/ Luật sư - Bạn đọc
/ Suy nghĩ cuối năm

Suy nghĩ cuối năm

13/02/2024 13:05 |

(LSVN) - Bắt chước các nhà triết học từ xa xưa Hy Lạp cổ đại đến nay có rất nhiều tác giả viết những tác phẩm nổi tiếng với những tên gọi như là “suy nghĩ”: Suy tưởng của Marcus Aurelius thế kỷ thứ 3 trước công nguyên; Suy tưởng của Pascal; Lev Tolstoy với Suy niệm mỗi ngày… Gần đây nhất Đào Duy Anh viết Nhớ nghĩ chiều hôm (Hồi ký năm 1999). Còn tôi thì suy nghĩ từ hàng chục năm nay về Nhà nước pháp quyền.

Ảnh minh họa.

Tốt nghiệp cử nhân luật tại một môi trường học luật Xô viết, với mức học cũng hơi đỏ một chút, tôi cũng chỉ biết một ở mức một chút chút về “Nhà nước pháp quyền”. Sau này, các nhà khoa học Xô viết thời kỳ cải tổ nói rất nhiều về Nhà nước pháp quyền khiến tôi phải ôn lại kiến thức của mình và rút ra kết luận sơ sơ rằng: Nhà nước pháp quyền là một Nhà nước tuân thủ pháp luật. Chỉ đơn giản có vậy thôi, nhưng một loạt những kiến thức của tôi đã phải xoay hướng lại, như từ cá nhân phải đứng dưới Nhà nước, bây giờ phải đứng ngang hàng với Nhà nước, cấp dưới phải trực thuộc cấp trên, phải báo cáo cấp trên tiến tới chỗ bình đẳng với cấp trên, các quyết định của cấp dưới phải được cấp trên phê chuẩn, tiến tới chỗ không cần đến một sự chuẩn phê nào…

Những năm cuối cùng của thế kỷ trước, tôi viết hai bài: 1. Pháp luật là công cụ của người dân, để khẳng định lại rằng, pháp luật không chỉ là công cụ của Nhà nước theo cách giảng dạy của các lý thuyết cũ; 2. Nhà nước pháp quyền là một hình thức Nhà nước, với nội dung Nhà nước của loại hình thể chế này phải khác với các Nhà nước chuyên chế, Nhà nước độc tài, Nhà nước tập trung, Nhà nước của thời chiến tranh. Bài thứ nhất thì được một số người ca ngợi, nhưng bài thứ hai bị chê quá trời: the rule of law không thể là một hình thức Nhà nước.

Năm 2001 tôi đi học tập kinh nghiệm của Mỹ quốc và có nói về bài viết này trước ông Giáo sư già Jerome Cohen, một chuyên gia lớn của Hoa Kỳ về Trung Quốc và châu Á của Trường Đại học Colombia, bang New York. Ông ta không có gì phản đối, thậm chí còn ủng hộ cách tiếp cận của tôi về pháp luật là công cụ của người dân. Sau một thời gian tìm đọc, tôi có gặp một định nghĩa về Nhà nước pháp quyền của cố Giáo sư Nguyễn Khắc Viện: Nhà nước pháp quyền - một loại hình Nhà nước được xây dựng trên cơ sở dân chủ, đối lập với Nhà nước độc tài, chuyên chế toàn trị. Thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” được xác định trong luật học nước Đức vào đầu thế kỷ thứ XIX và sau đó được sử dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt trong trào lưu dân chủ hóa có tính phổ biến.

