/ Thư viện pháp luật
/ Thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định UKVFTA

Thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định UKVFTA

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại nước thành viên xuất khẩu và phải nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.

 

Bộ Công thương vừa ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT ngày 11/6/2021, về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).  Thông tư này quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA.

Theo đó, tại Điều 26 Thông tư quy định rõ về thời hạn hiệu lực của chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày phát hành tại nước thành viên xuất khẩu và phải nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực.

Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp cho cơ quan hải quan nước thành viên nhập khẩu sau thời hạn hiệu lực quy định trên vẫn có thể được chấp nhận để hưởng ưu đãi thuế quan UKVFTA trong trường hợp nhà nhập khẩu không thể nộp các chứng từ đó trong thời hạn hiệu lực vì lý do bất khả kháng hoặc các lý do hợp lệ khác nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nhập khẩu.

Trong trường hợp xuất trình muộn khác, cơ quan hải quan của nước thành viên nhập khẩu có thể chấp nhận chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa của hàng hóa đã được nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực được quy định nêu trên.

Để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 02 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, tại Điều 29 Thông tư cũng quy định về miễn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Theo đó, hàng hóa được gửi theo kiện nhỏ từ cá nhân đến cá nhân hoặc hành lý cá nhân của người đi du lịch được coi là hàng hóa có xuất xứ mà không yêu cầu phải có chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với điều kiện hàng hóa đó không được nhập khẩu theo hình thức thương mại, được khai báo đáp ứng quy định tại Thông tư này và không có nghi ngờ về tính xác thực của khai báo đó. Trong trường hợp hàng hóa được gửi qua bưu điện, khai báo có thể được thực hiện trên tờ khai hải quan nhập khẩu hoặc trên một văn bản đính kèm tờ khai hải quan.

Lô hàng nhập khẩu không thường xuyên chỉ bao gồm các sản phẩm phục vụ tiêu dùng cá nhân của người nhận hàng hoặc người đi du lịch hoặc gia đình của người đó không được coi là nhập khẩu theo hình thức thương mại nếu bản chất và số lượng sản phẩm đó có thể là bằng chứng cho thấy sản phẩm không dùng cho mục đích thương mại.

Tổng trị giá hàng hóa quy định tại khoản 1 và 2 Điều 29 trên không được vượt quá:

- 500 EUR (năm trăm ơ-rô) đối với kiện hàng nhỏ hoặc 1.200 EUR (một ngàn hai trăm ơ-rô) đối với hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Vương quốc Anh.

- 200 đô-la Mỹ (hai trăm đô-la Mỹ) đối với trường hợp kiện hàng nhỏ và hàng hóa là một phần hành lý cá nhân của người đi du lịch khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/6/2021.

MINH HIỀN

Cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Hiệp định UKVFTA

Lê Minh Hoàng