/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

20/12/2023 06:20 |

(LSVN) - Là một chế định quan trọng của pháp luật hình sự Việt Nam, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (THTCTNHS) thể hiện ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến việc xác định THTCTNHS không phải bao giờ cũng đơn giản, dễ dàng. Một số trường hợp còn vướng mắc, có nhiều ý kiến trái chiều, việc áp dụng không thống nhất… dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm. Bài viết nghiên cứu quy định tại các Điều 27, 28 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 về THTCTNHS, đề xuất các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định pháp luật trên thực tiễn.

Ảnh minh họa.

Một số vấn đề về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo khoản 1 Điều 27 BLHS năm 2015: “THTCTNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Khi một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự không có nghĩa cho tới thời điểm bị phát hiện hành vi của họ không được coi là tội phạm nữa. Phải khẳng định rằng, hành vi đó vẫn được pháp luật hình sự coi là tội phạm, nhưng vì khoảng thời gian được gọi là THTCTNHS đã qua đi, trong khoảng thời gian đó, người phạm tội đã không phạm tội mới, cho thấy không cần thiết phải đưa ra truy cứu. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015, hết THTCTNHS là một trong những căn cứ không khởi tố vụ án. Nếu một người đã bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà hết THTCTNHS thì phải đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án. Đây cũng là căn cứ để không được kháng nghị tái thẩm theo hướng tăng nặng đối với người phạm tội.

Trong pháp luật hình sự Việt Nam, chế định THTCTNHS lần đầu tiên được thể chế hóa trong BLHS năm 1985. Trước khi pháp điển hóa luật hình sự, việc quyết định áp dụng hay không áp dụng THTCTNHS thuộc thẩm quyền của VKSNDTC và TANDTC. Do đó, tư tưởng này tiếp tục được thể hiện trong quy định về THTCTNHS tại Điều 45 BLHS năm 1985. Đến BLHS năm 1999, cùng với sự phát triển của pháp luật hình sự nói chung thì chế định THTCTNHS đã có những thay đổi lớn. Lần đầu tiên, định nghĩa pháp lý THTCTNHS đã được đề cập: "Là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự". Ngoài ra, các mức thời hạn khác nhau được quy định tương ứng với các loại tội phạm trong THTCTNHS cũng được quy định rõ ràng và tỉ mỉ hơn…

Trên cơ sở kế thừa những quy định tiến bộ của BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 ra đời với một số sửa đổi, bổ sung phù hợp hơn. Trước hết, đó là sự điều chỉnh một số thuật ngữ pháp lý. Tại khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015 đã thay thế cụm từ "tự thú" bằng từ "đầu thú"; "lệnh truy nã" bằng "quyết định truy nã". Việc thay đổi này là để đảm bảo tính chính xác của điều luật, tính thống nhất về mặt thuật ngữ, sự phù hợp giữa BLHS năm 2015 và BLTTHS năm 2015. Cụ thể, BLTTHS năm 2015 sử dụng thuật ngữ “quyết định truy nã” và không có thuật ngữ “lệnh truy nã”. Đồng thời, BLTTHS năm 2015 đã định nghĩa rõ “tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện” và “đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình”. Như vậy, khi đã có quyết định truy nã thì người đó chỉ có thể “đầu thú” chứ không thể “tự thú”.

Tiếp theo, BLHS năm 2015 đã loại bỏ cụm từ "thời gian đã qua không được tính", "thời gian trốn tránh không được tính" trong quy định tại khoản 3 Điều 23 của BLHS năm 1999. Điều này sẽ giúp điều luật được ngắn gọn nhưng vẫn không thay đổi nội dung, bản chất của quy định. Về mặt bổ sung, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm các trường hợp không áp dụng THTCTNHS. Ngoài hai nhóm tội phạm đã được quy định tại BLHS năm 1999 thì đã bổ sung thêm hai loại tội là Tham ô tài sản theo khoản 3, 4 Điều 353 và tội Nhận hối lộ theo khoản 3, 4 Điều 354 BLHS 2015. Đây là những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, việc không áp dụng THTCTNHS là phù hợp, nhằm góp phần tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý triệt để đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, thể hiện chính sách hình sự cứng rắn, kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta đối với loại tội phạm này.

Trên cơ sở phân loại tội phạm thành bốn loại thì Điều 27 BLHS năm 2015 cũng quy định tương ứng bốn mức THTCTNHS. Cụ thể, THTCTNHS là 05 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng; 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng; 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng và 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự:

Theo khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015, có ba trường hợp cần xác định thời điểm bắt đầu tính THTCTNHS:

Trường hợp 1 (trường hợp bình thường): Trong trường hợp này, thời hiệu được tính liên tục từ ngày tội phạm được thực hiện. Như vậy, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu chính là ngày tội phạm được thực hiện, nghĩa là hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà không phân biệt ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành. Trường hợp này, cần lưu ý các vấn đề như đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt; đối với tội phạm kéo dài; đối với tội phạm liên tục; đối với các trường hợp phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần.

Trường hợp 2 (trường hợp người phạm tội lại phạm tội mới có mức cao nhất của khung hình phạt này là trên 01 năm tù): Trường hợp này được hiểu, nếu một người đã thực hiện tội phạm, chưa hết THTCTNHS mà lại phạm tội mới có mức cao nhất của khung hình phạt là trên 01 năm tù thì THTCTNHS đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện tội phạm mới. Như vậy, để thuộc trường hợp này cần đáp ứng hai điều kiện. Điều kiện thứ nhất là người đó lại phạm tội mới trong THTCTNHS của tội cũ. Điều kiện thứ hai là tội phạm mới mà người phạm tội thực hiện phải có mức cao nhất của khung hình phạt là trên 01 năm. 

Trường hợp 3 (trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã): Đây là trường hợp một người thực hiện hành vi phạm tội, vẫn còn THTCTNHS nhưng cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ. Tương tự trường hợp hai, trường hợp này cũng cần có hai điều kiện. Một là người phạm tội phải cố tình trốn tránh, tức là có những biểu hiện như: Đột nhiên biến mất khỏi nơi ở hoặc nơi làm việc trong một thời gian dài một cách khó hiểu và không có lý do thuyết phục, thay họ đổi tên, thay đổi hình dạng khuôn mặt, vóc dáng, hình dạng trong các giấy tờ tuỳ thân.... Hai là người phạm tội đã bị truy nã bằng quyết định truy nã. 

Ngoài ba trường hợp trên, pháp luật hình sự còn quy định THTCTNHS đối với trường hợp tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ bị can mà chưa xác định được cụ thể hành vi phạm tội của bị can theo điểm, khoản nào của Điều luật [1]. Theo đó, trường hợp quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can có quy định rõ khoản, Điều khởi tố theo BLHS năm 2015 thì việc xác định thời hiệu được tiến hành bình thường trên cơ sở xác định loại tội phạm. Tuy nhiên, trường hợp quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can chỉ ghi Điều luật, không ghi khoản do quá trình điều tra chưa chứng minh làm rõ được hành vi tội phạm thuộc trường hợp nào. Lúc này, xác định THTCTNHS căn cứ vào khung hình phạt trong cấu thành cơ bản của Điều luật đó. Quy định này là phù hợp, bảo đảm tính khách quan về kết quả điều tra vụ án cũng như sự khoan hồng của pháp luật.

Về xác định thời điểm kết thúc:

