/ Góc nhìn
/ Tài sản nhà nước bị thất thoát ở đâu?

Tài sản nhà nước bị thất thoát ở đâu?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Cứ như một phản ứng có điều kiện khi có trường hợp quan chức bị bắt thì dư luận lại rộ lên khối tài sản của người đó, hình ảnh hay video clip về các biệt thự, biệt phủ lan truyền và chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa. 

Gần đây nhất là cận cảnh biệt thự xa hoa, dàn xe hơi đắt tiền của cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long khi ông ta bị bắt. Trường hợp các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long cũng không là ngoại lệ. Biệt thự của cựu Chủ tịch Hà Nội tại quận Nam Từ Liêm được giới thạo bất động sản “định giá” từ 80 đến 100 tỉ đồng. Nhà của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế nằm trong khu biệt thự Vĩnh Phúc tại đường Hoàng Hoa Thám không có nhiều hình ảnh những chắc chắn giá trị cũng phải vài chục tỉ đồng.

Một trong những động thái của Cơ quan điều tra là kịp thời rà soát, kê biên và phong tỏa tài sản của các bị can để đảm bảo cho việc thi hành án sau này. Dư luận không còn quan ngại về việc tài sản của nhà nước bị thất thoát mà không được thu hồi khiến tài sản bất minh trở thành chính đáng.

Trước đó, việc kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can trong các vụ án kinh tế đã được tiến hành như một phần không thể thiếu của cơ quan điều tra. Thấy rõ nhất là trường hợp của vụ án liên quan đến ông Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư thường trực TP. Hồ Chí Minh. Tài sản của ông Cang đang được Cơ quan điều tra rà soát, còn tài sản của một số bị can cộm cán trong vụ án này đã bị kê biên, phong tỏa.

Ông Tất Thành Cang bị cáo buộc tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và bị tòa sơ thẩm phạt từ 10 năm. Các ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long cũng bị cáo buộc tội danh này khi cơ quan điều tra mở rộng vụ Việt Á, bổ sung tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với mức án cao nhất lên tới 20 năm tù giam vào vụ án và khởi tố bị can đối với hai ông này.

Sở dĩ dư luận quan tâm và tìm hiểu khối tài sản của các quan tham là nhằm giải đáp cho câu hỏi: Tài sản của nhà nước bị thất thoát thì nố “trôi” về đâu và “chảy” vào túi ai? Đồng thời, đây cũng là một minh chứng cho câu trả lời đó. Tham nhũng, dù ở dưới dạng nào, quyền lực hay chính sách, lợi dụng hay hối lộ thì mục đích là tiền bạc và tài sản và tất nhiên, khối tài sản có được do tham nhũng khó mà có thể giấu kín dưới bất cứ hình thức nào như bất động sản, tiềm mặt, tài sản và kể cả những tài khoản bí mật tại nước ngoài và các tài sản do người khác đứng tên. Thông thường, khi có “động” và những tín hiệu không lành, các quan tham tìm đủ cách để tẩu tán tài sản để sau khi ra tù sống tiếp cuộc đời vương giả.

Tuy nhiên, ngay cả lúc đương chức, đương quyền thì họ cũng đã phô trương một lối sống xa hoa rồi, những biệt thự, biệt phủ, xe sang, đồ đạc quý giá, trang sức và trang phục đẳng cấp… mới chỉ là bề nổi mà thôi!

  NHỊ NGỌC

Phải kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn

Lê Minh Hoàng