/ Hoạt động Luật sư
/ Tọa đàm ‘Giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp’

Tọa đàm ‘Giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp’

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Với mục tiêu tạo diễn đàn để các chuyên gia, Luật sư, doanh nghiệp cho ý kiến phân tích, đánh giá diễn biến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhất là những động thái chấn chỉnh thị trường gần đây của cơ quan quản lý; chỉ rõ những bất cập và kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật chưa phù hợp, hướng đến mục tiêu bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng pháp luật, minh bạch và an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sáng ngày 31/5/2022, Tạp chí Luật sư Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề: “Giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp”.

Các khách mời thảo luận tại Tọa đàm. 

Tham dự Tọa đàm có Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính); Thạc sĩ, Luật sư Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam); Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Việt Hà, Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp của nước ta thời gian qua đã có bước phát triển nhanh, trở thành kênh huy động vốn chung và dài hạn của doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh của thị trường này cũng đã phát sinh những rủi ro, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn của nền tài chính quốc gia.

Thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Tại Tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết, thị trường trái phiếu Việt Nam hình thành từ những năm 1990 và bắt đầu phát triển từ năm 2000, đã đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, chính quyền địa phương, các ngân hàng, tổ chức và doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp được hình thành muộn hơn và bắt đầu phát triển mạnh trong khoảng 10 năm trở lại đây với số lượng tổ chức, doanh nghiệp phát hành; số lượng các nhà đầu tư; khối lượng và giá trị phát hành liên tục tăng trưởng… Thế nhưng, thời gian gần đây đã có sự phát triển vượt bậc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam phù hợp với sự phát triển của thị trường và xu thế phát triển của thế giới.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh phát biểu tại Tọa đàm. 

Thạc sĩ, Luật sư Lê Anh Văn nhận định, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn non trẻ nhưng đã đạt được những bước tiến ngoạn mục, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về thị trường này, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Do đó, nếu muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần nâng tầm kiến thức pháp lý, tài chính để có thể đánh giá rủi ro. Trước khi quyết định đầu tư, các nhà đầu tư cần xem xét kỹ thương hiệu của doanh nghiệp, uy tín của tổ chức phát hành. Bên cạnh đó, cần trang bị thêm kiến thức về tài chính, kinh nghiệm đầu tư.

Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Việt Hà cũng cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, và cũng là kênh đầu tư quan trọng của các nhà đầu tư. Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Hà đã phân tích các quy định của pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đối với cả doanh nghiệp và nhà đầu tư, đặc biệt là những quy định cấm trong quá trình phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, hiện nay việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cần căn cứ vào Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành và một số văn bản liên quan.

Trong đó, khoản 1 Điều 14 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo các phương thức: Đấu thầu phát hành: là phương thức lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện trúng thầu mua trái phiếu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp phát hành; Bảo lãnh phát hành: là phương thức bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành; Đại lý phát hành: là phương thức doanh nghiệp phát hành ủy quyền cho một tổ chức khác thực hiện bán trái phiếu cho nhà đầu tư mua trái phiếu; Bán trực tiếp cho nhà đầu tư trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng.

Điều 12 Luật Chứng khoán 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán gồm: Trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu nhầm nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, cung cấp dịch vụ về chứng khoán; Sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ; Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán…

Có thể thấy, pháp luật đã có những quy định cơ bản hoàn thiện và chặt chẽ đối với hoạt động phát hành trái phiếu.

Những bất cập và khuyến nghị giải pháp

Trong thời gian qua, cùng với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam phát triển rất nhanh, nếu năm 2018, các doanh nghiệp mới chỉ phát hành thành công tổng giá trị trái phiếu đạt 224 nghìn tỉ đồng thì đến hết năm 2021, con số này đã tăng lên trên 722 nghìn tỉ đồng, đạt quy mô so với GDP tới 16,6%. Tuy nhiên, cùng với những con số khả quan này thì những cập, những hạn chế cũng bắt đầu bộc lộ, khiến không chỉ cơ quan Nhà nước gặp khó khăn trong công tác quản lý, mà bản thân doanh nghiệp phát hành trái phiếu cũng gặp khó, trong khi đó, các nhà đầu tư đang khá phân vân trước quyết định đầu tư.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, không phải sau khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 đợt phát hành trái phiếu do vi phạm quy định của pháp luật thì những bất cập trong quá trình vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp mới được nêu ra, mà trước đó, các cơ quan hữu quan, trong đó có Bộ Tài chính, UBCKNN đã nhiều lần phát đi cảnh báo vi phạm. Ông chỉ ra một số hạn chế trong quá trình phát hành trái phiếu và những hệ lụy từ những vi phạm này đối với thị trường, với hệ thống tiền tệ quốc gia, với bản thân các doanh nghiệp phát hành và cả các nhà đâu tư… Theo đó, hiện nay tại Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp. Chỉ số xếp hạng này phải được đánh giá bởi một công ty xếp hạng uy tín, độc lập và khách quan. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện nay của nước ta khá khác so với mặt bằng chung thế giới. Điều này dẫn đến nhiều rủi ro hơn cho các trái chủ.

Ngoài ra, về thông tin doanh nghiệp phát hành trái phiếu còn nhiều bất cập như chưa có một quy định đủ nghiêm túc về thông tin doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu. Đôi khi đưa ra thông tin ảo, mập mờ về doanh nghiệp để thổi giá…

Thạc sĩ, Luật sư Lê Anh Văn phát biểu tại Tọa đàm. 

Lý giải cho những bất cập hiện nay, Thạc sĩ, Luật sư Lê Anh Văn cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực về trái phiếu doanh nghiệp. Có thể kể đến việc chạy theo tâm lý đám đông, tự phát của các nhà đầu tư; việc doanh nghiệp cung cấp thông tin sai lệch làm biến động thị trường hay tại một số tổ chức trung gian chưa đánh giá đúng trị giá doanh nghiệp, hoạt động còn kém hiệu quả, cán bộ có đạo đức nghề nghiệp chưa cao. Do đó, các nhà đầu tư cần đánh giá, nhận định thị trường một cách kỹ càng và cẩn trọng. Cơ quan quản lý nhà nước cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.   

Về giải pháp nào khắc phục, theo Thạc sĩ, Luật sư Lê Anh Văn, nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó quy định rõ phạm vi phát hành và trách nhiệm của từng chủ thể tham gia vào phát hành trái phiếu. Nâng cao hơn nữa chất lượng của tổ chức trung gian, tăng cường thanh kiểm tra sai phạm để xử lý kịp thời. Đặc biệt là xây dựng một tổ chức xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu. Đồng tình với những giải pháp trên, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh khẳng định phải sửa đổi, thay thế Nghị định 153/2020/NĐ-CP trong đó quy định cụ thể điều kiện đối với cá nhân, tổ chức phát hành, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần chỉ rõ cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Trước những bất cập của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của pháp luật, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới. Trong quá trình hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những ý kiến, những khuyến nghị được các vị khách mời thảo luận, đưa ra trong cuộc tọa đàm hy vọng sẽ là một kênh thông tin quan trọng, hữu ích.

LINH NHI - HOÀNG LÂM

Xử lý phản ánh về vướng mắc trong hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Lê Minh Hoàng