/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Từ pháp lệnh đến dự thảo luật

Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Từ pháp lệnh đến dự thảo luật

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Pháp điển hóa Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở thành luật là nhu cầu cấp thiết sau hơn 10 thực hiện. Trong quá trình pháp điển, bên cạnh việc khẳng định những thành công là việc phải hoàn thiện lại những cơ sở lý luận cho pháp luật. Đó là việc chính xác hóa pháp luật, dân chủ ở cơ sở không đồng nghĩa với xã, phường, thị trấn, cũng như không đồng nghĩa với pháp luật ở các cơ quan nhà nước và các thiết chế chuyên biệt khác của xã hội, mà chỉ đồng nghĩa với thôn, làng, ấp, khối phố, tổ dân phố, cụm dân cư,…

Ảnh minh họa.

Cơ sở xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Trước khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chưa có một thể chế dân chủ chính thức nào, mà chỉ tồn tại những giá trị dân chủ nhất định thể hiện trong những không gian mang tính chất “dân chủ làng xã”. Tuy nhiên, ước vọng về dân chủ và thực hiện dân chủ luôn là chủ đề nhận thức của các nhà tư tưởng trong các phong trào cách mạng về giải phóng dân tộc. Điều này đã thể hiện rõ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tư tưởng về một nền dân chủ đích thực, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, xem dân chủ như là phương cách hữu hiệu để đem lại tự do, hạnh phúc, cơm ăn, áo mặc cho người dân, đem lại sự phát triển phồn vinh và ổn định cho đất nước… “Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân”.., “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “quyền hành”, “trách nhiệm, lực lượng” là “của dân”, “đều ở nơi dân” là những thuật ngữ luôn luôn vang vọng trong các bài phát biểu và trong tác phẩm của Hồ Chí Minh.

Xuất phát từ những tư tưởng nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu: “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài đem lại lợi ích cho nhân dân. Dân chủ là động lực và mục tiêu phấn đấu của Đảng”. Vì vậy, trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đã khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Văn kiện các Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII của Đảng luôn khẳng định nhất quán quan điểm về việc xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã chỉ ra tiêu chí, mô hình nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Mô hình này rõ nét hơn trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011): “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ”.

Việc ban hành Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở là một thành công lớn về mặt nhận thức thực tế dân chủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong điều kiện một Đảng cầm quyền, tính toàn trị là rất cao, việc ban hành và thực hiện dân chủ ở tận cơ sở là rất sáng tạo và có tính đột phá, góp phần thực hiện tốt câu nói dân dã và cũng rất dễ hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. thật giản dị: “Dân chủ, nghĩa là để cho dân mở miệng ra”.

Chỉ ngay sau thời gian ngắn xảy ra những sự việc phức tạp ở nông thôn Thái Bình, ngày 18/2/1998, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ thị nêu rõ: “... Khâu quan trọng và cấp bách trước mắt là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Muốn vậy, Nhà nước cần ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở có tính pháp lý, yêu cầu mọi người, mọi tổ chức ở cơ sở đều phải nghiêm chỉnh thực hiện. Quy chế dân chủ cần được xây dựng cho từng loại cơ sở...”.

Thể chế hóa nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị, UBTV Quốc hội khóa X đã ban hành Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 26/02/1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.  Sau khi Nghị quyết số 45/1998/NQ-UBTVQH10 được thông qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 về Quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã. Với sự ra đời của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, Nhà nước Việt Nam đã tạo ra một công cụ pháp lý về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trao cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở những quyền dân chủ thực sự, bao gồm: quyền được biết các nội dung liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ở cơ sở; quyền được bàn và quyết định trực tiếp, bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định đối với những vấn đề quan trọng của địa phương; quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; quyền giám sát đối với tất cả các nội dung mà nhân dân được công khai để biết, được tham gia ý kiến và quyết định trực tiếp. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát huy dân chủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với tiến trình phát triển Việt Nam. Do đó, năm 2007, UBTV Quốc hội khóa XI đã thông qua Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thay thế Nghị định số 79/2003/NĐ-CP.

Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn số 34/2007/PL-UBTVQH11 (Pháp lệnh 34) gồm 6 chương, 28 điều, là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất từ trước đến nay và có phạm vi điều chỉnh toàn diện hơn về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định các vấn đề cơ bản như: nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cấp xã; trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cấp xã; các hành vi bị nghiêm cấm; những nội dung công khai để nhân dân biết và hình thức công khai; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và những nội dung nhân dân tham gia giám sát.

Qua hơn 20 năm triển khai chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở (1998-2019) đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống chính trị - xã hội của Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở. Có thể thấy, pháp luật hiện hành về thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định khá đầy đủ, chi tiết về các nội dung: trách nhiệm của người đứng đầu trong việc công khai, minh bạch các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của cơ quan, đơn vị đến người lao động; trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện dân chủ đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật; những vấn đề người dân được biết, được thực hiện, được quyết định bảo đảm quyền dân chủ của mình.

Cho đến hiện nay, ngay ở chính Thái Bình, nơi đã từng phát sinh ra sự kiện biểu tình của 43.000 nông dân dưới sự lãnh đạo của nhóm cựu chiến binh - công chức, với mục tiêu cáo buộc các cán bộ, công chức địa phương tham nhũng, vi phạm dân chủ và công bằng xã hội (khoảng tháng 4 - tháng 8 năm 1997), việc thực hiện những nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp được thực hiện rất nghiêm túc. Hầu hết các thôn, tổ dân phố thực hiện quy trình trưởng thôn, tổ trưởng dân phố xây dựng kế hoạch, phương pháp tổ chức thực hiện báo cáo ban chi ủy; ban chi ủy đưa ra chi bộ lấy ý kiến và thống nhất thành nghị quyết.

Sau đó, lại đưa ra hội nghị họp thôn, tổ dân phố và phát phiếu lấy ý kiến nhân dân. Nhiều xã, phường đã tổ chức các cuộc họp để nhân dân thảo luận và tham gia ý kiến đối với những việc khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp quyền lợi của nhân dân, đòi hỏi sự dân chủ trong bàn bạc và đạt được thống nhất cao. Xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ tổ chức phát phiếu lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân trong bình xét hộ nghèo. Xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy tổ chức họp dân, bàn và quyết định mức đóng góp quỹ khuyến học, quỹ vệ sinh môi trường. Xã Tây Giang, huyện Tiền Hải có sáng kiến ngoài thông báo trên loa phóng thanh xã, còn phát giấy mời đến từng hộ, người dân thấy được tôn trọng cho nên số lượng dự họp luôn đạt hơn 90%.

Công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân cũng được đổi mới. Phường Phú Khánh, TP. Thái Bình khi triển khai giải phóng mặt bằng, có nhiều khiếu nại của nhân dân. Để giải quyết dứt điểm, Đảng ủy phường chỉ đạo quyết liệt việc họp dân, lấy ý kiến nhân dân, tăng cường đối thoại với dân để giải đáp thắc mắc. Trong năm 2016, phường tổ chức hơn mười cuộc họp dân với tỉ lệ nhân dân tham gia đạt 90%. Cùng với đó, phường thực hiện 11 cuộc giám sát các công trình xây dựng việc tăng cường đối thoại với nhân dân cũng đã giúp xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ hòa giải thành công 80% số vụ việc vướng mắc ngay từ cơ sở.

