/ Trao đổi - Ý kiến
/ Trường hợp bị can, bị cáo bị còng tay, xích chân

Trường hợp bị can, bị cáo bị còng tay, xích chân

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Thực tế qua xét xử các vụ án có thể thấy, có vụ án bị can, bị cáo bị còng tay/xích chân, có vụ án lại không. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc bị can, bị cáo bị còng tay/xích chân khi xét xử? Những trường hợp nào buộc phải áp dụng biện pháp còng tay/xích chân và trường hợp nào được phép mở còng tay/xích chân cho bị cáo?

Bị cáo bị còng tay khi xét xử.

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc còng tay hay xích chân bị can, bị cáo khi xét xử không phải là hình phạt mà chỉ là biện pháp nhằm mục đích đảm bảo an ninh, trật tự xét xử, ngăn chặn và răn đe những hành vi chống đối, quá khích, bảo vệ những người tiến hành tố tụng và những người đến dự phiên tòa. Thực tế đã xảy ra các trường hợp bị cáo rượt đánh Hội đồng xét xử, Luật sư, những người tham dự phiên tòa, gây náo loạn, mất trật tự tại phiên tòa, nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác rất lớn. Nếu không có biện pháp bảo vệ và ngăn chặn bị cáo như vậy, lỡ bị cáo liều mình tự vẫn, bỏ chạy… thì rất khó lường trước được hậu quả.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 không quy định về biện pháp còng tay/xích chân bị can, bị cáo. Tuy nhiên đây vẫn có thể được coi là một biện pháp để ngăn chặn việc bị cáo bỏ trốn cũng như giữ gìn an ninh trật tự tại phiên tòa xét xử. Có nhiều ý kiến cho rằng biện pháp này hạn chế quyền tự do của con người, ảnh hưởng đến quyền lợi chính trị của con người. Cho nên khi áp dụng phải có mục đích, phải có căn cứ, cần phải áp dụng mới được áp dụng, không được tùy tiện, tránh việc áp dụng tràn lan.

Theo Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh tại Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 ngày 04/7/2006 ban hành quy trình bảo vệ phiên tòa, áp giải bị cáo, dẫn giải người làm chứng ra tòa, cụ thể khoản 3 Điều 8 quy định: “Việc áp giải bị cáo đang bị tạm giam đến phiên tòa thực hiện như sau: … Khóa tay bị cáo trước khi áp giải; xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch…”

Luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng Luật sư Giang Thanh.

Theo các quy định nêu trên, bị cáo khi được đưa ra xét xử sẽ bị khóa tay. Còn đối với bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm, người bị kết án tử hình có thể sẽ bị xích chân, Luật sư Thanh phân tích.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 8, điểm b khoản 2 Điều 7 Quyết định số 1502/2008/QĐ-BCA(C11) ngày 10/9/2008: “Trường hợp áp giải đối tượng nguy hiểm hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, người bị kết án tử hình nếu xét thấy cần thiết thì xích chân để đảm bảo an toàn (việc xích chân phải được nêu trong kế hoạch)".

Luật sư Cường cho biết thêm, cũng tại Khoản 3 Điều 8 Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 thì việc mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của Chủ tọa phiên tòa. Thông thường khi bắt đầu phiên tòa, bao giờ Hội đồng xét xử cũng yêu cầu lực lượng dẫn giải mở còng cho bị cáo. Một số trường hợp bị cáo ở phiên tòa sơ thẩm bị tuyên tử hình nên đến phiên tòa phúc thẩm có thể tháo còng tay nhưng không tháo xích chân vì sợ xảy ra nguy hiểm. Có những trường hợp bị cáo đã bị kết án tử hình, liên quan đến vụ án khác bị trích xuất ra tòa mà bản án tử hình trước đó đã có hiệu lực, chờ thi hành án thì Hội đồng xét xử không thể mở còng tay lẫn xích chân vì có thể dẫn đến nguy hiểm.

Như vậy, tùy theo tính chất từng trường hợp, từng vụ án mà chủ tọa phiên tòa có quyết định phù hợp có mở khóa tay, xích chân cho bị can, bị cáo hay không.

THANH THANH

/lay-nguon-tien-tu-dau-de-boi-thuong-cho-cac-vu-an-oan-sai.html