/ Pháp luật - Đời sống
/ Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải

Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư 07/2021/TT-BGTVT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ảnh minh họa. 

Theo quy định tại Điều 13 Thông tư 07/2021/TT-BGTVT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải thì thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

Thời hạn giám định này có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai (1/2) thời hạn giám định tối đa theo quy định nêu trên. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Bên cạnh đó, việc thành lập Hội đồng giám đinh được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư 07/2021/TT-BGTVT như sau:

- Việc thành lập Hội đồng giám định trong lĩnh vực giao thông vận tải được thực hiện trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định và theo yêu cầu của người trưng cầu giám định.

- Hội đồng giám định do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập để thực hiện giám định lại lần thứ hai.

- Việc thành lập hội đồng giám định được thực hiện như sau:

(i) Thủ trưởng cơ quan tham mưu thuộc Bộ được giao chủ trì xử lý văn bản trưng cầu giám định, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan để cử người thực hiện giám định tư pháp phù hợp với nội dung trưng cầu giám định tham gia Hội đồng giám định. Trên cơ sở văn bản cử người của các cơ quan, đơn vị, cơ quan tham mưu thuộc Bộ được giao chủ trì xử lý văn bản trưng cầu giám định tư pháp xem xét, trình Bộ trưởng quyết định thành lập Hội đồng giám định;

(ii) Hội đồng giám định có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định;

(iii) Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Giám định tư pháp năm 2012.

Thông tư 07/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/6/2021 và bãi bỏ Thông tư 33/2014/TT-BGTVT ngày 08/8/2014.

NGỌC ANH

Tự do di chuyển lao động ASEAN: Những khó khăn, thách thức đối với lao động Việt Nam 

Lê Minh Hoàng