/ Góc nhìn
/ Sao để lừa đảo hoành hành?

Sao để lừa đảo hoành hành?

24/05/2024 14:57 |

(LSVN) - Nghe ý kiến về tình trạng lừa đảo qua mạng trong một buổi gặp gỡ công nhân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thốt lên: “Xót lắm, giữa thủ đô mà lừa đảo như trên miền núi, vùng sâu, vùng xa, nghe vô lý”.

Ảnh minh họa.

Xót xa và thật vô lý khi không chỉ các công nhân, người lao động ở thành phố bị lừa đảo qua mạng mà ngay cả Giáo sư, thậm chí là chuyên gia về chuyên cảnh báo về các thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản ngân hàng cũng bị lừa mất hàng trăm triệu đồng với bọn tội phạm công nghệ cao. Kể cả những người già cả cũng trở thành đối tượng dễ ăn mà chúng nhắm tới, một cụ bà ở Hà Nội vừa mất hơn chục tỉ đồng với chúng là một ví dụ.

Thủ đoạn của bọn lừa đảo qua mạng khá đơn giản, chúng giả danh Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát gọi điện dọa dẫm nạn nhân và yêu cầu cung cấp thông tin, chuyển khoản để chúng chiếm đoạt. Ngoài ra, cách đã cũ nhưng vẫn hiệu quả là giả danh nhân viên bưu điện gọi báo có bưu phẩm hoặc nhân viên công ty thông báo trúng thưởng,… Chúng đánh vào lòng tham và sự sợ hãi và chúng đã thành công!

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, số tiền thiệt hại do lừa đảo qua mạng là 390 tỉ đồng – một con số không nhỏ, chưa kể các vụ bị lừa đảo mà không khai báo.

Có những trường hợp thật “xót xa và vô lý” như có người bị lừa đảo mất 43 triệu đồng, người này nhờ một công ty “chuyên về tội phạm công nghệ cao” đòi nợ hộ và mất thêm 113 triệu nữa. Trường hợp này không phải hy hữu mà đã có không ít người sập bẫy “lừa đảo liên hoàn” này. Đáng chú ý, các tổ chức, cá nhân nhận làm việc “giúp lấy lại tiền” này thường núp bóng hoặc giả danh các công ty Luật hoặc Luật sư nên được các nạn nhân nhân tin tưởng “giao trứng cho ác”.

Vô lý là nạn lừa đảo qua mạng hoành hành như vậy ở tất cả các địa bàn mà cơ quan chức năng không thể khắc chế được và hạn chế được loại tội phạm này. Đã đành, một số người thiếu hiểu biết pháp luật hoặc không chịu nghe ai mà trở thành nạn nhân của chúng, ví dụ như trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí tin nhắn trên từng chiếc điện thoại đã cảnh báo nhiều lần về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng nhưng những nạn nhân có chịu nghe đâu! Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là bọn lừa đảo lấy những thông tin cá nhân từ đâu, sao chúng có thể lập những tài khoản ngân hàng dễ dàng đến thế và khi chiếm đoạt được tiền rồi thì chúng rút êm không để lại dấu vết gì?

Trả lời được những câu hỏi đơn giản này hẳn đã giúp một phần tìm ra manh mối tội phạm và xử lý chúng để không còn những xót xa và vô lý xảy ra!

NHỊ NGỌC

Giữ thăng bằng cán cân công lý

Nguyễn Hoàng Lâm