Nhà nước pháp quyền, theo cách hiểu của người Đức, không đồng nghĩa với Nhà nước cai trị bằng pháp luật. Nhà nước độc tài, chuyên chế trong lịch sử cũng cai trị bằng pháp luật, nhưng hệ thống pháp luật không bảo vệ quyền tự do bình đẳng giữa con người với con người. Ngoài đòi hỏi trên, Nhà nước phải được xây dựng trên cơ sở xã hội công dân và trở thành một bộ phận của nó. Điều kiện đầu tiên của Nhà nước pháp quyền là bảo đảm các quyền và tự do của công dân bằng các quy định của pháp luật rành mạch, không ai được vi phạm. Trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật là thước đo (chuẩn mực) của tự do... Nhà nước pháp quyền được xây dựng theo những nguyên tắc dân chủ. Các cơ quan quyền lực Nhà nước (về lập pháp, hành pháp và tư pháp) được bầu cử một cách tự do với sự tham gia một cách trực tiếp của mọi công dân để có thể thể hiện một cách đầy đủ nhất ý chí của họ. Thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền” vào Việt Nam là thuật ngữ được dịch từ tiếng nước ngoài (Đức và Nga) nên không thật sự sáng tỏ về mặt khái niệm. Thuật ngữ tương ứng trong tiếng Nga là pravavoe goxudarstvo và trong tiếng Đức là rechtsstaat. Hiện nay, theo nhận thức của đa số người Việt, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Nếu so với việc quản lý xã hội bằng mệnh lệnh hành chính quan liêu, thì quản lý Nhà nước bằng pháp luật là một tiến bộ lớn trong nhận thức. Tuy nhiên, Thuật ngữ pháp quyền (the rule of law) còn là một cái gì đó - theo quan điểm của tôi - vĩ đại và tốt đẹp hơn quản lý bằng pháp luật rất nhiều lần, nghĩa là vượt xa và khác hẳn với thuật ngữ Nhà nước pháp quyền.

Có thể đặt ra câu hỏi: vì sao ở hệ thống common law và trong tiếng Anh người ta không gắn pháp quyền với chữ Nhà nước, còn ngược lại ở châu Âu phần lục địa Đức, Nga… mỗi khi nói đến pháp quyền bao giờ cũng có từ thể hiện kèm theo chữ “Nhà nước”, thậm chí từ Nhà nước còn đứng ở vị trí hàng đầu và trang trọng hơn từ pháp quyền. Có thể ở Anh - Mỹ, cùng một điều kiện địa chính trị biển đảo bao quanh, vốn dĩ có nguồn gốc của sự tự do hơn giữa châu lục, nên ở họ không muốn buộc thể chế Nhà nước vào đây. Hai tiếng “tự do” ở châu Âu lục địa cũng đến và xuất hiện muộn hơn và khi pháp quyền xuất hiện thì Nhà nước ở đây đã có sẵn một vị trí vững chắc hơn bất cứ một thể chế nào khác. Mọi thứ ở đây hầu như muốn tồn tại và muốn phát triển đều ít nhiều phải nhờ đến bàn tay của Nhà nước. Nếu như the rule of law của Anh quốc có nguồn gốc manh nha tính từ Đại hiến chương Magna Carta 1215, thì ở Mỹ, pháp quyền được dùng cơ bản tương đương với due process of law, mọi chủ thể phải tuân thủ pháp luật với trọng tâm là bảo vệ quyền con người. Ở châu Âu lục địa của Đức quốc, từ rechtsstaat xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, còn của Pháp quốc thì muộn hơn, vào những năm đầu của thế kỷ XX với thuật ngữ etat de droit, được thu nhận từ Đức quốc, với trọng tâm là tất cả các chủ thể trong xã hội trong đó chủ yếu là Nhà nước có trách nhiệm tuân thủ pháp luật(1).

Trong tiếng Anh, không có một thuật ngữ nào được dùng tương đương với khái niệm “Nhà nước pháp quyền” của tiếng Việt. Thay vào đó, các nước theo truyền thống Anh - Mỹ chỉ nói đến pháp quyền (the rule of law). Hai từ “Nhà nước” không được nhắc tới trong thuật ngữ này. Chính vì vậy, khi dịch khái niệm “Nhà nước pháp quyền” của chúng ta sang tiếng Anh, buộc lòng phải biến nó thành một thuật ngữ dài hơn: “Nhà nước bị điều chỉnh bởi pháp quyền” (the state governed by the rule of law)(2). Vấn đề cốt lõi của pháp quyền là pháp luật về quyền, pháp luật bảo vệ các quyền và tự do của con người. Pháp luật phân định và bảo vệ các quyền của con người, của công dân, quyền của các chủ thể của pháp luật, chẳng hạn như quyền của các nhánh quyền lực Nhà nước, quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp... Trong tiếng Pháp, khái niệm này còn có thể được thể hiện rõ hơn thành “Nhà nước của quyền” (etat de droit). Tư duy pháp lý bao trùm ở đây là: quan hệ xã hội được xây dựng trên cơ sở của các quyền, pháp luật điều chỉnh và phân định các quyền này(3).

