/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Quyền cơ bản của người bào chữa chưa được thực thi?

Quyền cơ bản của người bào chữa chưa được thực thi?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Thông tư liên tịch, Thông tư đơn ngành của Bộ Công an đều quy định thống nhất nhằm đảm bảo quyền của người bào chữa, quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Nhưng thực tiễn thi hành, người bào chữa vẫn gặp quá nhiều khó khăn, dẫn đến không thể thực hiện quyền này! Thiết nghĩ, có tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của luật đã được ban hành có hiệu lực trong thực tiễn thì quyền của của công dân trong tố tụng mới thật sự được bảo vệ.

Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 có hiệu lực đến nay đã gần 4 năm, thế nhưng trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, quyền gặp mặt, trao đổi, làm việc của người bào chữa với bị can bị tạm giam còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cản trở,... Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký người bào chữa, Luật sư đã có văn bản đăng ký gặp bị can bị tạm giam nhưng với nhiều lý do khác nhau đều không được giải quyết. Điều này ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Luật sư khi đảm nhận bào chữa từ giai đoạn điều tra, ảnh hưởng lớn đến quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự.

Ảnh minh họa.

Người bào chữa có quyền gặp hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo bị tạm giam để thực hiện bào chữa trong tố tụng hình sự. Đây là quy định mới về quyền của người bào chữa so với BLTTHS 2003, là quyền cơ bản được ghi nhận đầu tiên tại điểm a khoản 1 Điều 73 BLTTHS năm 2015. 

Tại Ðiều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT ngày 23/01/2018 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – TAND Tối cao – VKSND Tối cao quy định: “Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật; Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì Thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan  đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát,…”.

Tháng 10/2018, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đăng bài phản ánh thực trạng “Người bào chữa chưa thực hiện được quyền gặp người bị buộc tội, bị tạm giam”. Thời điểm phản ánh BLTTHS 2015 mới hiệu lực chưa được một năm, Bộ Công an chưa có Thông tư thay thế Thông tư 70/2011/TT-BCA về đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra, nên các điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ có thẩm quyền của cơ sở giam giữ thường lấy lý do chưa có hướng dẫn để từ chối giải quyết yêu cầu của người bào chữa về việc gặp người bị tạm giam. Giới Luật sư rất búc xúc về thực trạng này. 

Đến tháng 8/2019, tại cuộc gặp đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đề nghị Bộ Công an ban hành Thông tư thay thế Thông tư 70 nhằm hướng dẫn, quán triệt để cơ quan điều tra các cấp, các điều tra viên, cán bộ điều tra, cán bộ có thẩm quyền của cơ sở giam giữ cần nhận thức thống nhất và bảo đảm tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm quyền bào chữa nói chung và quyền gặp riêng của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, không bị giới hạn thời gian gặp, làm việc và có hướng dẫn.

Ngày 10/10/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BCA quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/12/2019).

Việc ban hành Thông tư số 46/2019/TT-BCA thể hiện yêu cầu bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự, trên tinh thần cải cách tư pháp. Tại Điều 12, Thông tư 46 đã quy định việc tố chức cho người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam như sau:

"Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt và đã xuất trình văn bản thông báo người bào chữa và Thẻ Luật sư, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải bố trí để người bào chữa gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt tại trụ sở của mình, phổ biến cho người bào chữa biết quy định của trụ sở Cơ quan điều tra và yêu cầu người bào chữa chấp hành nghiêm chỉnh".

Khi người bào chữa đề nghị gặp người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thì cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam thực hiện theo quy định tại Điều 80 BLTTHS năm 2015 cơ quan đang quản lý người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết việc gặp của người bào chữa để cử người phối hợp với cơ sở giam giữ giám sát cuộc gặp nếu xét thấy cần thiết.

Việc tổ chức cho người bào chữa gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2018 của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ sở giam giữ với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng và VKS có thẩm quyền kiểm sát quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam.

Người bào chữa có thể thông báo trước việc gặp người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra đang thụ lý vụ án. Việc gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam của người bào chữa được thực hiện trong giờ làm việc của cơ sở giam giữ. Cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam. Người bào chữa phải tuân thủ quy định của BLTTHS năm 2015, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, các văn bản hướng dẫn thi hành và nội quy cơ sở giam giữ (hiện nay áp dụng Thông tư số 36/2017/TT-BCA ngày 19/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành “Nội quy cơ sở giam giữ”).