Thời điểm kết thúc THTCTNHS là sau một khoảng thời gian nhất định được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 kể từ thời điểm bắt đầu. Tuy nhiên, liên quan đến căn cứ xác định xem khoảng thời gian thực tế từ thời điểm bắt đầu tính đã hết hay chưa hết THTCTNHS thì vẫn còn có những hai quan điểm khác nhau là: Một, tính từ ngày bắt đầu tính thời hiệu đến khi có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực; Hai, tính từ ngày bắt đầu tính thời hiệu đến khi người phạm tội bị khởi tố bị can. Đại diện cho quan điểm thứ hai là tác giả Phạm Thị Yến (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương) [2]. Theo tác giả, truy cứu trách nhiệm hình sự là bao gồm các hoạt động quyết định khởi tố bị can, quyết định truy tố, bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm và tái thẩm. Trường hợp một người phạm tội mà không bị phát hiện hoặc bị phát hiện mà chưa bị khởi tố thì sau thời hạn 05 năm, 10 năm… thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nữa, tức là không bị khởi tố nữa. Còn khi đã áp dụng biện pháp tố tụng đầu tiên là khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì tức là đã truy cứu trách nhiệm hình sự, thời gian điều tra, truy tố, xét xử không tính vào THTC TNHS. Trong thực tế, các trường hợp tạm đình chỉ để áp dụng bắt buộc chữa bệnh, giám định hoặc các vụ án đang điều tra do phức tạp nên bị trả hồ sơ hay hủy đi hủy lại nhiều lần thời gian kéo dài quá thời gian quy định trong THTCTNHS có nhiều, nếu tính thời hiệu trong các trường hợp này là không phù hợp.

Căn cứ vào quy định của pháp luật, tác giả cho rằng quan điểm đó là không phù hợp, THTCTNHS phải tính từ thời điểm bắt đầu tính đến khi có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án. Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lí, bao gồm: Nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của TNHS (hình phạt, biện pháp tư pháp) và chịu mang án tích. truy cứu trách nhiệm hình sự có thể hiểu là tổng thể một quá trình bao gồm các hoạt động của chủ thể tiến hành tố tụng nhằm tìm ra các chứng cứ, tài liệu làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án hình sự, từ đó giải quyết vụ án đúng pháp luật, xác định TNHS của người phạm tội phải gánh chịu. Như vậy, THTCTNHS phải là thời hạn để tiến hành việc truy cứu trách nhiệm hình sự, tức là toàn bộ quá trình, hoạt động của các chủ thể, trong đó bao gồm cả hoạt động xét xử, ra phán quyết của Tòa án. Do đó, không thể nói THTCTNHS chỉ dừng lại ở thời điểm có quyết định khởi tố bị can.

BLTTHS năm 2015 quy định rất rõ ràng hết THTCTNHS là căn cứ để đình chỉ điều tra nếu vụ án ở giai đoạn điều tra hoặc đình chỉ vụ án nếu vụ án đang ở giai đoạn truy tố hoặc xét xử (các Điều 157, 230, 248, 282 BLTTHS năm 2015). Trường hợp đã khởi tố bị can, vụ án đang ở giai đoạn điều tra hoặc truy tố hoặc xét xử mà có lý do tạm đình chỉ, trong quá trình tạm đình chỉ mà THTCTNHS đã hết thì các cơ quan THTT cũng ra ngay Quyết định đình chỉ mà không cần ra Quyết định phục hồi (các Điều 7, 9, 11 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020). Do đó, kể cả sau khi khởi tố bị can mà hết THTCTNHS thì các chủ thể tiến hành tố tụng cũng không thể tiếp tục thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó nữa.

Một số hạn chế, bất cập

Hạn chế, bất cập trong tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thứ nhất, trường hợp bị khởi tố, truy nã và bị bắt nhưng phát hiện trước đó còn thực hiện hành vi phạm tội khác. Đây là trường hợp một người đã thực hiện tội phạm thứ nhất nhưng không bị phát hiện, sau đó người này tiếp tục thực hiện tội phạm thứ hai và bị phát hiện nhưng đã bỏ trốn nên có quyết định truy nã. Đến khi bắt được thì mới phát hiện tội phạm thứ nhất, vậy xác định THTCTNHS đối với tội thứ nhất có các quan điểm khác nhau.

Cách thức quy định của BLHS 2015 chưa phù hợp

Đây là hạn chế liên quan đến THTCTNHS đối với pháp nhân thương mại. Đối với vấn đề này, có quan điểm cho rằng: “Quy định về THTCTNHS tại Điều 27 BLHS năm 2015 đã loại trừ việc được hưởng chế định nhân đạo này với chủ thể là pháp nhân thương mại phạm tội. Có nghĩa là, đối với toàn bộ 33 loại tội phạm được quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015, khi pháp nhân thương mại thực hiện các hành vi phạm tội đó, cho dù đã qua những thời hạn nhất định do BLHS quy định, đồng thời cũng đã thỏa mãn các điều kiện cần và đủ do luật định như với cá nhân phạm tội thì pháp nhân thương mại cũng sẽ không được hưởng chế định nhân đạo về THTCTNHS. Đồng thời, việc ghi nhận THTCTNHS không được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội tạo ra sự khác biệt căn bản đối với quy định về thời hiệu thi hành bản án kết tội, mà đây đều là hai chế định nhỏ trong chế định lớn về thời hiệu trong luật hình sự” [3].

