/ Tin nổi bật
/ Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không thể để học sinh học trực tuyến quá lâu

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Sáng 14/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước. Ảnh VGP.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chào đón 60 các thầy cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên trên cả nước, “dành thời gian cho tôi được gặp mặt, được nghe, được chia sẻ  các thầy cô đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp GD&ĐT, là những người hội tụ phẩm chất trí tuệ, sự tận tâm, trách nhiệm và tình yêu đối với sự nghiệp trồng người là “những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp”.

"Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một người đã từng là phụ huynh học sinh, từng là một người học trò và từng là người giảng dạy, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành sâu sắc nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước", Thủ tướng nói.

"Con ơi nhớ lấy lời này. Ơn cha nghĩa mẹ công thầy chớ quên"; "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy", nhắc lại lời dạy của cha ông, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống tốt đẹp ấy được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại, là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. 

Trong suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi "Giáo dục là quốc sách hàng đầu". Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Các chính sách tập trung đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó chú trọng quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là các thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Gần 02 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. GD&ĐT là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch này, nhưng đây cũng là cú hích để chúng ta thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục. 

Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ luôn trăn trở về những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến người dân, đến xã hội, trong đó có ngành giáo dục để chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ. Hàng triệu thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. 

"Thậm chí, tôi biết nhiều thầy cô còn phải làm thêm các công việc khác để lo cuộc sống. Hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học và đảo lộn cuộc sống hàng triệu gia đình. Hàng nghìn em đã trở thành mồ côi do mất cha mất mẹ trong dịch bệnh...".

Năm học 2020 - 2021 ghi dấu mốc quan trọng với việc xây dựng cơ chế chính sách tháo gỡ những nút thắt, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu nghị quyết 29 của Trung ương. Qua đó, tạo sự chuyển biến về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất, đồng thời huy động nguồn lực xã hội và thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng các đại biểu đến dự cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa nhân Ngày 20/11. Ảnh: VGP.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh một số vấn đề Chính phủ cần giải quyết sớm để tạo điều kiện cho ngành giáo dục thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Thứ nhất, về vấn đề học trực tuyến. Chính phủ nhất quán quan điểm không thể để các cháu học trực tuyến quá lâu, giao Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế phối hợp với các địa phương có phương án, giải pháp khắc phục việc này theo lộ trình từng bước thận trọng, chắc chắn nhưng phải phải hết sức khẩn trương, đảm bảo an toàn chống dịch. Nghiên cứu thí điểm kết hợp học trực tiếp với học trực tuyến căn cứ vào tình hình dịch bệnh từng khu vực và mức độ bao phủ vaccine.

Ví dụ, chúng ta tổ chức các cháu đã được tiêm đầu cấp, cuối cấp, sinh viên học trực tiếp hoặc kết hợp học trực tiếp với trực tuyến, trước hết thí điểm ở những nơi an toàn, mở rộng dần...

Thứ hai, đối với giáo viên. Chính phủ tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Trên thực tế, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện nhưng chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Trong đó, một vấn đề rất quan trọng cần được quan tâm hơn nữa là sự tôn vinh với các thầy cô giáo bằng nhiều hình thức sâu sắc, rộng rãi hơn để toàn xã hội nhận thức hơn nữa vai trò, vị trí của ngành giáo dục và người giáo viên nhân dân. Rà soát đội ngũ giáo viên theo tinh thần ở đâu có học sinh thì ở đó có giáo viên nhưng phải bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả theo Nghị quyết của Trung ương.

Thứ ba, đối với các cháu học sinh. Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan quan tâm hơn nữa đến các cháu. Thực tế nhiều nơi đã thực hiện giảm học phí cho các cháu nhưng vấn có một số nơi chưa làm.

Về việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát lại, phối hợp với các cơ quan chức năng các địa phương hỗ trợ các cháu và gia đình, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch. “Mục tiêu của chúng ta là không để cháu nào phải bỏ học do đại dịch, do hoàn cảnh, không để ai bị bỏ lại phía sau trong thực hiện quyền được học tập”.

Với phụ huynh học sinh, Thủ tướng chia sẻ những khó khăn, thách thức, mong muốn các bậc phụ huynh cùng với chính quyền, nhà trường linh hoạt tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho sự nghiệp trồng người đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh chương trình cho vay ưu đãi đối với học sinh sinh viên. Đồng thời, đối với các cháu mồ côi do Covid-19, các bộ, ngành liên quan cần rà soát đề xuất chính sách quan tâm đến các cháu một cách căn cơ, bài bản và dài hơi. Các bộ, ngành rà soát và điều chỉnh chính sách đối với trẻ em mồ côi, trẻ em trong các trung tâm bảo trợ xã hội.

Thứ tư, về điều kiện trang thiết bị cho dạy học trực tuyến. Với tình hình diễn biến dịch hiện nay, chúng ta phải xây dựng nhiều phương án ứng phó với dịch bệnh trong việc dạy và học. Để thuận lợi cho các học sinh học trực tuyến, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa..,

Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và hỗ trợ sóng miễn phí, trang thiết bị học cho các cháu, triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” hiệu quả hơn để học sinh không thể vì thiếu điều kiện mà không được học trực tuyến. Đây cũng là điều được nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trong kỳ họp vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa, chúc mừng các thầy giáo, cô giáo nhân dịp kỷ niệm Ngày 20/11. Ảnh: VGP.

Bác Hồ đã từng nói: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”. Thủ tướng kêu gọi các cấp, các ngành mọi người, mọi nhà, mọi bậc cha mẹ...  cùng chung tay sát cánh với ngành giáo dục, với các thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người.

Việc giáo dục con người không phải là việc riêng của ngành giáo dục, của các thầy cô giáo. “Mỗi người trong chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng, học tập suốt đời, học mãi và cũng luôn là một nhà giáo dục nhiệt tình tham gia vào công việc vẻ vang, cao quý này”.

Nhân dịp 20/11, một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ và nhân danh cá nhân, Thủ tướng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước, các giáo viên là người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Việt Nam. “Chúc các thầy cô giáo sức khỏe, thành công để thực hiện lời dạy của Bác Hô: Vì lợi ích 10 năm trồng cây - Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

VŨ MINH

Chế độ làm việc của giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng