/ Đời sống - Xã hội
/ Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ thông tin tiền điện tăng cao bất thường, nếu sai sót phải xử lý nghiêm

Thủ tướng yêu cầu EVN làm rõ thông tin tiền điện tăng cao bất thường, nếu sai sót phải xử lý nghiêm

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Chiều ngày 22/6, chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về các cơ chế phát triển nguồn và lưới điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải.

Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao ngành điện bảo đảm đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trong mùa hè, nắng nóng gay gắt.

Tại cuộc họp, trước thông tin dư luận phản ánh về việc thời gian qua hóa đơn tiền điện của một số hộ dân tăng cao bất thường, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm rõ; nhấn mạnh tinh thần là bảo đảm không để xảy ra sai sót và ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm.

Báo cáo Thủ tướng, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết đã chỉ đạo điện lực các địa phương nhanh chóng xác minh các trường hợp có tiền điện tăng cao để trả lời, giải thích cho người dân một cách công khai.

Về quản lý điện lực, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, có trách nhiệm bảo đảm nguồn và lưới điện cho phát triển đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết phải áp dụng Nghị quyết của Bộ Chính trị và pháp luật liên quan đã được Quốc hội thông qua trong vấn đề phát triển nguồn và lưới điện.

Theo đó, mọi thành phần kinh tế có thể tham gia sản xuất điện, kể cả lưới truyền tải. Phát triển điện gắn với bảo vệ môi trường sống; ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, ít gây ô nhiễm. Áp dụng quy luật thị trường trong sản xuất điện, do đó, bảo đảm giá điện cạnh tranh rất quan trọng.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Cái gì có lợi cho người dân, cho người sản xuất để thu hút đầu tư thì nên làm". Do đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn nhà nước, cơ quan có liên quan có sự phối hợp, phân công cụ thể về triển khai các dự án, bảo đảm tiến độ và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tập đoàn.

Các bộ, ngành, EVN, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần nỗ lực thực hiện và phối hợp, hỗ trợ Bộ Công Thương trong thực hiện chủ trương này.

Thủ tướng yêu cầu sau cuộc họp này, Bộ Công Thương hoàn thiện dự thảo cơ chế, Bộ Tư pháp thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Về nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng nhấn mạnh, khuyến khích xã hội hóa, kể cả đầu tư nước ngoài.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý việc điều chỉnh sơ đồ điện 7 theo đề nghị của Bộ Công Thương để tạo không gian phát triển phù hợp với tình hình, nhất là tình hình phát triển điện tái tạo. Đồng thời, yêu cầu sớm trình sơ đồ điện 8 lên Chính phủ. Người đứng đầu Chính phủ lưu ý việc chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đề xuất quy hoạch sơ đồ điện 7, sơ đồ điện 8.

Trước đó, thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan tới việc hóa đơn tiền điện tăng "sốc". Liên tiếp xuất hiện thông tin ghi sai số điện của ngành điện lực.

Cụ thể, trong kỳ thanh toán hóa đơn tiền điện tháng 6 (ghi chỉ số từ ngày 6/5 – 5/6/2020), nhiều khách hàng đã phải bất ngờ với số tiền điện tăng cao hơn bình thường, đặc biệt là tại Hà Nội.

Anh N. – một khách hàng của EVN tại Hà Nội mới đây đã bức xúc đăng tải dòng trạng thái lên trang cá nhân của mình, cho rằng, trong tháng 6, anh phải trả tiền gần gấp đôi so với tháng 3 và tháng 4, trong khi thời điểm thực hiện cách ly xã hội mới là lúc dùng “kỷ lục” của gia đình. Thậm chí thời điểm tháng 6, anh này cho biết còn đi công tác rất nhiều ngày.

Anh Lê Ph. (Tây Hồ, Hà Nội) cũng cho hay, hóa đơn tiền điện tháng 6 của gia đình anh tăng đột biến, gấp 4,5 lần, dù vẫn đang trong thời gian được hỗ trợ 10% giá điện do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Ngay sau đó, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông tin gửi tới báo chí lý giải về tình hình tiêu thụ điện tăng cao của khách hàng trong tháng 5/2020.

EVN giải thích việc tăng tiền điện bất thường là do sản lượng điện tiêu thụ bình quân tăng cao. Dẫn chứng cho việc này, EVN cho biết, tháng 4, sản lượng điện bình quân đạt 42,99 triệu kWh. Tháng 5, Hà Nội chỉ hứng chịu một đợt nắng nóng duy nhất trong vòng 2 ngày (ngày 20 và 21/5), nhưng lượng điện tiêu thụ bình quân cả tháng ở mức 62,6 triệu kWh, tăng 45% so với tháng 4.

Cùng với đó là chỉ các hộ gia đình có sử dụng máy lạnh, điều hòa nhiệt độ mới thấy rõ việc sử dụng điện tăng lên nhiều nên chi phí sử dụng điện tăng theo. Các hộ không sử dụng máy lạnh thì chi phí không thay đổi nhiều.

Giải thích về độ chính xác của công tơ điện và ghi chỉ số điện, EVN cho biết các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa.

Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm máy tính bảng có tính năng cảnh báo vượt sản lượng, phát hiện số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra, đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót.

EVN cũng cho biết các công tơ, điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định. Các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành điện lực thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.

LÂM HOÀNG (t/h)

/hoa-don-tien-dien-tang-bat-thuong-evn-noi-gi.html