/ Hoạt động Luật sư
/ Thực trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư

Thực trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Thực tiễn hoạt động nghề nghiệp Luật sư trong thời gian qua, việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp có chiều hướng gia tăng, cá biệt có Luật sư bị khởi tố, bắt tạm giam do vi phạm pháp luật hình sự. Để đáp ứng yêu cầu “Giám sát bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của Luật sư”, ngày 16/10/2022, tại thành phố Hồ Chí Minh, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tổ chức hội nghị liên quan đến lĩnh vực này.

Hội nghị với sự chủ trì của Luật sư Nguyễn Thế Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban Khen thưởng, kỷ luật cùng sự điều hành của Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư, Tiến sĩ Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Luật sư Nguyễn Hải Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Đối với các Đoàn Luật sư từ Đà Nẵng đến Cà Mau cử hai Luật sư tham gia hội nghị, gồm một đại diện cho Ban Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực khen thưởng kỷ luật và một Luật sư trong Ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư. 

Số liệu thống kê của Liên đoàn Luật sư Việt Nam kể từ năm 2009 đến năm 2022 cho thấy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được 1800 trường hợp khiếu nại, tố cáo liên quan đến Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, Ban Chủ nhiệm và thành viên Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư. Tuy nhiên, đa số đơn khiếu nại vượt thẩm quyền, không đúng thẩm quyền, chỉ khoảng 250 trường hợp là thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Khách hàng của Luật sư khiếu nại, tố cáo liên quan đến các lĩnh vực thực hiện hợp đồng dịch vụ pháp lý, không hài lòng về chất lượng công việc mà Luật sư đã thực hiện so với số tiền mà tổ chức hành nghề Luật sư đã nhận từ khách hàng, việc Luật sư hứa hẹn kết quả vụ việc sau đó không thực hiện được, khách hàng đòi lại một phần thù lao mà họ đã thanh toán theo hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký.

Một số trường hợp do cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản gửi Liên đoàn yêu cầu xử lý Luật sư tham gia tố tụng khi có những ứng xử thiếu chuẩn mực, gần đây có suất hiện tình trạng phát ngôn trên mạng xã hội không đúng, thậm chí vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, gây hậu quả xấu đối với lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội và cá nhân, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Luật sư. 

Theo ghi nhận từ báo cáo của các Đoàn Luật sư từ năm 2009 đến tháng 6/2021, các Đoàn Luật sư đã xử lý 650 trường hợp, trong đó áp dụng hình thức cao nhất là “xóa tên” đối với khoảng 500 Luật sư, có hai Đoàn Luật sư là thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội chiếm số lượng lớn khoảng 400 Luật sư.

Đáng quan tâm là phần lớn (khoảng 300 Luật sư) bị kỷ luật do không đóng phí thành viên 18 tháng liên tục, còn lại là các vi phạm khác.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận tâm huyết của các thành viên tham dự từ các Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố phía Nam. 

Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp của các Luật sư tham gia hội nghị. Đồng thời, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh thời gian sắp tới các Đoàn Luật sư, Ban Chủ nhiệm cũng như Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư. Tuy nhiên, song song cũng kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến đạo đức nghề nghiệp của Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư để ngày càng nâng cao vị thế, hình ảnh của nghề nghiệp Luật sư trong xã hội.

NGUYỄN THÀNH

Trung thực trong nguyên tắc hành nghề của Luật sư

Lê Minh Hoàng