/ Nghề Luật sư
/ Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và đời sống

Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và đời sống

31/12/2023 06:56 |

(LSVN) - Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, internet trong sản xuất và đời sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đến với cộng đồng, mà qua các kênh truyền thông, cộng đồng có thêm nhiều thông tin về công nghệ số, nhận thức rõ hơn về những tác động và thách thức đối với cuộc cách mạng 4.0. Từ đó định hướng dư luận, tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách, các nghiên cứu giải pháp thích ứng để thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bài viết đi sâu phân tích những thách thức đối với truyền thông về ứng dụng công nghệ số, internet ở Việt Nam hiện nay, qua đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Ảnh minh họa.

Cơ sở pháp lý và thực tiễn của công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, internet

Thứ nhất, theo Tổng cục Thống kê, trung tuần tháng 4/2023, quy mô dân số Việt Nam cán mốc 100 triệu người, xếp thứ 15 trong số các quốc gia đông dân nhất thế giới, thứ 8 ở châu Á và thứ 3 ở khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines). Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, số người sử dụng internet Việt Nam có tới 78,59 triệu người chiếm 78,59% tổng dân số. Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,14 triệu thuê bao. Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh ước đạt 101,12 triệu thuê bao tương đương với 111,2% tổng dân số. Với số lượng người dùng lớn, chiếm tỷ lệ cao, bên cạnh các ý nghĩa tích cực mà công nghệ mang lại khi nó lan tỏa nhiều thông tin, kiến thức giá trị, kết nối con người với nhau một cách nhanh chóng và thuận tiện…, trong quá trình tương tác nhiều hệ lụy tiêu cực khi sự ứng dụng công nghệ “số hóa” tràn lan không kiểm soát được (tin thật, tin giả, thông tin sai lệch, tán dương, nói xấu trên mạng xã hội) cũng đem tới không ít nguy cơ có thể làm biến chất, biến dạng nhiều giá trị văn hóa, mục tiêu hấp dẫn cho các tấn công và vi phạm,... tạo ra những rủi ro, khủng hoảng, ảnh hưởng tiêu cực. Luật An ninh mạng năm 2018 quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an ninh mạng, tuy nhiên, việc nắm bắt những quy định pháp luật về an ninh mạng đối với người dân còn chưa đầy đủ và kịp thời dẫn đến những hành vi vi phạm về an ninh mạng và xử sự không đúng trên cộng đồng mạng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, văn hóa - xã hội... Vì vậy, để ứng dụng công nghệ số như thế nào vào mọi mặt của đời sống; mỗi cá nhân, tổ chức phải biết và hiểu cái gì đúng, sai, cái gì được làm, không được làm... là một thách thức mà các doanh nghiệp và tổ chức cần quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

Thứ hai, ngày 23/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1907/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2030” nhằm trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, qua đó tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội số một cách bền vững. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Ban chấp hành Trung ương cũng đã khẳng định: “Chủ động tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội...”,... Do vậy, việc phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cho người dân biết, hiểu, hưởng ứng tham gia; việc hướng dẫn người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số đòi hỏi hệ thống truyền thông từ Trung ương đến cơ sở cần phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư tưởng và hành động để bảo đảm an toàn và đáng tin cậy cho các hoạt động truyền thông về công nghệ số. Thứ ba, người dân còn   thiếu kiến thức, việc thiếu thông tin quy định của pháp luật về ứng dụng, sử dụng công nghệ số, internet; các hoạt động thông tin tuyên truyền về nhận thức, thay đổi hành vi khi sử dụng công nghệ số chưa được thường xuyên, liên tục, cho thấy truyền thông có vai trò chủ đạo trong công tác giới thiệu, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua các kênh truyền thông, cộng đồng có thêm nhiều thông tin, những tác động tích cực và những thách thức đối với cuộc cách mạng công nghệ số, chuyển đổi số để từ đó người dân thấy được lợi ích và trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh các hành vi sao cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ tư, mỗi cá nhân có cách nhìn nhận khác nhau về cùng một sự vật, hiện tượng, hoạt động ứng dụng công nghệ số. Thông tin, tuyên truyền là sự trao đổi để làm bớt sự không đồng nhất trong nhận thức - thái độ và hành vi của mỗi con người trước một vấn đề thực tế trong nhận thức của cộng đồng. Để có nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi của con người là một chặng đường dài (nói chưa phải là đã nghe; nghe chưa phải là đã hiểu; hiểu chưa phải là đã chấp nhận; chấp nhận chưa phải là đã làm; làm theo chưa phải là sẽ làm đúng; làm đúng chưa phải là sẽ làm theo mãi). Đó là lý do tại sao việc tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số, internet phải chú ý vào thảo luận, phản hồi, chia sẻ kinh nghiệm, thường xuyên, liên tục và lặp đi lặp lại, phải lấy đối tượng tuyên truyền làm trung tâm đánh vào nhận thức, ý thức của họ để họ thay đổi.

