/ Góc nhìn
/ Thuốc dùng cho người

Thuốc dùng cho người

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Những gì đang xảy ra ở ngành Y vậy? Dư luận đặt câu hỏi và tự trả lời bằng sự ngao ngán trước sự xuống cấp trầm trọng của y đức, biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau và phổ biến trên diện rộng. Người lãnh đạo ngành Y vô can trong chuyện này ư?

Ảnh minh họa.

Việc kỷ luật, đề nghị kỷ luật và cả khởi tố các cán bộ lãnh đạo (con số là 13 người) thuộc Bộ Y tế làm rúng động cả ngành này. Tuy nhiên, dư luận xã hội thì mong chờ động thái này từ các cơ quan có chức năng quản lý cán bộ đã từ lâu và không lấy làm lắm bất ngờ với việc này.

Đây là những diễn biến tiếp theo, ắt phải xảy ra từ khi vụ án buôn bán thuốc giả tại Công ty Dược VNPharma bị khởi tố. Vụ án này cũng khá trắc trở để tiếp cận sự thật và công lý. Án sơ thẩm vào năm 2017 chỉ cáo buộc tội danh "Buôn lậu" với các bị cáo. Viện Kiểm sát kháng nghị hủy án điều tra lại. Xét xử phúc thẩm lần 2 vào năm 2020, các bị cáo bị buộc tội chính xác là "Buôn bán hàng giả" là thuốc chữa bệnh và một số những cán bộ và lãnh đạo Cục quản lý Dược Bộ Y tế vướng vào lao lý khi bị nhận diện là đã cấp phép cho nhập khẩu và lưu hành loại thuốc chữa ung thư mà “không dùng cho người” này (kết luận giám định dùng cụm từ đó).

Kẻ đứng đầu vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh đã phải chịu mức án 17 năm tù nhưng dư luận thực sự chưa nguôi ngoai, đòi hỏi phải đi đến cùng sự thật, không bỏ lọt những người đứng sau, chống lưng cho việc kinh doanh vô lương này. Có nhiều nguyên nhân và có cơ sở để dư luận nghi ngờ khi ngay trong quá trình diễn tiến của vụ án này đã xuất hiện những lời nói dối hoặc biểu hiện coi thường pháp luật hay sự thăng tiến của những người “tay đã nhúng chàm”.

Tuy nhiên, vụ án VNPharma này chỉ là một tia lửa nhỏ trên cánh đồng đầy rơm rạ khô và cả củi gộc mà nhiều người muốn khoanh vùng, dập lửa. Thật khó khăn cho sự ngăn chặn đó, bởi hàng loạt các việc làm khuất tất, trái y đức, vô lương tâm trong ngành Y bị phanh phui. Ở các địa phương với việc đấu thầu mua sắm thiết bị mờ ám của các Sở Y tế bị báo chí điều tra và buộc các cơ quan pháp luật phải vào cuộc làm rõ. Việc “thổi” giá thiết bị y tế có cơ hội bùng phát khi đại dịch Covid-19 tràn đến và các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) ở một số địa phương đã chớp thời cơ rất nhanh để "ních" đầy túi tham cho dù đã có tấm gương cảnh tỉnh khổng lồ là Giám đốc CDC TP. Hà Nội phải nhận mức án 10 năm tù về việc “thổi giá” này. Hành vi “ăn trên lưng người bệnh” diễn ra ở quy mô lớn và tại các bệnh viện lớn. Hành vi này đã được làm rõ qua các vụ án đình đám ở Bệnh viện Tim hoặc Bệnh viện Bạch Mai với những bác sỹ tên tuổi trở thành bị cáo.

Những gì đang xảy ra ở ngành Y vậy? Dư luận đặt câu hỏi và tự trả lời bằng sự ngao ngán trước sự xuống cấp trầm trọng của y đức, biểu hiện ở nhiều cấp độ khác nhau và phổ biến trên diện rộng. Người lãnh đạo ngành Y vô can trong chuyện này ư?

Trở lại với vụ án VNPharma – nguồn cơn để cơ quan bảo vệ pháp luật tìm ra những bị can tiềm năng còn giấu mặt, ngoài đương kim Thứ trưởng Bộ Y tế vừa bị khởi tố. Chẳng hạn, việc cấp phép nhập và lưu hành thuốc ung thư giả đều diễn ra “đúng quy trình” hẳn phải có những văn bản “mở đường”, tạo lỗ hổng luật pháp để việc này trót lọt. Chẳng hạn, những sai lệch so với Nghị định của Chính phủ quản lý lĩnh vực Dược trong Thông tư hướng dẫn thi hành của Bộ Y tế, đối chiếu các văn bản này thời kỳ đó thì sẽ ra ngay kẻ “tham nhũng chính sách”, tạo điều kiện cho “con voi chui lọt lỗ kim” và nhất quyết không thể có sự vô can ở đây.

Phải thế và có thế thì nhân dân ta mới được chữa bệnh bằng “thuốc dùng cho người”! 

NHỊ NGỌC

 Coi thường pháp luật

Lê Minh Hoàng