Thuật ngữ “the rule of law” chỉ có thể dịch là “pháp quyền”, “nguyên tắc pháp luật”, “chế độ pháp quyền”, “tinh thần pháp luật” hoặc “xã hội pháp luật” vì rule of law là quy tắc vận hành chung của toàn bộ xã hội, nhưng không thể dịch là “Nhà nước pháp quyền”. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đẫm tính nhân văn của các nhà khai sáng vĩ đại, Người nói đến “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Người không hề sử dụng “Nhà nước pháp quyền” trong tất cả các bài nói và bài viết của mình(4). Hiện nay trong tất cả các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dùng thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền”, để tránh cho sự xáo trộn không cần thiết thì vẫn có thể tiếp tục dùng thuật ngữ này, nhưng nội hàm của vấn đề phải chỉ ra cho rõ: Pháp quyền (the rule of law) không giản đơn chỉ là Nhà nước pháp quyền và không đồng nghĩa với Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền hay nói một cách chính xác hơn và cần được hiểu theo nghĩa là Nhà nước trong một xã hội vận hành theo tiêu chí pháp quyền, không phải là một Nhà nước pháp trị (the rule by law) hay Nhà nước đức trị mà phải là một Nhà nước trong xã hội pháp quyền, xã hội công lý, một xã hội đạo đức và công bằng, văn minh, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền và tự do của con người.

Ngay từ thời cổ đại, nhiều nhà tư tưởng tiến bộ đã đưa ra những ý niệm về mối quan hệ giữa Nhà nước thông qua những người cầm quyền lực Nhà nước và pháp luật, về tình trạng không chịu trách nhiệm của giới nắm quyền lực Nhà nước. Những tư tưởng đó đã phê phán một cách kịch liệt chế độ vô trách nhiệm, hay còn được gọi là chế độ đặc miễn trách nhiệm của vua chúa phong kiến. Những ý niệm tiến bộ đó mãi đến thế kỷ XVII, XVIII và XIX của Cách mạng tư sản mới được các nhà tư tưởng nâng cấp thành học thuyết và tư tưởng pháp quyền Rule of Law. Tư tưởng Rule of Law ra đời nhằm chống lại sự chuyên quyền, độc đoán, gắn liền với việc xác lập và phát triển dân chủ. Động lực ra đời của hệ tư tưởng này bắt nguồn từ những quan điểm của người xưa rằng, sự công bằng, pháp luật là những thuộc tính vốn có từ ngàn xưa của trời đất. Bởi vậy, bạo lực, lộng quyền và hỗn loạn là cái tương phản lại quy luật trên, cần phải xóa bỏ.

Nhà triết học vĩ đại Hy Lạp Plato, ngay từ thời cổ đại ông đã cho rằng: “Tôi nhìn thấy sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước ở nơi nào mà pháp luật không có hiệu lực và nằm dưới quyền của một ai đó. Còn ở nơi nào mà pháp luật đứng trên các nhà cầm quyền và các nhà cầm quyền chỉ là nô lệ của pháp luật thì ở đó tôi thấy có sự cứu thoát của Nhà nước”(5). Những tư tưởng vĩ đại và nhân văn cao cả tiếp tục được các nhà tư tưởng chính trị - pháp lý của Cách mạng tư sản phát triển lên một thế giới quan chính trị - pháp lý mới. Đó là thế giới quan của các nhà tư tưởng của Cách mạng dân chủ tư sản Anh, Pháp và Đức của Locke, của Montesquieu, của Kant và của Hegel... Pháp luật của phương tây được đặt trong triết học của họ tạo thành triết học pháp quyền, chính là nền tảng tạo thành pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp của họ.

