/ Góc nhìn
/ Ra oai cậy thế, cậy thần

Ra oai cậy thế, cậy thần

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Chuyện ra oai, cậy mình là cán bộ để dọa nạt người dân từ trước đến nay xảy ra đã khá nhiều. Nguyên do tại đâu, do tính cách hay do thói quen hành xử khụng khiệng của cán bộ trong quan hệ với người dân?

Ảnh minh họa. 

Một chiếc xe ô tô đậu chắn cửa nhà dân ở thành phố Huế, chủ nhà thấy có số điện thoại dán trên xe liền gọi điện nhắc nhở. Chủ xe đến, điều khiển cho xe đỗ hẳn chắn ngang cửa, đồng thời hăm dọa chủ nhà, thích báo Công an thì anh ta báo hộ và làm thế thì mất công cho anh ta "đi thăm nuôi” mà thôi. Hành vi thách thức ngang ngược, lời nói hăm dọa bỏ tù đó không phải từ một tay giang hồ xăm trổ đầy mình mà lại là một cán bộ nhà nước – Phó Phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên thuộc Sở Nội chính tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Diễn biến của vụ việc cùng hình ảnh được chủ nhà đưa lên mạng và ngay lập tức thu hút sự chú ý của người dân. Họ tỏ thái độ bất bình, chê trách hành vi thách thức và hăm dọa của chủ xe. Ngay sau sự việc, chủ nhà trình báo chính quyền và cơ quan chức năng đã đến chứng kiến chiếc xe còn đậu tại cửa. Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có một động thái kịp thời, lập đoàn xem xét và giải quyết vụ việc này, tạm đình chỉ chức trách lãnh đạo của ông Phó Phòng ngang ngược, thách thức người dân chờ kết luận xử lý.

Đáng nói là trước khi xảy ra vụ việc đáng xấu hổ này đã có mộ hành vi tương tự tại Thủ Dầu Một. Một Đội Phó cảnh sát thuộc Công an tỉnh Bình Dương đỗ xe chắn lối đi trong hẻm. Khi người dân yêu cầu đánh xe đi chỗ khác, chủ xe là Đại úy Công an cùng một số người khác buông lời hăm dọa, thậm chí còn lao vào đáng người phụ nữ đã nhắc nhở chuyện đỗ xe sai trái. Viên sĩ quan này cũng bị đình chỉ công tác để xem xét mức độ hậu quả do hành vi của anh ta gây ra. Dư luận xã hội cũng đã tỏ thái độ bất bình về sự ngang ngược, ra oai, cậy mình là Công an của trường hợp này. Thế mà anh Phó Phòng kia lại dẫm lên “vết xe đổ”, tái diễn hành vi tương tự.

Chuyện ra oai, cậy mình là cán bộ để dọa nạt người dân từ trước đến nay xảy ra đã khá nhiều. Nguyên do tại đâu, do tính cách hay do thói quen hành xử khụng khiệng của cán bộ trong quan hệ với người dân? Thực tế cho thấy, khá nhiều trường hợp có những cán bộ chỉ ở cấp phòng mà đã tỏ ra quan cách, hách dịch, ngạo mạn đối với đồng nghiệp trong cơ quan hoặc đối với người ở cơ quan khác đến liên hệ làm việc, chưa kể đối với dân. Nhân vụ việc này, trên các tài khoản cá nhân xuất hiện những câu chuyện trải qua của các nhà báo, Luật sư phản ánh các trường hợp thái độ khó chịu mà họ gặp phải của những đối tượng này.

Rất đáng lưu ý là đội ngũ cán bộ hiện nay đang phải tập trung chấn chỉnh về tác phong, đạo đức, nêu cao tinh thần liêm chính, lối sống mẫu mực và đặc biệt phải coi trọng văn hóa ứng xử. Những hành vi, thái độ coi thường người khác, biểu hiện của thói côn đồ, dọa dẫm, đánh đấm phụ nữ đã gây nên sự bất bình trong xã hội, làm xấu hình ảnh của đội ngũ cán bộ nếu không xử lý nghiêm sẽ còn tiếp tục tái diễn và khi đó không còn là hiện tượng nữa mà thành bản chất con người thích ra oai, cậy thần, cậy thế. 

NHỊ NGỌC

Hạn chế tối đa việc giao cho bộ, ngành hướng dẫn luật

 

Lê Minh Hoàng