/ Trao đổi - Ý kiến
/ Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xử lý hành vi đăng video có nội dung phản cảm, câu like

Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc xử lý hành vi đăng video có nội dung phản cảm, câu like

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là cần kiểm tra rà soát phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. Đồng thời, các gia đình có trẻ em cũng cần có trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục các em, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Mạng xã hội là một thuật ngữ đã quá quen thuộc với nhiều người hiện nay. Tại Việt Nam thì những mạng xã hội phổ biến và thu hút nhiều người dùng, người xem nhất có thể kể đến Facebook và Youtube. Đây không chỉ là hai kênh giải trí thông dụng mà đến nay đã trở thành kênh kiếm tiền của nhiều người vì những tiện ích mà nó mang lại.

Chỉ bằng những cách thức đăng ký, tạo lập tài khoản đơn giản, sáng tạo nội dung và bật chức năng kiếm tiền thì những mạng xã hội này hoàn toàn có thể đưa lại lợi nhuận cho chủ kênh, thậm chí là lợi nhuận lớn nếu thu hút được đông đảo người xem và theo dõi. Hiện nay Youtube đang trở thành một địa chỉ quen thuộc của nhiều cư dân mạng. Đây vừa là một kênh giải trí dùng để theo dõi, cập nhật, chia sẻ thông tin, kiến thức và đồng thời là một kênh kiếm tiền hiệu quả từ lượt xem, lượt theo dõi, tương tác của mỗi video.

Để kiếm tiền trên kênh này thì đã không ít người trở thành những Vlogger, Youtuber,… Họ có thể đăng tải video về tất cả các lĩnh vực trong đời sống như du lịch, ăn uống, làm đẹp, dạy học, chia sẻ kinh nghiệm,…thu hút từ vài nghìn đến vài triệu lượt view. Để thu hút nhiều “view” thì những video này hoặc là phải được đầu tư về chất lượng hình ảnh, phải bổ ích hoặc là phải độc, phải lạ,…Rất nhiều video đem lại kiến thức bổ ích và cảm xúc cho người xem nhưng cũng không ít video có những nội dung phản cảm, tiêu cực, bất chấp đạo đức, văn hóa xã hội chỉ để câu view, câu like, kiếm tiền từ Youtube. Đây chính là hai mặt tích cực và tiêu cực từ sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội.

Những thông tin trên mạng xã hội, trang web có tác động rất mạnh tới giới trẻ - thế hệ được tiếp cận nhiều nhất và thường xuyên nhất với những kênh thông tin này. Nhiều nội dung được chia sẻ trên Youtube sẽ có tác động lớn đến người xem, trong đó phần lớn là trẻ em – đối tượng chưa hoàn thiện về mặt nhân cách, trí tuệ sẽ dễ dàng học theo, bắt chước những hành vi xem được trên Youtube. Rõ ràng bên cạnh việc đem lại thông tin bổ ích, giải trí khổng lồ cho người dùng thì Youtube lại cũng là một nơi dễ ảnh hưởng xấu đến người xem nếu như nội dung không được kiểm duyệt chặt chẽ.

Những nhóm đối tượng thường hoạt động trên Youtube có thể kể đến những người động nghệ thuật; bán hàng online; những người phát triển nội dung về giải trí, du lịch, ẩm thực, làm đẹp… Đây là những kênh có nội dung giải trí, nghệ thuật hoặc bổ ích cho người xem.

Tuy nhiên trong số những người phát triển kênh trên Youtube thì có một bộ phận Youtuber là những người không có công việc ổn định, những người vùng nông thôn, thường làm những video có nhiều thông tin nhảm nhí, tin tức sai lệch, tác động tiêu cực đến suy nghĩ, hành động của trẻ em, thậm chí ảnh hưởng nhân cách của trẻ em.

