/ Thư viện pháp luật
/ Quy định dạy tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 chính thức có hiệu lực

Quy định dạy tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 chính thức có hiệu lực

23/01/2024 11:00 |

(LSVN) - Thông tư số 23/023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay (ngày 23/01/2024).

Ảnh minh họa.

Thông tư này quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1, bao gồm: Nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; tổ chức dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi điều kiện giao tiếp tiếng Việt của trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một còn hạn chế; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 theo các nội dung cụ thể sau:

- Chuẩn bị tâm thế vào lớp 1.

- Hình thành các kĩ năng học tập cơ bản.

- Hình thành và phát triển năng lực nghe, nói.

- Hình thành và phát triển năng lực đọc.

- Hình thành và phát triển năng lực viết.

Các nội dung này được sắp xếp theo trình tự khoa học, tương ứng với 20 bài học, thể hiện thông qua các chủ đề, chủ điểm gần gũi và phù hợp với trẻ theo định hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất người học.

Xây dựng kế hoạch dạy học

Theo Thông tư số 23/023/TT-BGDĐT, thời lượng thực hiện không quá 80 tiết học (mỗi tiết 35 phút), tối đa là một tháng; thời gian thực hiện trong hè, trước khi trẻ học chương trình lớp 1.

Các địa phương, nhà trường tùy tình hình thực tế đế bố trí thời gian, thời lượng cho phù hợp, hiệu quả.

Về phân phối thời gian dạy học, tùy vào điều kiện về lớp học, giáo viên, đối tượng trẻ và điều kiện sống ở từng địa phương, Hiệu trưởng và bộ phận chuyên môn lập kế hoạch chi tiết về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phù hợp, hiệu quả.

Căn cứ yêu cầu, mục tiêu cần đạt và kế hoạch chi tiết về việc dạy học tiếng Việt cho trẻ là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học cho phù hợp với tình hình thực tế, trình Hiệu trưởng phê duyệt trước khi thực hiện.

MINH HIỀN

Bùi Thị Thanh Loan