Có lẽ ứng dụng quan trọng nhất của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay là nguyên tắc chính quyền chỉ thực thi quyền hành một cách hợp pháp theo pháp luật công bằng,bình đẳng và có tính phổ biến, rộng rãi, được thông qua và thực thi theo đúng các bước được gọi là thủ tục pháp lý.

A.V. Dicey, một học giả lớn của Anh quốc về hiến pháp, nhưng lại viết rất nhiều về pháp quyền, là một tác giả chính yếu về pháp quyền, được biết đến như tác giả đầu tiên của thuật ngữ pháp quyền the Rule of law. Ông cho rằng, the Rule of law có 3 nghĩa: Thứ nhất, luật pháp là công cụ điều chỉnh và giới hạn quyền lực của Nhà nước; Thứ hai, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai được phép vượt lên trên pháp luật, mỗi người ở bất cứ cấp bậc, vị trí nào đều phải tuân thủ pháp luật thông thường của quốc gia và phải chịu quyền tài phân của tòa án thông thường… Cho dù một quân nhân hay giáo sĩ, từ địa vị của mình, nhận lãnh những nghĩa vụ pháp lý mà người khác không có được, họ không thể trốn tránh những nghĩa vụ của một công dân bình thường; Thứ ba, luật pháp phải công bằng, phải được tuân thủ theo một hình thức, một thủ tục đã được ấn định, gọi là hình thức hợp lý hay còn được gọi là công lý theo thủ tục - để đạt được công lý này phải áp dụng một cách nhất quán các luật lệ và thủ tục đã được quy định sẵn(6).

Trong định nghĩa này ông không hề nhắc đến hiến pháp, bởi một lẽ đơn giản rằng ở họ không có hiến pháp thành văn. A.V. Dicey không hề nói đến Nhà nước pháp quyền mà nội dung của the rule of law được tiếp cận với tinh thần xã hội pháp quyền. Sau này những năm gần đây, tôi có đặt ra và suy nghĩ về mối quan hệ giữa pháp quyền và chủ nghĩa Hiến pháp và đồng ý với quan điểm của Rusell, chủ nghĩa hiến pháp là một phần của pháp quyền(7). Nhưng rất tiếc rằng, mặc dù trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam thời đổi mới đã nói rất nhiều về Nhà nước pháp quyền, nhưng chưa có một lần nào nói và viết về chủ nghĩa hiến pháp/chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism). Như vậy Nhà nước pháp quyền không đồng nhất với pháp quyền the Rule of law, nhưng có thể và cần phải được hiểu như Nhà nước trong xã hội pháp quyền, phải gắn với nhân quyền, phân quyền, nhưng chưa chắc đã gắn với dân chủ, vì rằng nhân quyền và pháp quyền có từ trước xã hội dân chủ hiện nay, trừ một thời kỳ dân chủ trực tiếp của Athens Hy Lạp, khoảng gần 100 năm từ thế kỷ thứ 6 đến thứ 5 trước công nguyên. Pháp quyền và nhân quyền phản ánh sự phát triển khách quan của con người có manh nha từ thời xa xưa, ngay từ thời Hy Lạp cổ đại của Tây Âu. Sau đó bước vào giai đoạn Trung cổ dân chủ không còn tồn tại, nhưng nhân quyền và pháp quyền vẫn âm ỉ cho sự tồn tại và phát triển đến hiện nay.

The Rule of law có nghĩa là mọi người dân đều bình đẳng trước luật pháp. Luật thông thường được áp dụng trước các tòa án thông thường. Điều này loại trừ ý nghĩ các viên chức Nhà nước hay ai đó có thể thoát ra khỏi bổn phận tuân theo luật pháp dụng một cách bình đẳng cho các công dân khác trước các tòa án thông thường. Câu nói này vạch ra điểm khác biệt căn bản giữa hệ thống pháp lý đại diện cho hai hệ thống thông luật và luật dân sự. Nếu như ở Pháp, người dân kiện chính quyền trước các tòa án hành chính, thì ở Anh, trước các tòa án thường, Nhà nước với người dân bình đẳng với nhau, cùng là hai chủ thể của pháp luật khi họ mâu thuẫn nhau về quyền lợi.

