/ Đời sống - Xã hội
/ Thừa Thiên – Huế khắc phục hậu quả do mưa lũ, kịp thời cứu trợ cho người dân

Thừa Thiên – Huế khắc phục hậu quả do mưa lũ, kịp thời cứu trợ cho người dân

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đề nghị các sở ngành, địa phương tập trung triển khai các phương án khắc phục thiệt hại do mưa lũ, kịp thời cứu trợ, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng bị chia cắt, không để người dân nào phải thiếu đói, rét, công tác khắc phục, cứu trợ phải đảm an toàn toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Thừa Thiên – Huế khắc phục hậu quả do mưa lũ, kịp thời cứu trợ cho người dân.

Sáng ngày 19/10, ông Phan Ngọc Thọ đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các sở ngành, địa phương về công tác ứng phó và khắc phục hậu quả lũ lụt. Trước khi bắt đầu cuộc họp, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở ngành, địa phương tại các điểm cầu đã dành 1 phút mặc niệm tưởng nhớ 13 liệt sĩ đã hy sinh tại Tiểu khu 67, Trạm kiểm lâm sông Bồ để bày tỏ lòng thành kính, nghiêng mình trước hành động dũng cảm của các chiến sỹ khi tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong đợt mưa lũ (từ ngày 6-17/10), toàn tỉnh đã di dời, sơ tán 12.075 hộ/37.190 khẩu, đến chiều 16/10, các hộ dân đã cơ bản về nhà, chỉ còn lại một số hộ neo đơn, già yếu và các đối tượng dễ bị tổn thương tiếp tục ở lại các khu an toàn phòng chống mưa lũ trong những ngày tới.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ đã làm 27 người chết (12 người chết do mưa lũ, 2 công nhân nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, 13 người trong đoàn công tác tại khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Tiểu khu 67), mất tích 15 người tại nhà máy thủy điện Rào Trăng 3; 13 người bị thương.

Tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỉ đồng.

Mưa lũ làm hàng chục ngôi nhà sập và hư hỏng; gần 85.000 nhà dân ngập trong nước. Nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hàng ngàn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng… Tổng thiệt hại do mưa lũ đến nay khoảng 1.126 tỉ đồng.

Để đảm bảo công tác hỗ trợ, tìm kiếm cứu nạn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã huy động 100% cán bộ, chiến sĩ, lực lượng, phương tiện phục vụ công tác ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn cho người dân, tìm kiếm người bị mất tích, khắc phục khẩn cấp các thiệt hại. 

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã cấp cho Thừa Thiên - Huế 1.000 tấn gạo cứu đói ban đầu. Ủy ban MTTQ đã tiếp nhận từ các nguồn hỗ trợ hơn 25 tỉ đồng và đã có hàng chục ngàn suất quà về với người dân vùng lũ. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả; đồng thời, tổ chức cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng nặng của mưa bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh, những ngày tới, mưa lũ còn diễn biến phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại Thừa Thiên - Huế ở mức cao. Qua đó, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục theo dõi và cập nhật diễn biến mới của thời tiết, triển khai hàng loạt các giải pháp, nhiệm vụ để hạn chế thiệt hại, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Trong đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước. Đề nghị các địa phương lưu ý, vận dụng linh hoạt phương án “4 tại chỗ” trong phòng chống, khắc phục bão lụt, phát huy vai trò của công tác tự quản tại chỗ. Khẩn trương rà soát, có phương án tối ưu về lực lượng, phương tiện tại chỗ, cơ số thuốc men, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, lương thực thực phẩm cho người dân vùng sạt lở, vùng chia cắt, vùng có nguy cơ cao.

Tổ chức cứu trợ lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là đối với những hộ dân bị mất nhà cửa, những hộ ở vùng ngập sâu chia cắt dài ngày; tuyệt đối không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống, không có chỗ ở.

“Khẳng định chính quyền không thiếu lương thực, thực phẩm để hỗ trợ trong và sau lũ lụt cho người dân. Làm sao công tác hỗ trợ phải đảm bảo công bằng, công khai, hiệu quả”. Bên cạnh đó, kịp thời triển khai công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trong đó tập trung hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa; dọn vệ sinh môi trường; tiêu độc khử trùng, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ”. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tặng quà hỗ trợ cho những hộ dân bị ảnh hưởng do lũ lụt.

Về cứu hộ cứu nạn người bị nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3, ông Phan Ngọc Thọ cho biết đã tổ chức 1 trạm đo ở Phong Xuân để thường xuyên cập nhật về thời tiết, hỗ trợ cho công tác cứu nạn cứu hộ số công nhân đang mất tích. Các lực lượng đã tiếp cận và xác định một số điểm nghi vùi lấp các nạn nhân. Đồng thời, ông Phan Ngọc Thọ cũng chỉ đạo các lực lượng tiếp tục tiếp cận Rào Trăng 3, vận chuyển lương thực và tiếp tục xác định các vị trí sạt lở nghi có người bị vùi lấp phục vụ cho công tác cứu nạn cứu hộ trong thời gian tới. 

HOÀNG NGHĨA

/hang-tram-nguoi-truc-chien-thuc-hien-cong-tac-tim-kiem-nhung-nan-nhan-o-rao-trang-3.html