Quan điểm này là chưa đúng, Điều 75 BLHS năm 2015 quy định về điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nêu rõ: “Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây: … d, Chưa hết THTCTNHS quy định tại khoản 2, 3 Điều 27 Bộ luật này”. Như vậy, rõ ràng nếu đã hết THTCTNHS theo Điều 27 BLHS năm 2015 thì pháp nhân thương mại không phải chịu TNHS đối với tội phạm do pháp nhân thương mại đó đã thực hiện. Hay nói cách khác, pháp nhân thương mại cũng được áp dụng chế định THTCTNHS như đối với người phạm tội. Theo tác giả, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng có quan điểm sai lầm như trên đó là cách thức quy định của BLHS năm 2015 chưa phù hợp. Cụ thể, BLHS năm 2015 không quy định trực tiếp THTCTNHS đối với pháp nhân thương mại tại Điều 27 mà quy định gián tiếp tại điểm d khoản 1 Điều 57 về “Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại” thuộc Chương XI:

Những quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Việc quy định như vậy có hai vấn đề chưa hợp lý. Trước tiên, nếu so sánh 04 điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại thì có thể thấy điều kiện về “THTCTNHS” có bản chất khác hoàn toàn so với 03 điều kiện còn lại. Tiếp theo, BLHS quy định rất rõ đối với pháp nhân thương mại thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Chương XI và “quy định khác của phần thứ nhất”, trong đó có Điều 27. Vì vậy, nên quy định trực tiếp tại Điều 27 sẽ vừa bảo đảm sự thống nhất, vừa giữ nguyên giá trị áp dụng của quy định này.

Chưa hết, đối với việc xác định tội phạm để làm căn cứ tính THTCTNHS đối với pháp nhân thương mại thì BLHS năm 2015 cũng quy định chưa rõ ràng, dẫn đến có cách hiểu sai khi áp dụng. Theo đó, như đã phân tích ở trên, pháp nhân thương mại phạm tội cũng được hưởng chế định THTCTNHS và kéo theo phải xác định mức thời hiệu được áp dụng. Khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015 quy định mức thời hiệu tương ứng với 04 loại tội phạm mà 4 loại tội này được xác định dựa trên mức cao nhất của khung hình phạt và đều được tính là hình phạt tù có thời hạn, chung thân và tử hình. Tuy nhiên, hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại lại không bao gồm các hình phạt đó. Theo khoản 2 Điều 9 BLHS năm 2015, tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại Khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 Bộ luật này (Điều 76 quy định phạm vi các tội mà pháp nhân thương mại phải chịu TNHS).

Xuất phát từ quy định này, có người hiểu rằng: Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện cũng được phân loại theo khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015, do vậy, các tội phạm mà pháp nhân thương mại đều có hình phạt tiền nên đều là tội phạm ít nghiêm trọng. Tác giả cho rằng, đúng là pháp nhân thương mại không bị áp dụng hình phạt tù, chung thân và tử hình nhưng các tội phạm mà pháp nhân thương mại thực hiện cũng là những tội phạm mà người phạm tội có thể thực hiện và tội đó có khung hình phạt. Chúng ta phải căn cứ vào khung hình phạt tương ứng đó để xác định loại tội phạm làm căn cứ tính THTCTNHS.