Các Nhà nước của chế độ dân chủ tư sản về nguyên tắc đều có chủ trương thừa nhận và áp dụng học thuyết pháp quyền. Có một ít nước nguyên tắc pháp quyền được quy định trong hiến pháp, nhưng đại đa số thì không quy định. Nhưng với sự hiện diện của hiến pháp thành văn và hiến pháp bất thành văn, cũng như những yêu cầu về quyền con người đã buộc các nước phải áp dụng nguyên tắc pháp quyền. Một trong những xã hội được mệnh danh là có nhiều đặc tính của pháp quyền nhất là Mỹ quốc.

Nhà nước pháp quyền là ý tưởng về nền tảng, chế độ pháp trị, kiểm soát, điều hòa quyền lực Nhà nước(8). Trong hoạt động của Nhà nước, với chế độ/nguyên tắc pháp quyền có nghĩa là trong pháp trị, quyền tự do cá nhân bị giới hạn trong khi hoạt động của Nhà nước cơ bản không bị giới hạn. Trong nhiều nghiên cứu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền hiện nay không thấy có gì nhiều về giới hạn quyền lực từ phía Nhà nước, mà chỉ có thể hiểu ở nghĩa Nhà nước được tăng cường, được hoàn thiện, được củng cố quyền lực, mà không phải là giới hạn Nhà nước, không thấy có nghiên cứu gì bảo vệ quyền cá nhân.

Ngược lại với pháp trị, pháp quyền có mục đích tự thân là bảo vệ nhân quyền trong bất cứ chế độ Nhà nước nào, kể cả của Nhà nước tư bản lẫn của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Chế độ tư bản hay là chế độ xã hội chủ nghĩa chỉ là phương tiện, hình thức, để đạt được mục tiêu bảo vệ nhân quyền của Nhà nước.

Với xã hội pháp quyền, Hiến pháp của người Mỹ sau một cuộc đại thỏa hiệp có cả phân quyền và nhân quyền, được hiểu chung là sự giới hạn quyền lực Nhà nước, và sự tăng cường việc bảo vệ quyền và tự do của từng người dân, nhất là trong lĩnh vực tư pháp hình sự: bắt, tạm giam và xét xử người đang bị nghi phạm tội. Đấy là vùng quan trọng nhất của quyền con người, nên không phải ngẫu nhiên mà 2/3 tổng số quy định về nhân quyền tức 6 trong 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Mỹ lại quy định về quyền của bị can, bị cáo phải được bảo vệ. Đó là nội dung nhân quyền của người Mỹ, chỉ có 10 điều khoản thôi đã đủ làm cho người Mỹ rất tự hào. Đây cũng là lý do dẫn đến sự chần chừ, chậm chạp không ký ngay lập tức vào các Công ước của Liên hợp quốc về nhân quyền cho dù đại diện họ ở một cương vị rất trang trọng khi soạn thảo - bà Eleanor Roosevelt. Bình luận về vấn đề này, một giáo sư sử học của họ đã viết: “Không ít người lấy làm lạ khi thấy có quá nhiều bảo đảm đến vậy trong Tuyên ngôn Nhân quyền (Bill of Rights) dành cho việc bảo vệ những người buộc tội: i. Điều bổ sung Thứ Tư của Hiến pháp yêu cầu cần phải có những bảo đảm đối việc truy tố và bắt giữ; ii. Điều bổ sung Thứ Năm yêu cầu cáo trạng phải do một bồi thẩm đoàn đưa ra, cấm đe dọa đối với bị cáo trong các thủ tục tố tụng, và bảo vệ họ không bị buộc phải làm chứng chống lại chính mình, và bảo đảm pháp luật phải được thực thi một cách thích hợp, công bằng; iii. Tu chính án Thứ Sáu bảo đảm cho bị cáo quyền được biết tội danh, được đối chất với nhân chứng, quyền được giúp đỡ tư vấn pháp lý; iv. Và điều bổ sung Thứ Tám bảo đảm rằng ngay cả khi một người được kết tội sau một phiên tòa công minh thì sự trừng phạt cũng phải tương ứng với tội của người đó. Một người không thể bị phạt một triệu đô-la chỉ vì vi phạm luật giao thông, bị chặt tay chỉ vì làm giả một tờ séc, hay bị tử hình chỉ vì bị tội buôn lậu”(9).