Trong các chuyên đề giới thiệu, tuyên truyền phổ biến các đạo luật tư pháp mới hay tại các hội thảo, bồi dưỡng pháp luật,... các chuyên gia pháp luật đều khẳng định quyền gặp mặt, tiếp xúc, làm việc riêng của Luật sư – Người bào chữa  với người bị tạm giữ, tạm giam là quyền mới thể chế hóa từ quyền hiến định cho phép người bị buộc tội có quyền nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa, đây là cơ sở triển khai hoạt động hành nghề hợp pháp của Luật sư trong tố tụng hình sự.

Theo các quy định của BLTTHS, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, Thông tư liên tịch số 01 ngày 23/01/2018 của Bộ Công an – Bộ Quốc phòng – TAND Tối cao – VKSND Tối cao quy định khẳng định quyền đương nhiên và chủ động của Luật sư trong việc gặp người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia theo quy định tại Ðiều 74 BLTTHS 2015. 

Việc người bào chữa gặp bị can bị tạm giam trong giai đoạn điều tra là độc lập, không buộc phải có mặt điều tra viên hoặc phải được sự chấp thuận trước của cơ quan điều tra. Quy định mới về quyền này tuy rất ngắn, chỉ vài chữ “Gặp, hỏi người bị buộc tội" nhưng đó là bước đột phá trong quá trình dân chủ hóa hoạt động tố tụng, thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, tôn trọng sự thật khách quan và bảo vệ các quyền,lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân trong các vụ án hình sự.

Hiến pháp, BLTTHS, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Thông tư liên tịch, Thông tư đơn ngành của Bộ Công an đều quy định thống nhất nhằm đảm bảo quyền của người bào chữa, quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự.

Nhưng thực tiễn thi hành, người bào chữa vẫn gặp quá nhiều khó khăn, dẫn đến không thể thực hiện quyền này! Thiết nghĩ, có tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh quy định của luật đã được ban hành có hiệu lực trong thực tiễn thì quyền của của công dân trong tố tụng mới thật sự được bảo vệ.

Quy định mới tiến bộ nhưng không được thi hành trên thực tế sẽ không còn ý nghĩa của nguyên tắc thực thi Hiến pháp và luật. Trong khi đó, Luật Luật sư đã quy định: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư”. Nhưng đến thời điểm này, BLTTHS, BLHS và các văn bản hướng dẫn, kể cả việc xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định nào để xử lý những hành vi cản trở hoạt động hành nghề của người bào chữa!?

Để pháp luật được thực thi trong cuộc sống, cần phải có chế tài cụ thể xử lý nghiêm vi phạm của người tiến hành tố tụng về hành vi cản trở hoạt động hành nghề Luật sư, đặc biệt là trong tố tụng hình sự. Trong tương lai gần, khi tổng kết thi  hành BLHS, BLTTHS, Luật Luật sư về thực trạng Luật sư bị xâm phạm khi hành nghề hợp pháp để  kiến nghị bổ sung  tội “Cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư” để xử lý nghiêm các hành vi cản trở Luật sư, xâm phạm đến quyền bào chữa, quyền được bảo vệ hợp pháp và chính đáng của bị can, bị cáo.

Quyền cơ bản đã được Hiến pháp và luật định

Khoản 4 Ðiều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án có quyền tự bào chữa, nhờ Luật sư hoặc người khác bào chữa.

Khoản 1 Ðiều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Người bào chữa có quyền gặp, hỏi người bị buộc tội”.  

Khoản 3 Ðiều 22  Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 cũng quy định: “Người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để thực hiện bào chữa theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật này tại buồng làm việc của cơ sở giam,...”.

Luật Luật sư nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư (khoản 3 Điều 9).

Cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước khác và tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư thực hiện quyền và nghĩa vụ của Luật sư khi hành nghề, không được cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư (khoản 5, Điều 27 Luật Luật sư).

Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư hoặc cản trở Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 91 Luật Luật sư).

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Cần có chế tài xử lý hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động hành nghề của luật sư

Lê Minh Hoàng