/ Pháp luật - Đời sống
/ Thừa Thiên - Huế: Thượng sĩ Công an tiếp tục kêu oan

Thừa Thiên - Huế: Thượng sĩ Công an tiếp tục kêu oan

05/06/2024 15:27 |

(LSVN) - Có những bản án phúc thẩm tuyên bị cáo tâm phục khẩu phục, nhưng có những bản án tuyên mặc dù án có hiệu lực nhưng bị cáo vẫn tiếp tục kêu oan. Bản án số 128/2024/HS-PT ngày 11/4/2024 của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Đà Nẵng nằm trong số đó.

Đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm của Nguyễn Ngọc Hải Đăng.

Theo bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên:

Áp dụng khoản 3, khoản 4, Điều 356; khoản 2, Điều 51 và điểm g, khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự, xử phạt “Nguyễn Ngọc Hải Đăng 08 (tám) năm tù” về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Án sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế số 59/2023/HS-ST ngày 04/8/2023 xử phạt bị cáo 10 năm tù với cùng tội danh. 

Sau khi án sơ thẩm tuyên, bị cáo kháng cáo kêu oan, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã bác kháng cáo của bị cáo nhưng giảm cho bị cáo 02 năm tù. Vụ án liên quan đến những bị cáo khác về việc “làm mộ giả để nhận tiền bồi thường”. Theo đó bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã quy buộc Nguyễn Ngọc Hải Đăng – Thượng sĩ Công an Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP. Huế nhận mỗi ngôi mộ giả số tiền 50.000 đồng (năm mươi nghìn đồng), tổng số nhận 50.300.000 đồng để bỏ qua hành vi làm mộ giả của các bị cáo khác từ đó chiếm đoạt tiền bồi thường trên 1,6 tỉ đồng.

Sau khi bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên giảm án 02 năm tù cho bị cáo, thì ngày 14/5/2024 Nguyễn Ngọc Hải Đăng có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi Chánh án TAND Tối cao, theo đó bị cáo tiếp tục cho rằng “bị kết án oan”.

Luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm cũng có kiến nghị, đề nghị giám đốc thẩm một phần bản án phúc thẩm và án sơ thẩm liên quan đến bị cáo Nguyễn Ngọc Hải Đăng, kiến nghị của Luật sư nêu rõ:

Về tố tụng: Có căn cứ pháp lý để xác định bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế và quá trình điều tra vụ án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như việc xác định tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa phù hợp trong trường hợp xác định bị cáo “có tội”. Quá trình điều tra vụ án không đầy đủ, không xác định được số tiền mà bị cáo nhận, địa điểm nhận tiền, không tổ chức thực nghiệm điều tra để xác định lời khai của các bị cáo khác đưa tiền cho Nguyễn Ngọc Hải Đăng có đúng hay không.

Về nội dung: Việc tuyên bị cáo Nguyễn Ngọc Hải Đăng phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là chưa đầy đủ căn cứ pháp lý vững chắc bởi lẽ “chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong khi đó lời khai mâu thuẫn về số tiền đưa, địa điểm đưa tiền, thời gian đưa tiền đều không rõ ràng, lúc khai đưa 120.000.000 đồng, lúc khai đưa 50.300.000 đồng. Mặt khác, lời khai của các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không mang tính khách quan khi họ khai để giảm tội cho mình, đặc biệt là theo báo cáo của Công an TP. Huế thì chính Nguyễn Ngọc Hải Đăng là người đã kiên quyết đấu tranh loại các ngôi mộ giả.

Với các vi phạm về tố tụng và nội dung, Luật sư đề nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao xem xét trong phạm vi thẩm quyền để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đối với Nguyễn Ngọc Hải Đăng để điều tra lại.

PV

Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình đề nghị xử lý hành vi xúc phạm Đức Phật trên mạng xã hội

Nguyễn Hoàng Lâm