Đề xuất, kiến nghị hoàn thiện

Thứ nhất, cần ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng quy định về THTCTNHS. Theo đó, văn bản cần làm rõ vấn đề sau: Hướng dẫn về thời hạn, thời hiệu để làm rõ thời hạn tố tụng kéo dài có tính vào THTCTNHS hay không. Hướng dẫn trường hợp bị khởi tố, truy nã và bị bắt nhưng phát hiện trước đó còn thực hiện hành vi phạm tội khác theo hướng quyết định truy nã của tội phạm sau không ảnh hưởng đến THTCTNHS của tội phạm trước. Hướng dẫn trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều tội phạm khác nhau ở các thời điểm khác nhau nhưng cơ quan điều tra chỉ khởi tố một tội và ra quyết định truy nã đối với tội đó theo hướng việc không khởi tố đối với tội mới không ảnh hưởng đến việc tính lại THTCTNHS đối với tội cũ (tức là chỉ cần thực hiện hành vi phạm tội mới mà không bắt buộc hành vi đó phải bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử).

Thứ hai, về THTCTNHS đối với pháp nhân thương mại: Nhằm bảo đảm thống nhất, rõ ràng về việc áp dụng và cách tính THTCTNHS đối với pháp nhân thương mại, cần sửa đổi, bổ sung ba vấn đề như sau: Một, bỏ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015. Hai, bổ sung cụm từ “Pháp nhân thương mại phạm tội” vào sau cụm từ “người phạm tội” tại khoản 1, khoản 3 Điều 27 BLHS năm 2015. Ba, sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 9 về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại như sau: “Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và tương ứng với các tội phạm do người phạm tội thực hiện được quy định tại Điều 76 Bộ luật này”.

Thứ ba, đối với quy định về THTCTNHS áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. BLHS Liên bang Nga đã dành riêng Chương 14 để quy định các đặc điểm về TNHS và hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội. Về cơ bản, BLHS Liên bang Nga và BLHS Việt Nam có những điểm tương đồng khi quy định một chương riêng biệt để xử lý người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi) phạm tội ngoài những quy định chung. Tuy nhiên, BLHS Liên bang Nga quy định người chưa thành niên là người từ 14 đến dưới 18 tuổi. Điều 94 BLHS Liên bang Nga quy định về thời hiệu áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội bằng ½ so với quy định áp dụng đối với người đã thành niên.

Xuất phát từ đặc thù tâm lý lứa tuổi, người dưới 18 tuổi luôn là đối tượng cần được sự quan tâm và bảo vệ đặc biệt. Thể hiện điều này, BLHS năm 2015 đã có những quy định để bảo đảm quyền lợi cho người dưới 18 tuổi có hành vi phạm tội. Cụ thể: BLHS năm 2015 có sự phân hóa TNHS rõ ràng giữa người trên 18 tuổi và người dưới 18 tuổi phạm tội bằng việc dành riêng Chương XII để quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (từ Điều 90 đến Điều 107) để quy định TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tuy nhiên, trong Chương XII vấn đề thời hiệu dành riêng đối với người dưới 18 tuổi chưa được quy định nên theo nguyên tắc chung sẽ áp dụng như người trên 18 tuổi. Do đó, việc tiếp thu, học hỏi quy định về THTCTNHS đối với người chưa thành niên của Liên bang Nga là tiến bộ, phù hợp với xu hướng toàn cầu cũng như các đặc điểm kinh tế - xã hội của Việt Nam. Do đó, tác giả cho rằng cần bổ sung bổ sung vào Điều 27 BLHS khoản 4 như sau: “4. THTCTNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bằng ½ mức thời hiệu quy định tại khoản 2 Điều này”.

[1] Khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2020/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BNN&PTNT-BTC-BTP ngày 01/6/2020: Quy định phối hợp thực hiện một số điều của BLTTHS về quản lý, giải quyết các vụ án, vụ việc tạm đình chỉ.

[2] http://vienkiemsat.haiduong.gov.vn/ArticleDetail/4348/ban-ve-quy-dinh-thoi-hieu-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-theo-dieu-27-bo-luat-hinh-su.aspx.

[3] Võ Minh Tuấn (TAQS Khu vực 1 Quân khu 5), Hoàn thiện các quy định về THTC trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 2015, Tạp chí Luật sư điện tử, https://lsvn.vn/hoan-thien-cac-quy-dinh-ve-thoi-hieu-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-trong-blhs-nam-20151647789877.html.

VĂN LINH

Tòa án quân sự Khu vực hải quân

Quyết liệt xử lý các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ

Nguyễn Mỹ Linh