So với trước đây, Hiến pháp 2013 của chúng ta có một bước tiến vượt bậc, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến có những quy định rõ ràng cho 3 quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Dựa trên Điều 2 của Hiến pháp, khoản 3: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” và cùng với Điều 69 khoản 2 bỏ tính từ “duy nhất” trong việc thực hiện quyền lập hiến và lập pháp so với trước đây, khi Hiến pháp mới quy định địa vị pháp lý của Quốc hội, nên đã được không ít các nhà khoa học nổi tiếng trong nước khẳng định rằng, các cơ quan Nhà nước cùng được phân công, phối hợp trong việc thực hiện 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhất là khi thực tiễn cả phương Tây và cả của ta Quốc hội - lập pháp làm luật theo các đề xuất/sáng quyền lập pháp từ phía Chính phủ - hành pháp(10).

Phân công là phân quyền có đúng không? Không phân quyền thì sao phân công được? Không phân quyền thì sao phối hợp được? Với kiểm soát quyền lực Nhà nước, thì lại càng phải phân quyền. Nếu không phân quyền thì sao kiểm soát được? Cái này là uyển ngữ. Uyển ngữ trong luật học, trong chính trị có từ thời Salon, cách đây 2.500 năm từ thời Athens của Hy Lạp cổ đại. Sau đó bẵng đi một trong thời kỳ của đêm dài Trung cổ. Mãi tới Hiến pháp năm 1787, ở đấy người ta cũng thấy đó là một cuộc đại thỏa hiệp giữa 2 cái luồng tư tưởng: một là vị liên bang, hai là vị nhân quyền. Cãi nhau mãi không thôi và cuối cùng phải đến chỗ thỏa hiệp. Trong Hiến pháp của họ phải có cả 2 thứ: phân quyền và nhân quyền. Trong chính trị, tư tưởng thỏa hiệp là rất cần thiết trong những hoàn cảnh nhất định. Đảng và Nhà nước ta đã có sự thay đổi về quan điểm trên con đường cải tổ và đổi mới, nếu không không thể có Điều 2 của Hiến pháp, quyền lực Nhà nước phải phân công, phân nhiệm, phối hợp giữa 3 quyền năm 2001 khi sửa đổi Hiến pháp 1992 và bây giờ được nâng cấp một mức mới là kiểm soát. Theo tôi, đấy là phân quyền.

Vào những năm 2001 cho đến 2010, lý tưởng pháp quyền thôi thúc tôi có soạn một loạt những chuyên khảo có dính đến Nhà nước pháp quyền một cách trực tiếp, với những tên gọi cụ thể như sau: Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền; Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền; Tòa án trong Nhà nước pháp quyền; Viện kiểm sát trong Nhà nước pháp quyền; Chính quyền địa phương trong Nhà nước pháp quyền... Quá trình nhận thức tiếp theo là một loạt những ấn phẩm không có cụm từ bổ ngữ kèm theo “Nhà nước pháp quyền”. Đó là: Sự giới hạn quyền lực Nhà nước; Trách nhiệm của Nhà nước; Ý tưởng về trách nhiệm của Nhà nước; Hạn chế sự tùy tiện của Nhà nước; Chế ước quyền lực Nhà nước; Nhà nước là con số cộng đơn giản; Kiểm soát quyền lực Nhà nước; Tính nhân bản của Hiến pháp và bản tính của các cơ quan Nhà nước.

Có 2 khuynh hướng trong Khoa Luật nay là Trường Đại học Luật trong Đại học Quốc gia Hà Nội. Thứ nhất là sự ủng hộ, cho rằng các đề tài nghiên cứu của tôi, nó rõ ràng và dễ tiếp cận. Thứ hai là phản đối trào lưu nghiên cứu theo cách này. Tôi không phản đối và cũng chẳng tỏ vẻ đồng ý với những quan điểm nói trên. Nhưng cả hai tôi đều lấy làm chắt chiu cho quan điểm học thuật của mình.

