/ Đời sống - Xã hội
/ Tuyển sinh mùa dịch tại TP. Hồ Chí Minh

Tuyển sinh mùa dịch tại TP. Hồ Chí Minh

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Công tác tuyển sinh ở các cấp học năm 2021 của các cơ sở giáo dục trên cả nước đang bước vào đợt cao điểm. Tuy nhiên, việc dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh, đã khiến nhiều trường thay đổi các chương trình tư vấn cũng như phương thức xét tuyển nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh năm nay.

Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh một trong cơ sở giáo dục áp dụng xét tuyển không áp dụng thi kiểm tra năng lực đầu vào như mọi năm.

Ở cấp Đại học, bên cạnh việc điều chỉnh kế hoạch dạy và học, các trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh công tác tuyển sinh trực tuyến. Có thể xem, đây không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch, mà còn là xu hướng chung trong thời đại công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ. Với việc tiếp cận các thông tin được đăng tải, cập nhật trên website và fanpage đều đặn hàng tuần, thí sinh dễ dàng nắm bắt cơ hội và lựa chọn phương thức phù hợp nhất.

Thực tế cho thấy, nếu như các năm trước, việc xét tuyển học bạ thường được xem như cơ hội thứ hai sau khi xét kết quả tốt nghiệp THPT, thì năm nay, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, phương thức này đã trở thành lựa chọn ưu tiên cho các thí sinh cũng như phụ huynh. Với phương thức này, cách tính điểm cũng đa dạng, từ xét điểm học bạ các học kỳ trung học phổ thông, các trường Đại Học còn kết hợp xét học bạ với nhiều tiêu chí khác để tuyển chọn thí sinh phù hợp cho từng ngành đào tạo của trường.

Đối với khối ngành Luật, do đặc thù về khối lượng kiến thức và chất lượng đào tạo, trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Đại học Kinh Tế - Luật (thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chỉ áp dụng việc xét tuyển học bạ đối với một số đối tượng thí sinh nhất định.

Cụ thể, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh xét học bạ đối với Đối tượng 2 thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và Đối tượng 3 thí sinh học tại các trường THPT chuyên, năng khiếu theo phương thức xét tuyển thẳng, với Đại học Kinh Tế - Luật thì chỉ xét tuyển học bạ và có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Ở cấp đào tạo nghề, thời điểm này hằng năm, các địa phương đã có kết quả tuyển sinh đầu vào lớp 10. Các học sinh không đậu vào các trường công lập có thể chọn học nghề theo hệ 9+ để vừa học nghề, vừa học văn hóa. Đây cũng là lúc các cơ sở đào tạo nghề triển khai các công tác truyền thông để đón thí sinh từ khắp cả nước.

Năm 2021, do đợt dịch thứ tư bùng phát bất ngờ ngay trước kỳ thi vào lớp 10, thực hiện nghiêm Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Chỉ thị 10 của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP. Thủ Đức và 23 quận huyện buộc phải dời lịch thi. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh cũng như việc sắp xếp kế hoạch dạy học trong năm học mới của các cơ sở đào tạo nghề.

Trước khó khăn đó, ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng các trường cần ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận, tư vấn, giải đáp thắc mắc cũng như triển khai xét tuyển online nhằm khắc phục tình trạng trên là hoàn toàn cần thiết và phù hợp.

Có thể thấy, công tác tuyển sinh năm nay vẫn còn gặp nhiều vấn đề trong việc tiếp cận thí sinh và triển khai xét tuyển. Nhưng đây cũng là động lực lớn để các cơ sở giáo dục linh động thay đổi nhằm bắt kịp xu hướng phát triển chung của công nghệ, cũng như bảo đảm việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây lan dịch bệnh ở địa các địa phương vùng dịch nói riêng và cả nước nói chung.

LỘC TRẦN 

Lê Minh Hoàng