/ Hoạt động Luật sư
/ Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý

Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Ngày 25/11, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản tổ chức Hội thảo trực tuyến "Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý".

Hội thảo "Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý" được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. 

Tham dự Hội thảo có Luật sư Makiyama, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản; Luật sư Ly Chantola, Chủ tịch Đoàn Luật sư Vương quốc Campuchia; Luật sư Khatsavang, đại diện Đoàn Luật sư CHDCND Lào; Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; bà Okiyama Naomi, đại diện Quỹ TOYOTA, Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư Makiyama, Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác quốc tế, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản gửi lời chào và cảm ơn tới các Luật sư đã tham dự Hội thảo trực tuyến "Thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao năng lực tiếp cận công lý".

Tại Hội thảo, các khách mời chia sẻ về thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao tiếp cận công lý của các quốc gia. Bên cạnh đó, cùng nhau thảo luận về một số nội dung như: Nêu cao vai trò và trách nhiệm đối với cộng đồng của Luật sư; cơ chế phối hợp “thân thiện - thuận tiện” giữa Luật sư với người dân; cải thiện hành lang pháp lý…

Phát biểu tại Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, tiếp cận công lý được coi là một nguyên tắc nền tảng trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật của Việt Nam. Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, việc bảo đảm bảo và thực thi quyền tiếp cận công lý là một chủ trương quan trọng gắn với các hoạt động trong lĩnh vực tư pháp của nhà nước Việt Nam. Việc nâng cao quyền tiếp cận công lý vừa là một đòi hỏi, vừa là nghĩa vụ của nhà nước trong việc tổ chức, thực thi, bảo vệ pháp luật, tạo điều kiện cho các chủ thể nói chung (trong đó có cả Nhà nước) mà quan trọng nhất là cá nhân (con người) nói riêng được tiến lại gần hơn với lẽ phải và sự công bằng. Tiếp cận công lý và những vấn đề liên quan không phải là vấn đề riêng của một quốc gia mà là vấn đề của “toàn cầu”. Đặc biệt trong những năm gần đây, vấn đề về tiếp cận công lý được nghiên cứu, khảo sát dưới nhiều cách thức khác nhau và đã đem lại những thành công bước đầu trong việc đánh giá được mức độ tiếp cận công lý của người dân.

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự Hội thảo. 

Tại Phiên 1 của Hội thảo, các Luật sư đã báo cáo về thách thức, hành động và bài học kinh nghiệm để nâng cao tiếp cận công lý của các quốc gia. Tại phần báo cáo của mình, Luật sư Dany, đại diện Đoàn Luật sư Vương quốc Campuchia và Luật sư Khatsavang, đại diện của Đoàn Luật sư CHDCND Lào chia sẻ, 2 quốc gia luôn coi trọng quyền tiếp cận công lý của công dân, qua đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Có thể nói, tiếp cận công lý vừa là mục tiêu vừa là nhiệm vụ trong việc xây dựng nhà nước ở mỗi quốc gia. Trong đó, cả Lào và Campuchia đều đã xây dựng nhiều chính sách nhằm thúc đẩy và mở rộng việc trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là người nghèo, người thu nhập thấp…

Trên thực tế, cũng có rất nhiều Luật sư tham gia trợ giúp miễn phí, qua đó nâng cao vị thế của Luật sư trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện trợ giúp pháp lý cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Cụ thể như: số người cần sự trợ giúp pháp lý lớn hơn nhiều so với số lượng Luật sư; hạn chế về mặt tài chính... Trước thực tế trên, Nhà nước đã có nhiều chính sách giúp Luật sư vượt qua khó khăn, các Hiệp hội Luật sư luôn động viên, giúp đỡ Luật sư làm tốt vai trò bảo vệ công lý của mình. Nhất là trong đại dịch Covid-19, khi mà rất nhiều người cần sự trợ giúp pháp lý từ Luật sư.

Tiếp nối chương trình Hội thảo, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận định, quyền tiếp cận công lý của người dân đặc biệt là những người yếu thế ở Việt Nam đang có những bước tiến bộ so với trước kia và phát triển cùng với sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đã được củng cố hoàn thiện, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là các đạo luật về tư pháp như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Hình sự, Luật Tạm giữ tạm giam, Luật Thi hành án hình sự đã tạo dựng hành lang pháp lý bảo vệ và bảo đảm các quyền của con người theo quy định của pháp luật, từ đó đã hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm tới quyền con người. Đồng thời, Nhà nước cũng kiên quyết nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý được ban hành năm 2017 đã quy định tới 14 đối tượng (yếu thế trong xã hội) được trợ giúp pháp lý, điều đó là cơ sở để người dân và những người yếu thế trong xã hội có cơ hội tiếp cận công lý. Thông qua các thể chế pháp lý, quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm, thiết thực hiệu quả hơn. Đồng thời đã có nhiều tổ chức và các chủ thể cùng tham gia hỗ trợ cho người dân, cho những người yếu thế trong xã hội để họ có cơ hội tiếp cận công lý, thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý và thông qua các hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp.