Một loạt những cuốn sách ở những dòng đầu tiên là khuynh hướng đầu tiên, gì thì gì cũng phải gắn với Nhà nước pháp quyền, như là cái mốc mà các cuốn sách phải hướng tới, và những cuốn sau này là khuynh hướng thứ hai, the rule of law đã hòa vào ngay trong đó, như những điều của tự nhiên, như không khí phải có để thở của con người.

Nói cho đến cùng thì nội dung của những cuốn sách trên đều có những dòng tư tưởng giống nhau, thậm chí còn chép lại của nhau, giữa chúng đều có nền tảng từ cuốn Sự giới hạn của quyền lực Nhà nước. Đó là một sự nhuần nhuyễn với những cách đặt vấn đề, với những cách tiếp cận, với những lập luận khác nhau, và tất cả chúng đều được xây lên từ những viên gạch là những bài báo mà tôi đã công bố từ trước và chúng trở thành thương hiệu ít nhiều của tôi: Liệu pháp vắc xin cho Nhà nước, để phòng chống tham nhũng; Đi tìm phiên thiết triều trong chế độ chính trị dân chủ; Quốc hội lập pháp hay hãm lập pháp; Làm luật như vá xăm xe đạp; Phải đưa cuộc sống vào pháp luật mà không phải đưa pháp luật vào cuộc sống; Pháp luật không chỉ là công cụ của Nhà nước, mà phải là công cụ của người dân; Công cuộc cải cách đội ngũ công chức và nhu cầu phải xem lại câu thành ngữ “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”; Tư pháp thuộc về tòa án với nhiệm vụ bảo vệ công lý sẽ có cơ hội cho việc giải mã câu thành ngữ: Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình/ba bộ đồng tình…

Và thực tình mà nói chỉ khi viết xong và in xong những cuốn sách nói trên, nhìn lại, tôi mới thấy những khiếm khuyết trong các ấn phẩm của mình. Ví dụ như cuốn Sự giới hạn quyền lực Nhà nước, thuở ban đầu cái tên của nó không phải như vậy, mà tôi đặt tựa đề hơi dài - Nhà nước thì thời nào cũng cần, nhưng quyền lực của nó phải bị hạn chế. Nhà xuất bản đã đặt lại ngắn gọn như trên - Sự hạn chế quyền lực Nhà nước. Năm 2005 xuất bản, thì khoảng 10 năm sau tôi mới té ngửa ra rằng đấy là tinh thần của chủ nghĩa hợp hiến (constitutionalism). Tôi giật mình tìm lại những trang viết của mình, tới hơn 500 trang in, nhưng rất may rằng có 1 trang nói về thứ chủ nghĩa này.

Cuốn Hạn chế sự tùy tiện của Nhà nước của tôi được công bố năm 2012 với sự giới thiệu thật là hy hữu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp được biên dịch lại từ cuốn Sự giới hạn quyền lực Nhà nước. Nhưng mãi sau này, khi chuẩn bị lại cho tái bản lần thứ hai tôi mới ngộ ra rằng, đó là toàn bộ tinh thần Nhà nước pháp quyền của chủ thể Nhà nước. Vì rằng trong một xã hội pháp quyền, thì mọi chủ thể trong xã hội, trong đó có cả và nhất là Nhà nước không được đứng trên pháp luật, tức là không được tùy tiện khi thực hiện quyền lực Nhà nước thuộc về mình. Tính tùy tiện của Nhà nước rất nguy hiểm, vì duy nhất chỉ có Nhà nước mới có các công cụ trấn áp trong tay, mà những chủ thể khác có thì bị quy là tội phạm.

