/ Đời sống - Xã hội
/ Thanh Trì, Hà Nội: Cơ sở sản xuất không giấy phép vi phạm về môi trường trong khu dân cư

Thanh Trì, Hà Nội: Cơ sở sản xuất không giấy phép vi phạm về môi trường trong khu dân cư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Từ lâu nay, tại số nhà 17, xóm Án, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, một cơ sở sản xuất - kinh doanh tinh bột không giấy phép, không đảm bảo vệ sinh môi trường, không có biện pháp phòng cháy chữa cháy… tồn tại giữa khu dân cư, gây nhiều bức xúc. Vụ việc đã được người dân liên tục phản ánh đến các cơ quan chức năng, tuy nhiên các biện pháp xử lý của chính quyền địa phương có phần nương nhẹ đối với cơ sở này.

Theo phản ánh của người dân, tại số nhà 17, xóm Án, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội, từ lâu nay tồn tại cơ sở xản xuất - kinh doanh tinh bột có quy mô khoảng 50m2 của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành đã liên tục có những hành vi vi phạm về môi trường, không đảm bảo việc phòng cháy chữa cháy, tiếng ồn vượt quá mức cho phép… Đặc biệt, cơ sở sản xuất hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thành còn hoạt động không phép thời gian dài nhưng vẫn không được UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì xử lý đến nơi, đến chốn.

Về việc này, ngày 26/4/2021, UBND xã Tân Triều đã có Biên bản làm việc với ông Nguyễn Văn Thành (Chủ cơ sở xản xuất) về việc gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân sinh sống quanh khu vực.

Cụ thể, nội dung Biên bản thể hiện ông Nguyễn Văn Thành đã cam kết thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu việc phát tán tiếng ồn, khí thải, mùi trong quá trình sản xuất kinh doanh để tránh gây ảnh hưởng tới các hộ dân sinh sống xung quanh khu vực. Điều đó, đồng nghĩa với việc các phản ánh của người dân về những vi phạm của cơ sở sản xuất - kinh doanh này là có cơ sở và chủ cơ sở này cũng thừa nhận có những hành vi vi phạm như trên.

Biên bản làm việc giữa UBND xã Tân Triều và chủ cơ sở sản xuất Nguyễn Văn Thành.

Cũng theo Biên bản làm việc với UBND xã tân Triều, ông Nguyễn Văn Thành cam kết thêm: “Trong thời gian tới tôi sẽ tiền hành hoàn thiện các hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định. Hiện tại, sau buổi làm việc với UBND xã ngày 14/4/2021, tôi đã lắp dựng hệ thống cửa kính để giảm thiểu tiếng ồn và hệ thống ống hút khí không để phát tán khí, mùi ra môi trường ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống quanh khu vực”.

Đại diện UBND xã Tân Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Vân Long đã thống nhất nội dung như sau: “Yêu cầu ông Nguyễn Văn Thành trong thời gian tới nếu có sản xuất kinh doanh chế biến tinh bộ nghệ phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định để không ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống quanh khu vực. Đồng thời, yêu cầu ông Nguyễn Văn Thành cung cấp đầy đủ các Giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh: Giấy phép Đăng ký kinh doanh, Bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định, đản bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo quy định, vệ sinh môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh gửi về UBND xã”.

Như vậy, có thể nói đến thời điểm hiện tại, việc sản xuất kinh doanh tinh bộ của ông Nguyễn Văn Thành chưa đảm bảo các yêu cầu về pháp lý liên quan theo quy định. Do đó, việc xử lý triệt để những hành vi vi phạm của cơ sở xản xuất - kinh doanh tinh bột này sẽ được các cơ quan chức năng thực hiện như thế nào? Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động của cơ sở xản xuất - kinh doanh tinh bột này có khắc phục được những tồn tại hay chỉ là hình thức hợp thức hóa cho những vi phạm của cơ sở này bấy lâu nay?.

Được biết, UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường với mức phạt 2,5 triệu đồng và buộc chủ cơ sở xản xuất - kinh doanh tinh bột này thực hiện các biện pháp khắc phục đối với hành vi nêu trên từ tháng 4/2021. Song, biện pháp “phạt cho tồn tại” đó dường như không có tác dụng.

Theo thông tin phản ánh của người dân, hiện cơ sở vẫn tiếp tục hoạt động như thời gian trước đây và có quy mô ngày càng lớn hơn; các hành vi vi phạm như nêu trên cũng có mức độ tăng lên hơn trước…

Vậy, vì sao chỉ một cơ sở xản xuất nhỏ lẻ với nhiều “không” lại ngang nhiên tồn tại giữa khu dân cư, trách nhiệm trong việc này thuộc về cá nhân và tổ chức nào?.

Đề nghị, UBND xã Tân Triều và huyện Thanh Trì xử lý triệt để và dứt điểm vụ việc nêu trên để đảm bảo môi trường sinh sống và làm việc an toàn đối với cư dân xung quanh.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các quy định của pháp luật liên quan, việc mở xưởng sản xuất trong khu dân cư cần đáp ứng một số điều kiện cụ thể như sau:

Không gây ồn: Theo quy định tại Mục 2.1 Thông tư 39/2010/TT-BTNMT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường thì giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) là 70dBA (từ 6h đến 21h) và 55dBA (21h đến 6h).

Không được gây ô nhiễm nguồn nước do việc xả rác và các chất hóa học trong quá trình chế biến tinh bột chưa qua xử lý xả thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng xấu đến nguồn nước cũng như sức khỏe người dân. Theo Điều 7 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì chất thải trước khi xả thải vào môi trường cần phải xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Không được để ô nhiếm không khí: Căn cứ theo Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật.

Theo đó, các cơ sở sản xuất trong khu dân cư có hành vi vi phạm hoặc không đáp ứng được các điều kiện trên có thể tùy theo mức độ vi phạm, cơ sở sẽ bị phạt tiền (kèm theo việc đình chỉ hoạt động) theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

PV

Cần làm rõ số lượng lớn chất thải vận chuyển từ Hà Nam đổ về Thái Bình

Lê Minh Hoàng