/ Tin tức
/ TP. HCM: Xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra vi phạm tiếng ồn

TP. HCM: Xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra vi phạm tiếng ồn

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Mới đây, UBND TP. HCM đã ban hành Văn bản số 24/UBND-NCPC về việc tiếp tục tăng cường công tác xử lý vi phạm về tiếng ồn. Theo đó, thành phố sẽ xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra vi phạm tiếng ồn.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Văn bản số 24/UBND-NCPC, để tiếp tục quản lý hiệu quả các hoạt động, kinh doanh dịch vụ gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường kiểm soát ô nhiễm về tiếng ồn; phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo sự bình yên cho nhân dân, UBND TP. HCM yêu cầu UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục chủ động thực hiện hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý hành vi vi phạm về tiếng ồn.

Ngoài ra, UBND TP. HCM cũng yêu cầu ở cấp huyện, xã, địa phương nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.

Hiện nay, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn dựa trên 4 nghị định liên quan gồm: Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Nghị định 155/2016/NĐ-CP và Nghị định 98/2020/NĐ-CP với mức xử phạt từ 100.000 - 160 triệu đồng tùy trường hợp.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều địa phương, việc xử lý chủ yếu vẫn dựa trên Nghị định 167/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Mức phạt ở nghị định này chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng/trường hợp nên chưa đủ sức răn đe; đồng thời khoảng thời gian xử phạt theo quy định từ 22h đến 6h sáng hôm sau nên việc xử phạt ngoài khung giờ trên không thể áp dụng.

PV

Bộ Công an làm việc với Giám đốc CDC Bình Phước và 5 thuộc cấp

Lê Minh Hoàng