việc trả nợ hàng tuần theo cam kết giữa bà Lương và bà Trâm. Do các đương sự không yêu cầu giải quyết nên Thẩm phán không can thiệp.
 
Đến ngày 09/5/2022, Thẩm phán Nghĩa lập biên bản hòa giải thành giữa bà Lương và bà Trâm, sau 7 ngày thì ban hành Quyết định số 08A/2022/QĐST-DS ngày 17/5/5022 có nội dung: “Về số tiền nợ: Bà Trâm có nghĩa vụ thanh toán cho bà Lương số tiền là 4,4 tỉ đồng. Thời hạn và phương thức thanh toán: Kể từ ngày quyết định có hiệu lực, mỗi tuần bà Trâm có nghĩa vụ trả cho bà Lương số tiền từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng cho đến khi hết số tiền nợ trên. Trường hợp nếu bà Trâm vi phạm nghĩa vụ trả nợ bất kỳ tuần nào thì bà Lương có quyền yêu cầu thi hành án toàn bộ đối với số tiền còn nợ lại mà bà Trâm chưa thanh toán cho bà Lương”.
 
Trong khoảng thời gian 07 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành (09/5/2022 đến 17/5/2022) Thẩm phán Nghĩa có nhận 420 triệu đồng của bà Trâm chuyển vào tài khoản của Thẩm phán Nghĩa mục đích trả nợ cho bà Lương, nhưng do các đương sự không yêu cầu thay đổi nội dung biên bản hòa giải nên Thẩm phán Nghĩa đã ban hành Quyết định số 08A/2022/QĐST-DS buộc bà Trâm trả nợ cho bà Lương số tiền 4,4 tỉ đồng (không trừ số tiền 720 triệu đồng).
 
Làm việc với người giải quyết tố cáo, bà Lương cho rằng: Trong 01 tỉ 720 triệu đồng nhận từ Thẩm phán Nghĩa thì chỉ có 01 tỉ đồng được trả vào khoản nợ trong vụ án do Thẩm phán Nghĩa giải quyết, 720 triệu đồng còn lại là tiền bà Trâm trả nợ vào khoản nợ khác, không liên quan đến khoản nợ trong vụ án mà Thẩm phán Nghĩa giải quyết. Bà Lương có đơn yêu cầu thi hành án ngày 06/6/2022 buộc bà Trâm trả 4,4 tỉ đồng vì khi Tòa ban hành quyết định, bà Trâm chưa trả khoản tiền nào.
 
Tại biên bản về việc giải quyết thi hành án ngày 18/7/2022 của Chi cục thi hành án thị xã Phước Long thể hiện nội dung bà Lương đã nhận 420 triệu đồng của bà Trâm (bà Trâm chuyển khoản cho Thẩm phán Nghĩa, Thẩm phán Nghĩa chuyển lại cho bà Lương) là số tiền bà Trâm trả cho khoản nợ 4,4 tỉ đồng nên bà Lương đề nghị Chi cục thi hành án dân sự thu hồi số tiền bà Trâm còn nợ là 03 tỉ 980 triều đồng.
 
Từ kết quả xác minh, Chánh án Bân kết luận: Theo Giấy vay tiền thể hiện Thẩm phán Nghĩa cho bị đơn Trâm vay số tiền 01 tỉ đồng, không tính lãi. Như vậy, có cơ sở xác định Thẩm phán Nghĩa không được hưởng bất kì lợi ích vật chất nào trong việc làm trung gian nhận tiền trả nợ giữa các đương sự và việc cho bị đơn vay tiền để trả nợ cho nguyên đơn; mục đích muốn vụ án nhanh kết thúc vì có mối quan hệ quen biết với hai bên đương sự nhưng chưa tới mức thân thiết để từ chối tố tụng. Tuy nhiên, hành vi này đã tạo ra dư luận không tốt về cán bộ Tòa án.
 
Việc Thẩm phán Nghĩa nhận tiền từ bị đơn để giao lại cho nguyên đơn đã xác định Thẩm phán Nghĩa có làm trung gian giao nhận tiền nhưng không có tư lợi riêng nên không vi phạm đạo đức xã hội, tuy nhiên, việc làm này không phải là nhiệm vụ của Thẩm phán, tạo hiểu lầm là có tiêu cực trong quá trình tố tụng, dẫn tới có đơn thư tố cáo. Qua đối chiếu Nội quy và Quy chế làm việc của TAND thị xã Phước Long, xác định Thẩm phán Nghĩa có vi phạm. Tập thể TAND thị xã Phước Long yêu cầu Thẩm phán Nghĩa viết bản giải trình, bản kiểm điểm rút kinh nghiệm. Nội dung kiểm điểm được đưa vào đáng giá chất lượng cán bộ công chức, đảng viên cuối năm. 
 
Qua đối chiếu các quy định pháp luật, các quy định tại Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ban hành Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia và Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 về quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND, xác định hành vi cho bị đơn vay tiền và làm trung gian giao nhận tiền của Thẩm phán Nghĩa khi tiến hành tố tụng đối với vụ án là không vi phạm. Việc tố cáo là không có căn cứ.
 