Việc sửa đổi, pháp điển phải bắt đầu bằng nhận thức

Dân chủ phải gắn liền với lãnh thổ và cộng đồng dân cư, làng, bản, thôn, buôn, sóc, phun, tổ dân phố, khu phố, cụm dân cư, chung cư

Thuật ngữ dân chủ như đã được nêu ở phần trên thường được các nhà chính trị, luật học gọi là mô hình chính thể nhà nước, mà ở đó quyền lực thuộc về nhân dân, một mô hình đối nghịch với chế độ quân chủ - quyền lực nhà nước thuộc về nhà vua. Như vậy về cơ bản, dân chủ là mô hình tổ chức nhà nước hiện đại ở tầm trung ương, chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân với một lãnh thổ và cộng đồng dân cư thống nhất. Mô hình trực tiếp như đã có ở Athen, với những đặc điểm quốc gia không thể có như điều kiện hiện nay: Dân số ít, lãnh thổ không rõ ràng, quá hẹp. Trải qua các thế kỷ tiếp theo, dân chủ trực tiếp được chuyển thành dân chủ đại diện. Người dân bỏ phiếu bầu ra những người đại diện, thay mặt người dân để giải quyết các công việc của nhà nước. Đó là hình thức nhà nước dân chủ của nhà nước thuộc Bắc Âu, mà người Hy Lạp, La Mã cổ đại không thể hình dung ra. Cuối cùng, mô hình dân chủ đại diện - là một hình thức tổ chức phổ biến của các nhà nước hiện đại, kể cả mô hình của chính thể Tổng thống cộng hòa Mỹ quốc.

Do vậy, khái niệm cùng nội hàm của dân chủ thời hiện đại được mau chóng mở rộng ra cho tất cả các cấp chính quyền địa phương, nhất là ở các cấp chính quyền cơ sở. Như vậy, dân chủ ở nghĩa hẹp nhất phải gắn với lãnh thổ và cư dân ở tầm quốc gia hoặc chí ít là ở tầm địa phương, trong đó có ở tầm chính quyền địa phương cấp cơ sở. Với những nguyên tắc đó, những lãnh thổ và quần cư tương ứng có những chủ quyền nhất định, mà quyết định của chúng có quyền lực chính quyền nhất định gần giống và tương tự như chủ quyền quốc gia, ở địa phương gắn với quyền tự quản, tự trị, đành rằng chính quyền địa phương vẫn phải tuân theo các quy tắc của chính quyền Trung ương.

Vì lẽ đó, dân chủ của chính quyền cơ sở thể hiện như ở cấp trung ương: Có cơ quan quyết định - lập pháp, cơ quan thực hiện quyết định - hành pháp địa phương và có thể có cả thể chế tư pháp giải quyết các mâu thuẫn ở địa phương trong những trường hợp đặc biệt.

Tổ chức chính quyền địa phương phụ thuộc vào nhiều thứ, nhưng trước hết vào việc hình thành ra các lãnh thổ hành chính trực thuộc. Các đơn vị lãnh thổ địa phương trên thế giới hiện nay được hình thành theo 2 nguyên tắc cơ bản: tự nhiên và nhân tạo.

Lãnh thổ hành chính tự nhiên tức là lãnh thổ hình thành một cách tự nhiên. Nhà nước phải công nhận các ranh giới hình thành một cách tự nhiên theo các đặc điểm dân cư, địa lý, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa và lịch sử... Đó là các cộng đồng dân cư bền vững, nhà nước buộc phải thừa nhận trong quá trình thực hiện sự cai trị - quản lý của mình trên toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Ví dụ như các Commun của các nước phương Tây, xã, làng ở các nước phương Đông (Việt Nam), các thành phố, cho dù những thành phố rất lớn, rất đông dân, cũng như những thành phố rất nhỏ kể cả về mặt dân cư, lẫn lãnh thổ trực thuộc...

