/ Nghề Luật sư
/ Suy nghĩ về nghề Luật sư

Suy nghĩ về nghề Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, công lý và đảm bảo công bằng xã hội cho quốc gia luôn là ưu tiên hàng đầu được đặt ra. Luật sư với chức năng xã hội của mình chính là người luôn giữ gìn cán cân công bằng đó.

Ảnh minh họa. 

Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL quy định việc duy trì các tổ chức đoàn thể Luật sư cho phù hợp với tình hình hiện tại của đất nước, đồng thời thay thế tổ chức Luật sư cũ do Thực dân Pháp thiết lập từ năm 1864 ở nước ta. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của thời gian, của lịch sử, Nhà nước ta vẫn giữ vững tinh thần của nghề Luật sư. Nghề Luật sư luôn là một nghề rất quan trọng, cần thiết và được tôn trọng trong xã hội. Đặc biệt, từ khi Luật Luật sư 2012 có hiệu lực, ngày càng nhiều Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư được thành lập trên cả nước. 

Bên cạnh đó, chính người dân cũng dần ý thức được tâm quan trọng của nghề Luật sư đối với những vấn đề pháp lý mà họ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày. Họ tìm đến Luật sư thường xuyên hơn thay vì tự mình giải quyết các vấn đề pháp lý như những thủ tục hành chính, ký kết một hợp đồng… để đảm bảo an toàn pháp lý.

Không chỉ người dân trong nước tìm đến Luật sư mà nhiều người nước ngoài làm ăn, sinh sống ở Việt Nam cũng phải tìm đến những Luật sư ở Việt Nam. Vì vậy, Luật sư phải vừa am hiểu tường tận pháp luật trong nước và phải tìm hiểu học hỏi thêm pháp luật của nước ngoài để trở nên toàn diện, tiếp thu được những kiến thức của ngành luật trên khắp thế giới và vẫn giữ được giá trị truyền thống của pháp luật Việt Nam.

Tôi có một niềm đam mê với nghề Luật sư từ những bài báo, những bộ phim khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Vì vậy, tôi đã phấn đấu hết mình học tập, trau dồi kiến thức, những kỹ năng cần thiết để trở thành một Luật sư giỏi. Nghề Luật đòi hỏi các Luật sư phải rất tỉ mỉ quan sát, cập nhật nhưng cũng phải rất nhanh và linh động. Nguyên tắc vàng của nghề Luật sư đó là không bao giờ được để khách hàng thất vọng, thiếu niềm tin về công lý.

Chính vì vậy, nghề Luật sư là công việc nặng áp lực và khắc nghiệt. Thế nhưng, càng gắn bó với nghề Luật, tôi lại càng cảm thấy yêu nghề, đam mê tìm tòi lời giải cho những câu hỏi hóc búa, tìm những chứng cứ vật chất để bảo vệ những người vô tội, yếu thế, hiểu biết về pháp luật hạn chế… Lấy Quy tắc Đạo đức Ứng xử nghề nghiệp Luật sư làm chuẩn mực khi hành nghề. Những kiến thức được trang bị ở nhà trường chỉ là những hành trang ban đầu để bước vào nghề. Tinh thần luôn học hỏi, phấn đấu miệt mài cập nhật những quy định mới, theo dõi các vụ án mà đồng nghiệp làm để rút ra kinh nghiệm thực tiễn. Có vậy, Luật sư mới tích lũy được nhiều kinh nghiệm, tự tin, nắm bắt kiến thức pháp lý vững vàng để trang bị cho nghề nghiệp.

Thực tế hiện nay, trong hoạt động hành nghề của Luật sư vẫn còn nhiều trở ngại, khó khăn, nhưng cũng có rất nhiều thuận lợi. Nghề Luật sư luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; môi trường hành nghề cả trong nước và quốc tế rộng mở. Đồng thời, Luật sư ngày càng được quan tâm đào tạo cả về số lượng và chất lượng, có điều kiện cần thiết để hành nghề. Chắc chắn, nghề Luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong xu thế phát triển và hội nhập ngày càng sâu, rộng vào “sân chơi chung” quốc tế.

Luật sư NGUYỄN VĂN QUYNH

Hãng Luật Hưng Yên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Cần nâng cao hơn nữa chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ Luật sư

Lê Minh Hoàng