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thái Cường, người phát hiện vụ việc và đứng tên tố cáo cho biết: Việc giải quyết tố cáo của Chánh án Bân chưa khách quan, bỏ qua nhiều tình tiết, áp dụng chưa đúng quy định pháp luật, do đó ông Cường tiếp tục tố cáo đến Chánh án TAND tỉnh Bình Phước để giải quyết. Trong đơn tố cáo tiếp, ông Cường trình bày: Kết quả xác minh nội dung tố cáo của Chánh án Bân là chưa đầy đủ, khách quan về khoản tiền mà bà Trâm thanh toán nợ cho bà Lương. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn tố cáo (bản sao kê ngân hàng, biên bản bàn giao) thể hiện rõ: Trong thời gian giải quyết vụ án, chính Thẩm phán Nghĩa đã tự tay điền vào mẫu Biên bản giao nhận do Tòa án phát hành về số tiền 300 triệu đồng bà Trâm trả cho bà Lương là để thanh toán nợ. Khi xác minh tố cáo, Thẩm phán Nghĩa cho rằng chỉ nghe qua điện thoại trao đổi giữa bà Trâm và bà Lương mà xác định số tiền 300 triệu đồng là trả lãi cho khoản nợ khác, không liên quan đến vụ án là không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Trâm.
 
Trong đơn trình bày, bà Trâm cho rằng thời điểm hòa giải thành là ngày 25/4/2022 (không phải là ngày 09/5/2022) vì khi được Tòa mời lên giải quyết, được Thẩm phán Nghĩa cho vay tiền, bà mới chấp nhận nợ bà Lương 5,4 tỉ đồng (5,1 tỉ đồng là gốc, 300 triệu tiền lãi) theo phương thức thanh toán mỗi tuần từ 300 triệu đến 500 triệu đồng. Thực tế, trong các ngày 29/4/2022; 10/5/2022; 13/5/2022 bà Trâm đã chuyển giao cho Thẩm phán Nghĩa số tiền là 720 triệu đồng để trả nợ cho bà Lương; ngày 20/5/2022; 27/5/2022; 29/5/2022 bà Trâm chuyển trả tiền nợ vào tài khoản của bà Lương với số tiền là 550 triệu đồng, cộng với số tiền 01 tỉ đồng Thẩm phán cho vay, thì bà Trâm đã thanh toán cho bà Lương là 2 tỉ 270 triệu đồng, còn nợ 3 tỉ 130 triệu đồng. Bà Trâm khiếu nại Quyết định 08A/2022/QĐST-DS ngày 17/5/2022 Thẩm phán Nghĩa vẫn buộc bà trả 4,4 tỉ đồng cho bà Lương là không đúng. Chánh án Bân chưa xác minh đầy đủ, làm rõ tình tiết này.
 
Chánh án Bân kết luận hành vi cho vay, làm trung gian giao nhận tiền thanh toán nợ giữa hai bên đương sự của Thẩm phán Nghĩa xuất phát từ lý do “để giải quyết nhanh vụ án”, “không vụ lợi” nên không vi phạm đạo đức xã hội, không vi phạm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán mà chỉ vi phạm Nội quy cơ quan, quy chế hoạt động của đơn vị là chưa đúng quy định pháp luật. Bởi vì, theo khoản 2, Điều 2, Chương I, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán (ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia) quy định: “Thẩm phán phải là tấm gương về độc lập, khách quan, công bằng, tận tụy và chỉ tuân theo pháp luật khi thi hành nhiệm vụ”. Rõ ràng, hành vi Thẩm phán Nghĩa cho bị đơn vay để trả nợ nguyên đơn, làm trung gian giao nhận tiền trả nợ giữa các đương sự là việc làm không tuân theo quy định pháp luật khi thi hành nhiệm vụ là người tiến hành tố tụng để giải quyết vụ án.
 
Hơn nữa, theo quy định tại điểm đ, Điều 11, Chương III, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán (ban hành kèm theo Quyết định số 87/QĐ-HĐTC ngày 04/7/2018 của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia) quy định những quy tắc ứng xử của thẩm phán: “Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, quy định, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị”. Tại kết luận nội dung tố cáo, Chánh án Bân xác định Thẩm phán Nghĩa vi phạm Nội quy cơ quan, quy chế hoạt động của đơn vị, đây cũng là hành vi vi phạm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán.
 
Từ nội dung nêu trên, ông Cường khẳng định: Chánh án Bân kết luận nội dung tố cáo chưa khách quan, chưa toàn diện. Đặc biệt, nội dung kết luận tôi tố cáo không có căn cứ là kết luận sai, xem thường việc tố cáo.
 
Trong đơn tố cáo, ông Cường còn đề nghị Chánh án TAND tỉnh Bình Phước làm rõ nguồn gốc số tiền 01 tỉ đồng mà Thẩm phán Nghĩa sử dụng cho vay tại nơi làm việc của Thẩm phán. Vì đây là số tiền lớn, Thẩm phán Nghĩa phải thực hiện việc kê khai theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Luật Công chức, viên chức.
 
Hành vi của Thẩm phán Nghĩa cho vay, làm trung gian giao nhận tiền đã tạo ra sự tranh chấp về số tiền thanh toán nợ giữa hai bên đương sự, khiến vụ việc thêm phức tạp, tạo ra dư luận không tốt về cán bộ Tòa án.
 
Xác định việc giải quyết vụ án của Thẩm phán Nghĩa có vi phạm Bộ luật Tố tụng dân sự, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh ra Quyết định kháng nghị số 148/QĐKN-VC3-DS ngày 28/6/2023 đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh hủy toàn bộ Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 08A/2020/QĐST-DS ngày 17/5/2022 của TAND thị xã Phước Long để giải quyết lại theo quy định.
 
Vừa qua, Ban Nội chính tỉnh ủy (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh) có Thông báo số 171/TB-BNCTU ngày 25/8/2023 về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị của ông Cường, Ban Nội chính tỉnh ủy đã có văn bản đề nghị Bí thư Ban cán sự Đảng TAND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
TRUNG DUY

Vụ án lừa đảo tại Nghệ An: VKS kháng nghị, đưa 250 khách hàng “mua đất” vào tham gia tố tụng

Nguyễn Hoàng Lâm