Thường những đơn vị lãnh thổ này là những đơn vị lãnh thổ cơ sở, nhà nước không nên chia nhỏ ra thành nhiều đơn vị cơ sở khác, trừ những trường hợp đặc biệt. Việc tổ chức quản lý những vùng lãnh thổ này cần thiết phải tính đến nguyện vọng và ý chí của cộng đồng dân cư. Vì vậy, tham gia vào cơ chế vận hành bộ máy chính quyền địa phương, ngoài các cơ quan quản lý còn có cả các cơ quan do dân cư hợp thành trực tiếp hoặc gián tiếp bầu ra. Việc tổ chức chính quyền ở đây mang nhiều tính chất tự quản, tự trị. Chính tính chất tự quản tự trị thể hiện tính dân chủ của các chính quyền địa phương của các nước phát triển.

Khác với các đơn vị hành chính tự nhiên, các đơn vị lãnh thổ - hành chính nhân tạo là những đơn vị được nhà nước trung ương chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính trực thuộc theo nhu cầu quản lý hay còn được gọi là nhu cầu “cai trị” của Trung ương Đối với các lãnh thổ hành chính nhân tạo, việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan địa phương chủ yếu để thực hiện chức năng quản lý. Trong nhiều nền hành chính hiện nay đã bỏ qua những ranh giới “cổ truyền”, kể cả những ranh giới chính trị, trong việc thi hành các nhiệm vụ mới. Một số các khu vực lãnh thổ hành chính được thành lập để thực hiện các công việc hành chính được thuận lợi hơn. Ví dụ, như các khu bầu cử, khu tư pháp, khu thu thuế, khu cảnh sát, khu phòng hỏa, khu học đường...

Ở Việt Nam, làng xã là một thực thể rất đặc biệt và thống nhất. Nó có đầy đủ các bộ phận để hoạt động, để “sống” và tự bảo vệ mình khỏi xâm nhập từ bên ngoài. Nhiều người cho rằng làng là một cơ thể trọn vẹn, gần như một con người. Trong cơ thể người trọn vẹn đó, không những có ẩn giấu một linh hồn, một tâm lý ý thức cộng đồng, mà còn có một cá tính riêng, nghĩa là một đặc sắc riêng về tính cách. Mỗi làng không những có một địa vực riêng mà còn có một tín ngưỡng riêng, luật lệ riêng, nhiều nét văn hóa khác nhau… Có thể thấy tác dụng tích cực nhất của tính tự trị làng xã là làm cho nội bộ làng xã có một sự cố kết chặt chẽ mà khó có thế lực nào có thể phá vỡ. Nó làm nên sức sống lâu bền của làng. Điều này có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn lao, thể hiện rõ nhất là khi đất nước bị nạn ngoại xâm, các đô thị nhanh chóng rơi vào tay giặc, nhưng làng thì không. Có thể nói mỗi làng xã Việt Nam là một pháo đài kiên cố chống giặc. Làng xã hoàn chỉnh như một cơ thể. Cơ thể này không những có “cá tính” mà nó còn biết và chủ động tự bảo vệ mình khỏi các thế lực khác.

Ngay từ khi mới đặt nền đô hộ tại Việt Nam, các nhà cầm quyền người Pháp đã chú trọng ngay đến việc tổ chức chính quyền cấp xã và thấy tầm quan trọng của vấn đề quản trị làng xã này. Piere Pasquier, Toàn quyền Đông Dương nhận định: “Xã họp thành một khối, hoàn bị đến nỗi người ta không thể sửa đổi một điểm nhỏ nào... Chúng ta không có ích lợi gì mà đả phá trực tiếp hoặc gián tiếp một cơ quan hiện là một lợi khí màu nhiệm miễn ta nên để nó nguyên vẹn và tôn trọng các hình thức của nó”.