Như vậy, tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, một công cụ quan trọng, cơ bản tác động trực tiếp hoặc gián tiếp làm thay đổi thái độ, chuyển từ nhận thức sang hành động - thực hành, thúc đẩy cộng đồng, người dân tự nguyện học hỏi nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ số, internet trong quá trình sản xuất và đời sống, yếu tố quyết định thắng lợi và có vị trí quan trọng của cuộc cách mạng chuyển đổi số đất nước.

Nội dung và hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, internet

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng

- Phổ biến các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số (đề án, dự án về công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia, của tỉnh, huyện…).

- Thông tin, tuyên truyền những khái niệm cơ bản, mục tiêu, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sức mạnh và tác động của công nghệ số, chính quyền số, chuyển đổi số; kinh tế số, xã hội số…

- Sự cần thiết phải phát triển chính quyền số, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

- Tuyên truyền về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số để góp phần tạo môi trường chính quyền thân thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

- Tuyên truyền về phát triển xã hội số (đưa công nghệ số, áp dụng những giải pháp số vào cuộc sống hàng ngày) nhằm hình thành cộng đồng công dân số và văn hóa số; hướng dẫn người dân hoạt động có văn hóa trong xã hội số, hình thành văn hóa số. Những quy định của pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ số.

- Tuyên truyền về phát triển kinh tế số nhằm thay đổi nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc chuyển đổi phương thức hoạt động của các lĩnh vực, ngành, nghề từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí, tăng năng suất lao động, thu hẹp khoảng cách phát triển.

- Thông tin về các cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; các giải pháp phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; các lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số tại địa phương.

- Tuyên truyền vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, lãnh đạo các doanh nghiệp đối với việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

- Tuyên truyền về lịch sử, ý nghĩa của Ngày chuyển đổi số quốc gia; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm kỹ năng số cho người dân, cộng đồng

- Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục, chính sách xã hội... thông qua các nền tảng số.

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức tự bảo vệ thông tin, dữ liệu trên môi trường số, tuân thủ các quy tắc về sử dụng dịch vụ số, ứng xử trong giao tiếp trên mạng xã hội; các kỹ năng cơ bản bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; tham gia tích cực các hoạt động về an toàn, an ninh mạng, góp phần phòng, chống có hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập trái phép các hệ thống thông tin.

Tuyên truyền kết quả, thành tựu phát triển công nghệ số, công cuộc chuyển đổi số

- Thông tin, tuyên truyền các chương trình, nội dung triển khai về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số quốc gia, tỉnh, của huyện; các hoạt động, kết quả, thành tựu thực hiện chuyển đổi số cụ thể của từng lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương; hoạt động của ban chỉ đạo chuyển đổi số các cấp; tổ truyền thông, tổ công nghệ số cộng đồng.

