/ Pháp luật - Đời sống
/ Thanh Hóa: Cần xử lý dứt điểm hành vi gian lận được quy định trong Luật Đấu thầu

Thanh Hóa: Cần xử lý dứt điểm hành vi gian lận được quy định trong Luật Đấu thầu

15/06/2023 17:46 |

(LSVN) - Dự án bảo tồn, phục hồi, tôn tạo một số hạng mục công trình thuộc khu vực Thành nội Di sản văn hóa Thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) là nhóm dự án số 3, giai đoạn 1 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư dự án không quá 745,6 tỉ đồng. Dự án đã được HĐND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 158/NQ-HĐND ngày 11/10/2021, điều chỉnh tại nghị quyết số 325/NQ-HĐND ngày 19/11/2022.

Thông báo mời thầu.

Vi phạm quy định của Luật đấu thầu

Ngày 09/02/2023, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hoá đã có Công văn số 488/SVHTTDL-KHTC gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu và hành vi gian lận (không trung thực) của Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan, thuộc Liên danh Kiến trúc cảnh quan. Theo đó, dự án này đã vi phạm quy định tại điểm a, điểm c, Khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu năm 2013 và đề nghị xử lý theo khoản 1, Điều 122, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ: “Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 03 đến 05 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các k hoản 1, 2, 3, 4 và 5, Điều 89 của Luật Đấu thầu” đối với nhà thầu vi phạm.

Đồng thời, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa (cơ quan chuyên môn về công tác đấu thầu trên toàn tỉnh) nghiên cứu để tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh là: “Xử lý vi phạm cấm thầu đối với mình Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan hay xử lý vi phạm cấm thầu đối với toàn bộ 06 Công ty thuộc Liên danh Kiến trúc cảnh quan”.

Công ty Cổ phần xây dựng và Đầu tư Gia Vũ, đơn vị tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu đã có nhiều văn bản gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa, Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng như gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong các văn bản nêu trên, công ty đều cho rằng hành vi gian lận của liên danh nhà thầu kiến trúc cảnh quan (Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan) đã sử dụng giấy tờ giả mạo để tham gia đấu thầu là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, điều này đã được công ty kết luận và có văn bản kiến nghị.

Tuy nhiên, đã hơn 07 tháng trôi qua kể từ khi mở thầu vào lúc 16 giờ 09 phút ngày 04/10/2022 cho đến khi phát hiện hành vi gian lận thầu của Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đến nay vẫn chưa có kết luận xử lý dứt điểm, mặc dù hành vi gian lận thầu đã được quy định rất rõ trong Luật Đấu thầu.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, căn cứ theo khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu 2013 quy định gian lận trong đấu thầu bao gồm các hành vi sau đây:

- Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

 - Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

- Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Trường hợp chứng minh được lỗi không minh bạch trong hồ sơ dự thầu, hành vi của nhà thầu đã có sự gian lận trình bày sai lệch thông tin và sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc có hành vi gian lận như vậy sẽ phải chịu một chế tài nhất định quy định tại Điều 121, 122, 123 và 124 của Nghị định 63/2014/NĐ – CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Gian lận nhưng vẫn trúng gói thầu

Ngày 04/5/2023 tại Quyết định số 272/QĐ-SVHTTDL do Giám đốc Phạm Nguyên Hồng ký đã quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 2: Tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án: Tu bổ, phục hồi, tôn tạo các hạng mục công trình Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho nhà thầu Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan do ông Hàn Tất Ngạn làm Giám đốc (địa chỉ: Số 17, ngõ 132, đường Nguyễn Xiển, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Giá trị đề nghị trúng thầu: 1.143.236.000 VNĐ; loại hợp đồng trọn gói; thời gian thực hiện hợp đồng 07 tháng.

Sau khi có thông tin Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan trúng thầu dư luận không khỏi băn khoăn, bởi trong giai đoạn lựa trọn gói thầu từ ngày 07/03/2023 đến khi mở thầu 27/03/2023 cho đến khi được phê duyệt ngày 04/5/2023 của Gói thầu số 2 Lam Kinh, thì Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan đã bị các cơ quan chức năng và chính Chủ đầu tư là Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa phát hiện thấy việc gian lận trong đấu thầu của Công ty này tại Gói thầu số 03 (Dự án Thành Nhà Hồ) từ ngày 31/12/2022 và hiện vẫn đang chờ kết luận và hướng xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa mặc dù đã có văn bản trình UBND tỉnh Thanh Hóa về việc Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan (hoặc cả liên danh 06 nhà thầu) vì hành vi gian lận, không trung thực trong hồ sơ đấu thầu đối với dự án Thành nhà Hồ. Đặc biệt hơn, Sở VH-TT&DL cũng chính là chủ đầu tư nắm rõ về hành vi không trung thực của Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan trong gói thầu số 3 Thành nhà Hồ trước đó không lâu và vẫn đang trong quá trình xử lý mà vẫn ra quyết định phê duyệt trúng thầu gói thầu số 2 Lam Kinh cho Công ty CP Tu bổ di tích và Kiến trúc cảnh quan trong khi tư cách hợp lệ của nhà thầu còn chưa rõ ràng, liệu đã phù hợp với các quy định pháp luật?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" như sau:

'1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đẩu thầu;

b) Thông thầu;

c) Gian lận trong đấu thầu;

d) Cản trở hoạt động đấu thầu;

đ) Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu;

e) Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu;

g) Chuyển nhượng thầu trái phép.

2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:

a) Vì vụ lợi;

b) Có tổ chức;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;

đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".

Cũng theo quy định trên, một doanh nghiệp đã bị kết luận là gian lận thầu, trong quá trình chờ xử lý lại vẫn trúng thầu là không đủ điều kiện hợp lệ bởi theo quy định, đơn vị có hành vi gian lận tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu, việc đơn vị vẫn tham gia đấu thầu là không hợp lệ và kết quả thầu sẽ không đảm bảo và sẽ bị hủy theo quy định của pháp luật.             

Thiết nghĩ, để thượng tôn pháp luật, làm rõ sự minh bạch, công khai của các doanh nghiệp trong đấu thầu đối với các dự án thuộc Luật Đầu tư công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dư luận rất mong muốn các cơ quan ban ngành cần sớm tiến hành thanh tra, kiểm tra vụ việc này.

PV

Bình Dương: Không có vi phạm về 'mua bán' tại dự án tòa nhà văn phòng Techport

Nguyễn Hoàng Lâm