/ Góc nhìn
/ Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT cần điều chỉnh góp phần đảm bảo an toàn giao thông

Thông tư 31/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT cần điều chỉnh góp phần đảm bảo an toàn giao thông

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Liên quan đến khiếm khuyết trong Thông tư 31/2019/TT-BGTVT nêu trên, tác giả kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung Thông tư quy định tốc độ tối đa đối với phương tiện tham gia giao thông để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện nay.

Ảnh minh họa.

Trên cầu Thăng Long (Hà Nội), ngày 28/7 vừa qua, một xe ô tô con xin vượt xe tải, nhưng mãi không được. Song, người lái xe ô tô con cũng “chẳng phải tay vừa”, đã tăng tốc vượt bên phải và đánh tay lái sang trái sát ngay đầu xe tải; buộc người lái xe tải cũng phải đánh lái sang trái để tránh va chạm. Tuy nhiên, lại có xe ngược chiều chạy tới, khiến người lái xe tải trả lái gấp (về bên phải), làm xe tải bị lật, khiến 1 người bị thương.

Từ vụ vượt xe nêu trên đã cho người lái xe ô tô con 1 bài học rằng: Không cần thiết phải trả đũa người lái xe tải như vậy, vì đã dẫn đến hậu quả khiến 1 người bị thương, lại vừa vi phạm khoản 4, Điều 14, Luật Giao thông đường bộ (quy định về vượt xe).

Trái lại, trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ (Hà Nội), ngày 08/8, một xe ô tô con xin vượt xe đầu kéo (đang chạy trên làn Vmax), nhưng xe đầu kéo nhất định không nhường nên “đành” tăng tốc vượt bên phải. Nhưng do tăng tốc chưa đạt yêu cầu và không ước lượng được khoảng cách an toàn với xe đầu kéo thì người lái xe ô tô con đã vội đánh lái chuyển về làn Vmax (làn xe đầu kéo vẫn đang di chuyển tới). Hậu quả, xe ô tô con đã bị xe đầu kéo đâm vào đuôi và va chạm mạnh vào dải phân cách giữa, rồi lại sang bên phải, vào làn dừng xe khẩn cấp. Rất may, vụ va chạm không xảy ra thiệt hại về người.

Vụ vượt xe này cũng là 1 bài học cho lái xe ô tô con rằng phải biết tăng tốc độ nhanh và ước lượng khoảng cách an toàn giữa xe mình (đang vượt) với xe đầu kéo, trước khi chuyển về làn Vmax. Đồng thời, cũng là hậu quả của việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ (quy định về vượt xe).

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ vượt xe trên đường cao tốc vừa nêu là đối với đường bộ (trừ đường cao tốc), ở ngoài khu đông dân cư thì Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định tốc độ tối đa cho xe ô tô tải thấp hơn xe ô tô con. Cụ thể, theo Điều 7, Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định, Vmax xe ô tô con (chạy trên đường ngoài khu đông dân cư) là 90 km/h; xe tải trên 3,5 tấn là 80 km/h; xe ô tô đầu kéo sơ mi rơ mooc là 70 km/h; xe ô tô kéo rơ mooc là 60 km/h. Còn đường cao tốc lại không có quy định này, đây là khiếm khuyết.

Do vậy, trên đường cao tốc hiện nay khá phổ biến xe ô tô tải trên 3,5 tấn, xe đầu kéo sơ mi rơ mooc,… chạy không thấp hơn tốc độ tối thiểu nhưng vẫn đi trên làn Vmax; và nhất định không cho các xe con chạy phía sau xin vượt (chỉ trừ khi có xe ưu tiên).

Thực tế, tác giả đã nhiều lần tự lái xe ô tô con trong làn Vmax 120 km/h trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Và thực tế, khi xin vượt ô tô tải phía trước đều bị "phớt lờ". 

Liên quan đến khiếm khuyết trong Thông tư 31/2019/TT-BGTVT nêu trên, tác giả kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung Thông tư quy định tốc độ tối đa của xe tải trên 3,5 tấn là 100 km/h đối với đường cao tốc Vmax là 120 km/h; tốc độ tối đa (xe tải trên 3,5 tấn) là 90 km/h đối với đường cao tốc Vmax là 100 km/h,… Đồng thời, trên các đường cao tốc lắp đặt bổ sung biển báo hiệu cấm xe tải chạy vào làn Vmax, để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện nay.

NGUYỄN THÀNH LẬP

Dự thảo quy định về quan hệ phối hợp hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự

Lê Minh Hoàng