Lúc bấy giờ làng xã như là một cấp dưới của chính quyền cấp cơ sở, chưa trở thành cấp của chính quyền phong kiến và thực dân. Vì vậy dân chủ ở cấp địa phương tức là nói đến dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn, mà được Pháp lệnh 34 phân thành những vấn đề dân tự quyết định; dân tham gia để các cơ quan nhà nước khác quyết định; dân kiểm tra, giám sát là rất đúng cần phải nhắc lại các quy định này trong dự thảo Luật. Nhưng điểm phải sửa ở đây là những vấn đề mà dân đã quyết định đúng thuộc thẩm quyền của họ thì không nên cần phải có sự phê chuẩn của cấp trên. Ví dụ như việc thông qua các quy chế hương ước, bầu ra các chức sắc như trưởng thôn, trưởng xóm. Dân chủ rất gắn liền với quyền quyết định, nên giành quyền này cho người dân.

Khái niệm cơ sở ở đây chính là các thôn, làng, bản, sóc, phun, ấp, tổ dân phố, khu chung cư… nơi đô thị, tức là nơi cấp dưới xã, phường, thị trấn. Chính xã, phường, thị trấn đã được pháp luật thừa nhận là cấp chính quyền thì cũng không nên liệt kê vào trong khái niệm dân chủ ở cơ sở.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cần phải kiên định thế nào là dân chủ như tiêu chí của thời Hy Lạp cổ đại. Dân chủ được hiểu như là một hình thức tổ chức nhà nước khác với quân chủ, và trở thành phổ biến như hiện nay, vì nó đỡ hại hơn chế độ quân chủ. Sang thời cận hiện đại, hình thức này không chỉ dừng lại ở cấp nhà nước, mà còn được triển khai xuống các khu vực địa phương, thậm chí với các địa phương bằng mô hình chính quyền địa phương và dưới địa phương tự quản. Nhưng cho dù ở trung ương và địa phương phải tập hợp được ít nhất 02 điều kiện: (i) phải là có một vùng lãnh thổ nhất định và (ii) lượng cư dân nhất định. Tức là chúng phải có mức độ ổn định tương đối như vậy, về lượng cư dân và lãnh thổ  thể hiện được tính tự quyết, tự quản nào đó.

Dưới đây là một số biểu hiện không phải dân chủ ở cơ sở theo o2 tiêu chí trên của pháp luật dân chủ cơ sở hiện hành của chúng ta:

Dân chủ ở cơ sở không gắn liền với xã, phường, thị trấn

Xã, phường, thị trấn là một cấp chính quyền hoàn chỉnh, nơi không những chỉ có cơ quan quyết định, mà còn có cả cơ quan chấp hành của cơ quan quyết định và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Mọi quyết định ở thực thể này đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Trong trường hợp xã, phường, thị trấn không đảm đương được những trách nhiệm thẩm quyền đã được quy định của pháp luật, thì phải thay đổi có thể là chủ trương, có thể cả con người  qua các kỳ họp, hoặc là cả chủ trương và con người qua các khóa bầu cử đại biểu HDND của người dân địa phương. Cho nên, việc ép xã, phường, thị trấn phải thực hiện dân chủ ở cấp họ là trùng lắp với pháp luật về chính quyền địa phương, gây nên sự chồng chéo pháp luật.

Vì vậy, khía niệm dân chủ ở cơ sở ở đây phải được dùng dưới cấp xã, phường, thị trấn, tức là phải ở thôn, làng, bản, ấp, phun, sóc, tổ dân phố, nhà chung cư. Cái này rất phù họp với sự kiện ở Thái Bình đã xảy ra.

Dân chủ ở cơ sở không gắn liền với với cơ quan nhà nước và các thiết chế chuyên biệt khác

Song song với việc ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh các hoạt động của dân chủ ở cơ sở ở các cấp xã, phường, thị trấn, là việc các cơ quan, tổ chức ban hành các băn bản khác điều chỉnh hoạt động dân chủ ở cơ sở các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội kèm theo. Đối với khối cơ quan nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện dân chủ ở cơ sở được thể hiện ở Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ quy định về Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ quan hành chính, Chỉ thị số 38/1998/CT-TTg ngày 11/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Thông tư liên tịch số 09/1998/TTLT-TCCP-LĐLĐ ngày 04/12/1998 hướng dẫn về tổ chức và nội dung hội nghị cán bộ trong cơ quan, Quyết định số 11/1998/QĐ-TCCP-CCVC của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ ngày 05/12/1998 kèm theo Quy chế đánh giá công chức hàng năm.