Để được nhiều người theo dõi, đồng nghĩa với việc kiếm được nhiều tiền thì những kênh này thường đăng những nội dung quái gở, những hiện tượng “độc, lạ, dị”, đánh vào tâm lý hiếu kỳ, tò mò của người xem để “câu view”. Có thể kể đến những video với nội dung gây sốc như: Nấu cháo bằng cả con gà còn nguyên lông, bắt cá dưới ao rồi ăn sống ngay trên bờ, ăn nội tạng động vật ngay khi vừa giết mổ, trộm tiền heo đất của em gái… Những hành động này gây phản cảm, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất thuần phong mỹ tục dân tộc, tác động xấu đến tâm lý, văn hoá đạo đức xã hội, xúi giục người khác phạm tội,… Đây là hành vi vi phạm Luật An ninh mạng. Gần đây, tài khoản Hưng Vlog đã 2 lần bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm Luật An ninh mạng, lợi dụng không gian mạng để chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Đánh giá về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng không gian mạng là một hệ sinh thái mà người dùng có thể thoải mái sáng tạo và phát triển nội dung. Tuy nhiên việc truyền tải, xây dựng nội dung phải phù hợp quy định pháp luật, không thể chỉ vì “câu view”, “câu like”, gây sốc mà hành động tùy tiện, gây phản cảm, mất thuần phong mỹ tục dân tộc, ảnh hưởng xấu tới tâm lý, văn hóa, đạo đức xã hội.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại điểm đ, e khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 là hành vi sử dụng không gian mạng để phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác…

Người nào có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin trên không gian mạng không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội, thông tin sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là mức phạt dành cho tổ chức. Cá nhân có hành vi vi phạm thì mức phạt bằng một phần hai mức phạt đối với tổ chức (tức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng). Biện pháp khắc phục hậu quả là phải gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định.

Trường hợp đưa lên mạng xã hội những thông tin trái quy định pháp luật để thu lợi bất chính, gây thiệt hại hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, cá nhân, tổ chức; gây ảnh hưởng xấu an ninh trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác…thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;
b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
g) Dẫn đến biểu tình.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mặc dù pháp luật có những quy định, biện pháp răn đe, xử lý và các trang mạng xã hội như Youtube cũng có chính sách kiểm duyệt nội dung nhưng thực tế vẫn có rất nhiều video có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục lọt lưới kiểm duyệt và thu lợi. Có thể do chính những người phát triển nội dung trên mạng cũng không hiểu biết pháp luật nên không kiểm soát được hành vi của mình. Bởi vậy, trong khi chờ một biện pháp quyết liệt hơn từ phía những công ty công nghệ hay nhà quản lý mạng xã hội thì mỗi người dùng cần tự bảo vệ mình khỏi những nội dung độc hại, phản cảm từ không gian mạng.

Với đặc điểm của mạng xã hội là sức lan tỏa lớn, kết nối toàn cầu nên người dùng tại Việt Nam có thể xem được những nội dung chương trình đăng tải công khai trên YouTube của bất kỳ ai, trong đó có cả những nội dung trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục của Việt người Việt Nam mà chưa bị gỡ bỏ. Ví dụ như: dạy cách chế tạo súng, dậy cách chế tạo ma túy tổng hợp, hướng dẫn cách tự tử… Có thể nói rằng mạng xã hội hiện nay như một cái chợ thiếu kiểm soát, đủ các thể loại có thể tìm kiếm được trên mạng xã hội. Bởi vậy, nếu không quản lý tốt thì những chương trình, hình ảnh đó có thể tác động trực tiếp đến hành vi, tạo ra thói quen xấu hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ em.

Vụ việc cháu bé xem hướng dẫn trên YouTube rồi thực hiện hành vi tự tử là một câu chuyện hết sức đau lòng, đây là hệ lụy xấu của các đối tượng vì câu view, muốn tăng lượt theo dõi, tương tác trên mạng xã hội mà đã thực hiện các hành vi trái pháp luật. Đối với những hành vi này thì cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội đưa truyền đưa dữ liệu trái phép trên mạng internet. Tuy nhiên trước khi xử lý được đối tượng vi phạm thì hậu quả đau lòng đối với trẻ em đã xảy ra. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là cần kiểm tra rà soát phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm đồng thời các gia đình có trẻ em cũng cần có trách nhiệm trong công tác quản lý, giáo dục các em, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.

Các gia đình có trẻ em thì nên quản lý những trang mạng xã hội chặt chẽ, ẩn hoặc chặn những kênh có nội dung tiêu cực, tránh việc các em xem và bị ảnh hưởng bởi những nội dung đó. Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội, mạng internet trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng xã hội.

THANH THANH

/xu-phat-cac-hanh-vi-dang-video-co-noi-dung-phan-cam-cau-like-lieu-co-qua-nhe.html