/ Pháp luật - Đời sống
/ Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

03/07/2023 14:55 |

(LSVN) - Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết này đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

Ảnh minh họa.

Trong đó, Điều 15 nghị quyết nêu rõ về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Quốc hội có thể họp với các Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội trong trường hợp khuyết Trưởng Đoàn để trao đổi về các vấn đề có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Quốc hội. Quốc hội thành lập Ban kiểm phiếu.

Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu. Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu

Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Hội đồng nhân dân thảo luận tại Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.

Thường trực Hội đồng nhân dân báo cáo trước Hội đồng nhân dân kết quả thảo luận tại Tổ.

Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm trình bày ý kiến (nếu có) trước Hội đồng nhân dân.

Hội đồng nhân dân thành lập Ban kiểm phiếu.

Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”.

Ban kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

Hội đồng nhân dân xem xét, thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân.

HỒNG HẠNH

Những hành vi bị nghiêm cấm trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm

Bùi Thị Thanh Loan