Tuy vậy, ở Việt Nam cũng đang gặp một số thách thức trong lĩnh vực tạo điều kiện để người dân tiếp cận công lý. Cụ thể, Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 có nêu tới 14 đối tượng được trợ giúp pháp lý. Với 14 loại đối tượng này thì số người được hưởng trợ giúp pháp lý có thể lên tới gần 30 triệu người dân ở Việt Nam. Trong khi đó chỉ có 63 trung tâm trợ giúp pháp lý ở 63 tỉnh thành, 123 chi nhánh trợ giúp pháp lý đang hoạt động thực chất ở các vùng sâu, vùng xa. Toàn quốc có 634 trợ giúp viên pháp lý, có khoảng 1200 Luật sư đăng ký tham gia vào các hoạt động trợ giúp pháp lý của các trung tâm trợ giúp pháp lý của các tỉnh thành. Với số lượng người và tổ chức như vậy khó có thể đáp ứng được hết nhu cầu trợ giúp pháp lý cho các đối tượng mà Luật Trợ giúp pháp lý quy định. Điều này đặt ra là cần phải bổ sung và tăng cường thêm người và các lực lượng làm công tác trợ giúp pháp lý cho người dân và các đối tượng yếu thế trong xã hội khi họ có nhu cầu tiếp cận công lý.

Từ một số vấn đề tiếp cận công lý, thực thi quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp và các lĩnh vực khác nêu trên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định của pháp luật, đảm bảo các quy định pháp luật về quyền có lợi cho người nghèotiếp cận công lý trong thực tiễn. Nhà nước cần thiết lập các cơ chế pháp lý chặt chẽ và khoa học để các nguyên tắc và các quy định trong hoạt động tố tụng được tuân thủ, chấp hành và áp dụng một cách nghiêm chỉnh, thống nhất và triệt để đảm bảo quyền tiếp cận công lý trong thực tiễn.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát trong hoạt động tố tụng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường cơ chế giám sát, phát hiện, xử lý các cán bộ sai phạm là những biện pháp mạnh mẽ, quan trọng để đảm bảo các quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tố tụng được đảm bảo thực thi; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người, quyền công dân; thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo khi thấy có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho quyền và lợi ích chính đáng của họ.

Phiên 2 của Hội thảo, các khách mời thảo luận các nội dung về việc nêu cao vai trò và trách nhiệm đối với cộng đồng của Luật sư; cơ chế phối hợp “thân thiện - thuận tiện” giữa Luật sư với người dân; cải thiện hành lang pháp lý...

Tại phiên này, Luật sư, Tiến sĩ Lưu Tiến Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có bài phát biểu về nhu cầu nâng cao nhận thức xã hội về vai trò Luật sư và cách thức thực hiện nâng cao nhận thức xã hội về vai trò Luật sư. Theo Luật sư Dũng, Luật sư sẽ giúp người dân nhận thức tốt hơn về quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Qua đó, giúp người dân bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, Luật sư nên sử dụng thường xuyên hơn phương tiện truyền thông xã hội để tương tác với người dân. Các Văn phòng Đoàn Luật sư địa phương, tổ chức hành nghề Luật sư nên có cơ chế và cách thức để người dân có thể tương tác một cách trực tiếp và trực tuyến với Luật sư.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Masatoshi, Giám đốc Dự án cho biết, mỗi quốc gia sẽ có định hướng, tầm nhìn chiến lược và cách thức nhằm thúc đẩy tiếp cận công lý khác nhau, do đó việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia là thiết thực và quan trọng để có thể tham khảo cách làm của nhau, qua đó áp dụng một cách linh hoạt cho việc nâng cao tiếp cận công lý ở quốc gia của mình.

Cuối cùng, đại diện Liên đoàn Luật sư Nhật Bản thông báo kế hoạch một số hoạt động hội thảo vào năm 2022 giữa Nhật Bản với từng quốc gia. Theo đó, được sự tài trợ của Quỹ TOYOTA, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản dự kiến tổ chức 2 hội thảo trực tuyến trong năm 2022 giữa Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư Vương quốc Campuchia, Đoàn Luật sư CHDCND Lào trong khoảng từ tháng 2 cho đến tháng 6, và 1 hội nghị trực tuyến quốc tế giữa 4 Hiệp hội vào tháng 7. Để chuẩn bị cho 2 hội thảo đầu, đại diện các Hiệp hội sẽ chia sẻ về phương thức tiệp cận hiện tại và tương lai để nâng cao năng lực tiếp cận công lý ở mỗi quốc gia. Liên quan đến hội nghị trực tuyến dự kiến, 4 Hiệp hội sẽ trao đổi về nội dung, đây cũng là cơ hội để các bên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

NGỌC ANH

Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tổ chức Khóa tập huấn ‘Kỹ năng tranh tụng hình sự cho Luật sư’

Lê Minh Hoàng