/ Tin tức
/ Tiến độ lập quy hoạch chậm so với yêu cầu của Quốc hội

Tiến độ lập quy hoạch chậm so với yêu cầu của Quốc hội

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 30/5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.

Hà Nội lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030

Ảnh minh họa. 

Cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo phục vụ giám sát. Đến nay, các cơ quan đã cơ bản gửi đầy đủ báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát, các báo cáo nhìn chung được xây dựng công phu, đánh giá sâu sắc, bám sát đề cương của Đoàn giám sát nhưng cũng có trường hợp báo cáo chưa đầy đủ. Quá trình giám sát, các bộ, ngành, địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và báo cáo bổ sung theo yêu cầu. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 11 bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định, các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch. Cùng với đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, trong đó 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh. Kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Luật Quy hoạch được thông qua từ năm 2017 nhưng quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật Quy hoạch còn bất cập, có quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng, điển hình như: Nội hàm của Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa rõ ràng, nhiều nội dung quy định chưa cụ thể nên còn ý kiến khác nhau về nội dung, mức độ thể hiện của Quy hoạch tổng thể quốc gia, mức độ thể hiện chi tiết của các dự án đầu tư (điểm n khoản 2 Điều 22), mức độ chi tiết của hệ thống bản đồ (khoản 9 Điều 21) dẫn đến lúng túng, vướng mắc trong triển khai...

Cũng theo Báo cáo của Đoàn giám sát, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn. Đến nay, còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Do tiến độ lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch chậm nên phải tiếp tục kéo dài thời hạn và điều chỉnh Quy hoạch hiện hành thời kỳ 2011 - 2020, vì vậy đang tồn tại song song, đồng thời áp dụng hai loại quy hoạch. Cùng với đó, việc soạn thảo, ban hành Danh mục quy hoạch được tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và Danh mục quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại điểm c và d khoản 1 Điều 59 còn chậm so với yêu cầu.

Ngoài ra, Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật về quy hoạch bất cập còn do nguyên nhân tổ chức thực hiện công tác quy hoạch ở các cấp, các ngành, địa phương cũng như chính sách, pháp luật về quy hoạch còn bất cập, hạn chế; các văn bản luật về quy hoạch còn có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập. Việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật Quy hoạch rất chậm, chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, thống nhất. Quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch chưa phù hợp với hoạt động quy hoạch, chưa đầy đủ hoặc chậm được ban hành. Các quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 được điều chỉnh cục bộ theo quy định của pháp luật cũ, tuy nhiên quy trình, thủ tục của việc điều chỉnh này chưa chặt chẽ, làm phát sinh những hạn chế, bất cập ở một số ngành, lĩnh vực như điện, khai thác khoáng sản, giao thông...

PV

Những thay đổi liên quan đến BHYT hộ gia đình từ năm 2023

Lê Minh Hoàng