/ Góc nhìn
/ Từ sự việc bị de dọa tung video nhạy cảm: Quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đã đủ sức răn đe?

Từ sự việc bị de dọa tung video nhạy cảm: Quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đã đủ sức răn đe?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 đã đem đến những thuận lợi trong việc tìm kiếm, trao đổi thông tin với tốc độ truy cập được tính bằng tích tắc. Lợi dụng sự nhanh chóng trong việc phát tán tin tức cùng với tâm lý lo sợ của nạn nhân, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều trường hợp các đối tượng xấu đe dọa hoặc thậm chí đã đăng tải các video “nóng” trên các website hoặc gửi trực tiếp các hình ảnh này đến nạn nhân để tống tiền. Vậy, quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam đã đủ sức răn đe trong việc xử lý những vi phạm này?

Ảnh minh họa

Nguyên nhân của những hiện tượng đăng tải, phát sóng hình ành, video nhạy cảm trong thời gian qua xảy ra phổ biến là do đâu? 

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Luật sư, Th.s Nguyễn Anh Đức (Giảng viên Khoa Luật-Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết: Có nhiều động cơ khác nhau dẫn tới hành vi phát tán hình ảnh, băng hình hoặc những thông tin riêng tư, nhạy cảm của người khác trên các phương tiện truyền thông. Một số động cơ điển hình như để trả thù, để đe dọa nhằm ép nạn nhân phải thực hiện hoặc không được làm một việc nào đó, hay đơn giản chỉ nhằm khoe khoang thành tích thu thập thông tin… Đây không phải dạng hành vi mới xuất hiện trong xã hội hiện đại mà đó chỉ là việc chúng ta đang được chứng kiến ngày càng nhiều hơn. 

Những hiện tượng như vậy có thể xuất phát bởi các nguyên như sự mâu thuẫn giữa các bên, nhu cầu về tài sản, nhu cầu chứng minh năng lực bản thân, các chuẩn mực của xã hội được kiến thiết trước đó chưa kịp ứng phó với các hành vi, hiện tượng đang xuất hiện và lan tỏa rộng rãi trên môi trường số như hiện nay. Thậm chí, ở một số quốc gia phát triển sau, tình trạng quá tập trung vào các lợi ích kinh tế cũng khiến cho mối quan tâm về các vấn đề đạo đức, pháp lý trở nên “mờ nhạt” cả ở đời thực và trên không gian mạng. Từ đó khiến cho các công cụ như pháp luật, giáo dục trở nên chưa thực sự hiệu quả. 

Từ các sự việc bị đe dọa tung hình ảnh, video nhạy cảm, pháp luật Việt Nam hiện nay quy định như thế nào đối với quyền của cá nhân đối với hình ảnh?

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Trưởng VPLS SB Law, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Hiện nay, tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, từ quy định của pháp luật có thể thấy: 

Thứ nhất, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Cụ thể, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý và khi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Thứ hai, việc sử dụng hình ảnh thuộc một trong các trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: 1. Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; 2. Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Thứ ba, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Đồng tình với quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng VPLS Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng khẳng định: 

Quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam đã nêu được cơ bản vấn đề về hình ảnh của cá nhân đó là ai là người có quyền đối với hình ảnh của cá nhân; có quy định về việc sử dụng vì mục đích thương mại; các trường hợp không phải xin phép và phương thức xử lý hành vi vi phạm. Còn việc tung ảnh, video nhạy cảm của người khác lên mạng có thể sẽ bị xử lý hình sự về “ Tội làm nhục người khác”, “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Bộ luật Hình sự năm 2015… nếu phù hợp với cấu thành của từng tội. 

Nhận định về những quy định hiện nay của pháp luật Việt Nam còn những “lỗ hỏng” khiến cho việc đăng tải, phát sóng các video nhạy cảm của các đối tượng xấu trở nên dễ dàng, Th.s Anh Đức cho hay:

Tuy hiện nay pháp luật đã có nhiều quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong pháp luật dân sự, hành chính và cả hình sự nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế khiến cho việc thực hiện không được như mong đợi: Đó là, nội hàm của quyền riêng tư hầu như không thay đổi trong suốt mấy chục năm (qua ba, bốn lần sửa đổi Bộ luật Dân sự) nên chưa đáp ứng được với sự thay đổi về môi trường sinh hoạt của con người trên không gian mạng. Kế đến, bản thân pháp luật chưa chỉ rõ những giới hạn, ranh giới của việc truyền bá thông tin khiến cho một số trường hợp phát tán thông tin mà không biết là có vượt quá ranh giới, giới hạn hay không. Và do pháp luật quy định chưa rõ và chưa khả thi về trách nhiệm, chế tài áp dụng đối với những chủ thể vận hành các phương tiện truyền thông.

Kiến nghị giải pháp nhằm ngăn chặn hành vi đe dọa tung ảnh, video nhạy cảm

Để hạn chế và tiến tới ngăn chặn hoàn toàn những video, hình ảnh nhạy cảm xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội, trước mắt cần có những thay đổi, bổ sung trong cách vận hành hoạt động của các cơ quan quản lý mạng xã hội và pháp luật: 

Trước tiên, các nhà cung cấp mạng xã hội cần hình thành nên cơ chế “duyệt” tin trước khi cho phép cá nhân phổ biến, lan truyền tin tức. Đặc biệt, đối với những sản phẩm truyền thông có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân khác thì nhà mạng phải từ chối đăng tải và báo cáo vi phạm này đối với chủ sở hữu video, hình ảnh nhạy cảm. 

Tiếp đến, cần có những quy định pháp luật trong lĩnh vực công nghệ-truyền thông về việc thu thuế với các sản phẩm được đăng tải, cụ thể cần làm rõ động cơ, mục đích của việc đăng tải của chủ sở hữu để từ đó có thể miễn phí hoặc áp dụng mức thuế phù hợp. Trong trường hợp nếu sản phẩm truyền thông của tổ chức, cá nhân được “duyệt” đăng thì cần có phải cung cấp thông tin cho nhà mạng để khi xảy ra tình trạng xâm phạm quyền lợi của bên thứ ba thì việc truy xuất người đăng tải sẽ dễ dàng hơn.

Đồng thời, pháp luật hiện hành cần làm rõ các quy định liên quan đến các quyền như: quyền riêng tư, quyền của cá nhân đối với hình ảnh và ranh giới trong việc xác định giữa các quyền.
Để ngăn chặn tình trạng vi phạm trên, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần tăng mức phạt tiền của cả biện pháp hành chính lẫn hình sự bởi lẽ việc xử phạt không chỉ mang tính chất khắc phục hậu quả mà còn để răn đe, giáo dục và phòng ngừa.

Và cuối cùng, chính mỗi cá nhân cũng cần nâng cao kiến thức pháp luật cho bản thân để có các biện pháp ứng phó kịp thời khi có trường hợp xấu xảy ra. Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền dân sự để mọi người hiểu được việc đăng tải ảnh, video nhạy cảm của người khác lên mạng xã hội, trong một số trường hợp dù được người đó đồng ý đi chăng nữa, thì vẫn bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Từ đó sẽ giúp mọi người hiểu hơn về giới hạn của mình trong việc sử dụng hình ảnh người khác. 

VŨ THỦY

Bắt giữ đối tượng tống tiền bằng video nhạy cảm sau 3 năm lẩn trốn

Admin