/ Luật sư - Bạn đọc
/ Thế nào là hành vi xúc phạm báo chí?

Thế nào là hành vi xúc phạm báo chí?

26/09/2023 10:05 |

(LSVN) - Theo quy định của pháp luật hiện hành, thế nào là hành vi xúc phạm báo chí, hậu quả pháp lý của hành vi này ra sao?


Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, hành vi xúc phạm đến uy tín, danh dự của các nhà báo và các cơ quan báo chí là những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8, Điều 16 và Điều 18 Luật An ninh mạng năm 2018. Hiện nay, pháp luật chưa có một khái niệm cụ thể thế nào về "xúc phạm báo chí", tuy nhiên, có thể hiểu "xúc phạm báo chí" là hành vi dùng lời nói hoặc viết những nội dung mang tính nhục mạ nhằm hạ thấp uy tín gây thiệt hại, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cơ quan báo chí nói chung và người làm báo nói riêng.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà những hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 

Cụ thể, về xử lý hành chính, tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính Phủ có quy định: Hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm, còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng).

Đồng thời, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, trái quy định của pháp luật.

Đối với chế tài hình sự, nếu các vi phạm bị kết luận là nghiêm trọng, có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với loại và mức hình phạt được quy định là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.

Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bên cạnh đó, hành vi có thể bị truy cứu về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có loại và mức hình phạt được quy định là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Luật sư Hùng nhấn mạnh: "Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền tự do ngôn luận, có quyền thể hiện các ý kiến, quan điểm của mình. Tuy nhiên, quyền này không có nghĩa là "thích nói, thích viết gì hoặc như thế nào cũng được" mà cần có sự tôn trọng, không được phép xúc phạm đến danh dự, uy tín, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của của các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Ngôn ngữ, lời lẽ sử dụng cũng nên có chuẩn mực, phù hợp với đạo đức và văn hóa giao tiếp của xã hội, thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

DUY ANH

Người chấp hành xong hình phạt tù được vay tín dụng bao nhiêu tiền?

Bùi Thị Thanh Loan