/ Tin nổi bật
/ Thanh Hóa: Đoàn kết, tập trung nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

Thanh Hóa: Đoàn kết, tập trung nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã có bài phát biểu chỉ đạo và đề nghị Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thanh Hóa phải phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, để tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm. Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam trân trọng giới thiệu 5 nội dung nhiệm vụ trọng tâm này.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, UVBCT, Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: BTH.

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là điểm rất thuận lợi cho tỉnh Thanh Hóa vì tập thể Bộ Chính trị đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa và đã ban hành một nghị quyết riêng cho tỉnh Thanh Hóa chỉ trước Đại hội Đảng bộ tỉnh chỉ có hơn 2 tháng.

Và cùng với những văn kiện, dự thảo trình ra Đại hội XIII của Đảng thì Nghị quyết số 58 là cơ sở để tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu hoàn thiện lại các văn kiện của dự thảo trình ra Đại hội hôm nay. Đó là những định hướng lớn, chủ trương lớn để chúng ta phát triển trong thời gian tới. Đây là một thuận lợi không phải tỉnh nào cũng có được vì chỉ có một số ít tỉnh, thành phố lớn thì mới được Bộ Chính trị ra nghị quyết riêng.

Do đó, tỉnh phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương xây dựng, đề xuất với Chính phủ ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 58; trình Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế, nhằm khai thác và phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, tạo động lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Đồng thời, để có định hướng phát triển cho giai đoạn tới, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và xây dựng, triển khai quy hoạch tỉnh Thanh Hóa phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ. Trong đó, cần chú ý quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hóa phải theo hướng phân bổ hợp lý giữa các vùng, kết nối thuận lợi với các đô thị vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, thân thiện với môi trường, dẫn dắt đổi mới sáng tạo và là động lực tăng trưởng kinh tế. Tỉnh cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, tránh chồng chéo, để phát huy thế mạnh đặc trưng của địa phương.

Tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ, thành phố Hà Nội, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; quan tâm đến công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng những chương trình, tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng...

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Phát triển mạnh công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển theo chiều sâu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh, để đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo. Chú trọng thu hút một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao để tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, phát triển các cụm liên kết ngành, nhất là giữa công nghiệp và dịch vụ.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao và theo chuỗi giá trị, trọng tâm là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cần xác định rõ các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh để tập trung phát triển; chú trọng công tác xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Phát triển nhanh các ngành dịch vụ có lợi thế, như: dịch vụ, vận tải biển, vận tải hàng không, logistics; nâng cao giá trị xuất khẩu.

Cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo sức hấp dẫn mới để đẩy mạnh thu hút đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Cần lưu ý khi thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài phải có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Tập trung nguồn lực để phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, các trụ cột tăng trưởng, các trung tâm kinh tế động lực để tạo sức lan toả phát triển chung cho cả tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn đang triển khai, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thứ ba, cùng với tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, Đảng bộ cần chăm lo nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Chú trọng giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử, cách mạng, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, tạo động lực, nền tảng cho phát triển bền vững.

Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng. Đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ bác sỹ chất lượng cao để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Chủ động, tích cực ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn - đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc ở cơ sở.Quan tâm chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các tôn giáo. Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây Thanh Hóa đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để cải thiện chất lượng sống của Nhân dân, bảo đảm hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền, để thu hẹp chênh lệch về trình độ phát triển giữa miền núi và miền xuôi.

Thứ tư, cần tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững chắc;bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Nắm chắc tình hình và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an ninh trật tự, nhất là an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, dân tộc, trên các tuyến, các địa bàn trọng điểm, tuyệt đối không để hình thành điểm nóng. Cần rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, kéo dài và không để các vụ việc mới phát sinh, nếu có phát sinh thì phải giải quyết ngay tại cơ sở.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thứ năm, Đảng bộ Thanh Hóa cần coi trọng và tập trung hơn nữa cho công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; trong đó đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện các chương trình, các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; phát huy ý chí tự lực, tự cường, tinh thần chủ động, sáng tạo, nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo có chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu. Chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ với phương châm “lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng công việc, bố trí đúng vị trí” để công tác cán bộ thực sự là khâu then chốt, cần lựa chọn được những cán bộ ưu tú, xứng đáng, đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; xây dựng bộ máy hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện pháp luật, thực thi công vụ, gắn bó mật thiết, tận tụy phục vụ Nhân dân.

Đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hoạt động của hệ thống dân vận và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong Nhân dân, tăng cường sự gắn bó giữa Đảng, Chính quyền với Nhân dân.

LSVN

/thu-tuong-thanh-lap-ban-chi-dao-tien-phuong-tai-da-nang-ung-pho-bao-so-9.html