Vì đều là những vấn đề riêng rẽ, nên ngay từ đầu của sự nghiên cứu, cứ tưởng rằng pháp quyền, nhân quyền, phân quyền, chủ nghĩa hiến pháp, dân chủ đều là những thực thể tách rời nhau. Nhưng không phải như vậy, càng về sau này, tôi càng thấy sự cố kết khăng khít với nhau, không thể thiếu cái nọ, vắng cái kia. Bắt đầu của sự nghiên cứu, đều phải xuất phát bằng những sự kiện, sự vật và những tư tưởng của nền văn minh phương Tây, nên những tư tưởng đó tôi cho rằng chỉ có của riêng phương Tây với nền văn minh của Hy-La mới có. Nhưng cũng không phải hoàn toàn như vậy. Vì chúng đều thể hiện một tinh thần của triết học pháp quyền, của những quy luật khách quan vận động của xã hội con người, nên chúng không có ngay lập tức của ngày một ngày hai, mà chúng xuất hiện dần dần.

Chính vì đều thể hiện sự vận động của quy luật khách quan, cho nên dù ít, dù nhiều trong lịch sử của xã hội Việt Nam ngay từ thời xa xưa đã có những manh nha của sự biểu hiện. Nhưng điều đáng ngạc nhiên rằng, tại sao chúng ta cứ phải đi tìm bản Khế ước xã hội trong trí tưởng tượng ra của Hobber, của Locke và của Rousseau, mà không thấy rằng cũng vào những thế kỷ trước đây của thời phong kiến Trung cổ chúng ta đã có hàng ngàn bản khế ước xã hội thực của các làng, xã Việt Nam. Cũng gần tương tự như vậy, không cần phải thể hiện trong các tác phẩm phức tạp của triết học, phân quyền của Montesquieu thế kỷ 18, cũng như Locke thế kỷ 17 đã được thể hiện ngay trong thành ngữ của người Việt: Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình… Nhưng ở phương Tây, những thứ đó của họ được đặt, được nâng cấp lên trong một tinh thần triết học của Hy-La, thành chủ quyền quốc gia, thành hiến pháp, còn làng xã của Việt Nam bị nén xuống trực thuộc cấp hành chính của chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn.

Pháp quyền, nhân quyền và cả chủ nghĩa hợp hiến đều là tập hợp những quan điểm tư tưởng triết học có giá trị rất lớn và cao cả, buộc chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Giữa các khái niệm đó không những không tách rời, biệt lập mà còn gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với nhau, ví dụ the rule of law là để thực hiện nhân quyền, để có pháp quyền và nhân quyền thì phải có chủ nghĩa hợp hiến…Nhưng xét về phương diện khoa học thì càng cần phải nhận biết rõ ràng và đúng đắn về từng khái niệm khoa học, ví dụ không thể đồng nhất giữa pháp quyền và Nhà nước pháp quyền, để đưa chúng vào cuộc sống một cách đúng đắn nhất.

(1)Triệu Quốc Mạnh, Pháp luật đại cương và Nhà nước pháp quyền, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 2022, tr. 518-519.

(2)Chu Hồng Thanh, Pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền, Tạp chí Luật sư Việt Nam, số 02/2022.

(3)Nguyễn Sĩ Dũng, Cội nguồn của pháp quyền, Báo Tuổi trẻ ngày 16/8/2004.

(4) Chu Hồng Thanh, tlđd.

(5)Plato, Nhà nước lý tưởng/101 tác phẩm có ảnh hưởng nhận thức nhân loại, Nxb Văn hóa Thông tin, 2005, tr. 16.

(6)Dicey, Nghiên cứu về hiến pháp, 1982, tr. 120-122.

(7)Russell, Chủ nghĩa hợp hiến/Về pháp quyền và chủ nghĩa hiến pháp, biên soạn Nguyễn Đăng Dung, Phạm Hồng Thái và Vũ Công Giao, Nxb Lao động xã hội, 2012.

(8)Viện KAS, Nhà nước pháp quyền, Nxb Chính trị quốc gia, 2002, tr. 268-269.

(9)Melvin Urofsky, Individual Freedom and Bill of Rights, Department of State Bureau Information programs http://usinfo. state. gov

(10) Xem Bình luận khoa học Hiến pháp hiện hành 2013, chủ biên Hoàng Thế Liên, Nxb Chính trị quốc gia, 2017.

GS.TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG 

Thách thức lớn cần nỗ lực vượt bậc

Nguyễn Hoàng Lâm