Đối với khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, cho đến nay vẫn thực hiện theo Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08/9/1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan).  Đối với các loại hình đơn vị kinh tế cũng có các văn bản điều chỉnh hoạt động này, như: Nghị định số 07/1999/NĐ-CP ngày 13/02/1999 của Chính phủ quy định về Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và được bổ sung thêm Nghị định số 87/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Ở đây cần phải có điểm lưu ý nhưng lại rất quan trọng là dân chủ không gắn với các cơ quan hành chính, với doanh nghiệp và với các tổ chức xã hội khác. Bởi vì các thể chế này không gắn liền với lãnh thổ và không gắn liền với cư dân, mà trong tổ chức và hoạt động của chúng cần tuân theo điều lệ cùng với những hợp đồng lao động giữa người đứng đầu thể chế với các thành viên của họ - mang tính dân sự, mà không phải là chính trị - hành chính trực thuộc.

Có chăng thì, các cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị - xã hội phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên trực thuộc hoàn thành tốt các nghĩa vụ trách nhiệm tại các tụ điểm cư dân của họ. 

Khi quy định về việc thực hiện dân chủ ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, các văn bản quy định đã bỏ đi mất phần các vấn đề quyết định của người dân. Đó là điều đương nhiên vì các thành viên ở các thiết chế này không có quyền này. Vì vậy, khi khái quát về quyền dân chủ ở các cơ sở này chỉ còn lại ở 03 quyền “dân biết, dân làm, dân kiểm tra”, thiếu đi cái quan trọng nhất của dân chủ là dân quyết định. Vì sao vậy, vì rằng, nếu như dân quyết định thì mục tiêu, vai trò cùng chức năng của những thiết chế trên không còn tồn tại.

Kết luận

Sau hơn 10 năm thực hiện Pháp lệnh 34 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, việc pháp điển vấn đề dân chủ ở cơ sở thành luật là nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên trong quá trình phát điển đó, bên cạnh việc khẳng định những thành công của Pháp lệnh là việc phải hoàn thiện lại những cơ sở lý luận cho pháp luật. Đó là việc thay đổi phạm vi điều chỉnh cùng với việc chính xác hóa pháp luật, cụ thể là Luật này chỉ điều chỉnh hoạt động tự quyết của các cụm dân cư dưới cấp xã, phường như bản, thôn, làng, phun, sóc, ấp, chung cư, tổ dân phố… mà loại đi những quy định dân chủ ở cơ sở đối với các cơ quan nhà nước cùng các thiết chế chuyên biệt khác của xã hội.              

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, ST, 1986, T6.

2. Đỗ Lai Thúy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Tri thức, 2011.

3. The Elements of Political Science by Alfred de Grazia. Copyright 1959 by Princeton, New Jersey.

4. L'Annam d'autrefois 1907 p.63.

5. Lê Thị Lan, Tư tưởng làng xã ở Việt Nam.

6. Nguyễn Thị Phượng, Quá trình hình thành và phát triển pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước, tháng 1 năm 2020.

7. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 3-2015.

8. Tô Nam và Văn Toán, Thái Bình nâng cao chất lượng thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Nhân dân điện tử, ngày 17/2/2017.

9. Vũ Thị Thu Hà, Một số vấn đề dân chủ và pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam, Tạp chí Quản lý nhà nước, tháng 10 năm 2019.

Giáo sư, Tiến sĩ NGUYỄN ĐĂNG DUNG

Bắt giữ Giám đốc CDC tỉnh Đồng Tháp liên quan vụ Việt Á

Lê Minh Hoàng