/ Tư vấn
/ Thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định khi đi chùa có bị phạt

Thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định khi đi chùa có bị phạt

26/01/2023 13:26 |

(LSVN) - Theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP, hành vi thắp hương, đốt vàng mã không đúng nơi quy định có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 500.000 đồng.

Ảnh minh họa.

Việc thắp hương, đốt tiền vàng mã trong các lễ hội truyền thống, ngày lễ,… đã trở thành thói quen lâu đời của người Việt. Tại các đền chùa đều có khu vực thắp hương, đốt vàng mã riêng. Người dân đi lễ chùa muốn thắp hương, hóa vàng mã cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của Ban tổ chức lễ hội, khu di tích.

Theo khoản 1, Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định;

- Nói tục, chửi thề, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội;

- Mặc trang phục không lịch sự hoặc không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Như vậy, với người thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại các lễ hội sẽ bị phạt tiền đến 500.000 đồng. Trước đây, theo Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, có hiệu lực đến hết ngày 31/5/2021 quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.

Ngoài ra, khoản 2 của Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP cũng quy định về phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Không báo cáo bằng văn bản kết quả tổ chức lễ hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

- Chèo kéo người tham dự lễ hội sử dụng dịch vụ, hàng hóa của mình.

Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thành lập Ban tổ chức lễ hội theo quy định; Bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; Không có nhà vệ sinh hoặc có nhà vệ sinh nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định trong khu vực lễ hội, di tích; Không tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của lễ hội trên hệ thống loa phát thanh hoặc bảng, biển và các hình thức tuyên truyền khác; Không thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội.

PV

Người dân có được giữ lại sổ hộ khẩu làm kỷ niệm?

Bùi Thị Thanh Loan