/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Tòa án quốc tế La Haye: Chi tiết thú vị trong quy chế bầu cử Thẩm phán

Tòa án quốc tế La Haye: Chi tiết thú vị trong quy chế bầu cử Thẩm phán

01/01/0001 00:00 |

(LSO) – Tòa án quốc tế được thành lập theo Hiến chương Liên hợp quốc là cơ quan xét xử chính của Liên hợp quốc. Tên đầy đủ là Toà án quốc tế vì công lý (International Court of Justice - ICJ) là một phân ban trực thuộc Liên hợp quốc, được thành lập vào năm 1945 với tiền thân là Toà án Thường trực công lý quốc tế (Permanent Court of International Justice) có từ năm 1922.

Trụ sở Tòa án quốc tế tại Den Haag – Hà Lan.

Tòa án quốc tế, có trụ sở tại thành phố Den Haag – Hà Lan, La Haye theo tiếng Pháp hay The Hague theo tiếng Anh, là cơ quan giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Tòa án tiến hành xét tất cả các vụ tranh chấp mà các bên đưa ra và tất cả các vấn đề được nêu riêng trong hiến chương Liên hợp quốc hay các điều ước quốc tế hiện hành.

Thẩm quyền xét xử của Tòa án là xét xử về tất cả vấn đề tranh chấp pháp lý có liên quan đến: Giải thích điều ước; Vấn đề bất kỳ liên quan đến Luật quốc tế; Sự kiện, nếu về sau xác định được vi phạm nghĩa vụ quốc tế; Tính chất mức độ bồi hoàn do vi phạm nghĩa vụ quốc tế.

Tòa án có cơ cấu là một hội đồng các thẩm phán độc lập, được lựa chọn, không căn cứ quốc tịch, trong số những người có phẩm chất đạo đức tốt, đáp ứng các yêu cầu đề ra ở quốc gia họ để chỉ định vụ xét xử cao nhất, hoặc là những luật gia có uy tín lớn trong lĩnh vực luật quốc tế.

Hội đồng thẩm phán gồm 15 người, trong đó không thể có 02 công dân của cùng một quốc gia.

Các Thẩm phán được Đại hội đồng và Hội đồng bảo an lựa chọn trong số những người có tên trong danh sách theo đề nghị của các tiểu ban dân tộc của Pháp viện thường trực quốc tế. Một tiểu ban được đưa ra không quá 04 ứng cử viên, trong đó không quá 02 ứng viên có cùng quốc tịch của một quốc gia được tiểu ban đại diện.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc lập danh sách theo thứ tự ABC tất cả những người được đề cử, ký trình bản danh sách lên Đại hội đồng và Hội đồng bảo an. Đại hội đồng và Hội đồng bảo an khi bầu cử Thẩm phán hoàn toàn độc lập nhau.

Những người được coi là trúng cử là những ứng cử viên được tuyệt đại đa số phiếu bầu cử ở cả Đại hội đồng cũng như ở cả Hội đồng bảo an.

Chi tiết thú vị là trong trường hợp nếu như tuyệt đại đa số phiếu cả ở Đại hội đồng cũng như ở Hội đồng bảo an chọn nhiều công dân của cùng một quốc gia trùng nhau thì người được công nhận trúng cử là… người nhiều tuổi hơn.

Việc căn cứ vào tuổi tác để lựa thành viên Tòa án của Tòa án quốc tế, cơ quan cao nhất giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, là rất thú vị và nhân văn. Mặc dù trước đó các ứng viên đều đã trải qua bước lựa chọn của Đại hội đồng cũng như ở Hội đồng bảo an.

Thêm một chi tiết thú vị nữa cũng liên quan đến tuổi tác, đó là việc bầu chủ trì phiên tòa trong thủ tục xét xử.

Tòa án quốc tế có chủ tịch và phó chủ tịch với nhiệm kỳ 3 năm, chủ tịch và phó chủ tịch có thể được bầu lại.

Thông thường, trong xét xử, việc nghe vụ án được tiến hành dưới sự chủ trì của chủ tịch hay nếu chủ tịch không thể chủ trì được thì phó chủ tịch sẽ chủ trì. Tuy nhiên trong trường hợp nếu như không có chủ tịch, phó chủ tịch chủ trì thì người chủ trì sẽ là Thẩm phán… nhiều tuổi nhất có mặt.

LÊ HÙNG

/truy-to-vo-chong-luat-su-chia-sung-vao-doan-bieu-tinh-tai-my-the-nao-la-su-dung-vu-khi-trai-phep-theo-luat-missouri.html