- Chia sẻ, phổ biến các câu chuyện thành công, hướng dẫn cách làm hay, sáng tạo, mô hình điển hình về phát triển công nghệ số, chuyển đổi số. Biểu dương những đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân đi đầu trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả về phát triển công nghệ số, thực hiện chuyển đổi số.

Có nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, internet như: (i) Tổ chức các chiến dịch truyền thông, một đợt hoạt động tập trung, đồng bộ, phối hợp nhiều phương tiện truyền thông, các kênh truyền thông nhằm truyền tải các thông điệp cần thiết để tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, tác động mạnh đến đối tượng tuyên truyền; (ii) Xây dựng và nhân rộng mô hình (tổ công nghệ số cộng đồng) cần tuyên truyền ở địa phương; (iii) Triển lãm và trưng bày các đồ vật hoặc hình ảnh (tranh vẽ, ảnh, pano, các mô hình thu nhỏ...) trước đông đảo quần chúng; (iv) Giao tiếp với cá nhân và các nhóm nhỏ, đây là hình thức cho phép có thể có những cuộc đối thoại sâu hơn, cởi mở và có phản hồi ngay. Hình thức này tỏ ra thích hợp cho việc tìm kiếm các giải pháp phù hợp với địa phương, khi cần phải giải thích các vấn đề phức tạp, muốn thuyết phục hay cần gây ảnh hưởng tới nhóm đối tượng và đặc biệt hiệu quả trong việc đánh giá hiệu quả của chương trình truyền thông; (v) Họp cộng đồng, hội thảo. Các cuộc họp cộng đồng như họp tổ dân phố, thôn, xóm, nhóm, ấp, phường, làng, xã, trường học, cơ quan… là một diễn đàn thuận lợi cho việc bàn bạc, lấy ý kiến và ra quyết định đối với những vấn đề về ứng dụng công nghệ số, internet của cộng đồng; (vi) Thông tin đại chúng. Nhìn chung về mặt xã hội, thông tin đại chúng có vai trò rất quan trọng để chuyển tải kịp thời những thông tin về ứng dụng công nghệ số, internet; (vii) Câu lạc bộ, tổ tuyên truyền cộng đồng, hình thức này rất phù hợp với các đối tượng thanh thiếu niên và các đối tượng hưu trí; (viii) Tuyên truyền qua các sự kiện, những chiến dịch hành động và lễ kỷ niệm...

Một số thách thức đối với truyền thông về ứng dụng công nghệ số, internet ở Việt Nam hiện nay

Công nghệ số, internet là nền tảng thông tin xã hội lớn với sự tham gia của hàng tỷ người trên thế giới, nhu cầu của người sử dụng dịch vụ internet ngày càng đa dạng, số lượng người tham gia sử dụng dịch vụ internet ngày càng tăng, các hình thức dịch vụ ngày càng phong phú. Trước tình hình đó, hoạt động tuyên truyền ứng dụng công nghệ số thể hiện rõ đặc điểm truyền thông thuộc về mọi người, đa hướng và đại chúng, với rất nhiều luồng quan điểm, ý kiến khác nhau của cộng đồng mạng, trong đó, mọi người đều có thể đưa ra ý kiến và tạo ảnh hưởng đến dư luận. Các phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook, Youtube, Tiktok, Instagram, Zalo... và thiết bị đầu cuối di động đã thực sự trở thành “trung tâm phân phối thông tin” và “thị trường truyền thông xã hội”, trong đó, chủ thể, đối tượng, thông điệp truyền thông đều bị chi phối rất nhiều bởi tính chất mở, động, tương tác mạnh mẽ của môi trường internet và các phương tiện truyền thông mới.

Mặc dù không thể phủ nhận những đóng góp cũng như vai trò to lớn của truyền thông ứng dụng công nghệ số, internet trong việc làm thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Nhưng khi xem xét một cách toàn diện có thể thấy những hạn chế, tồn tại, thách thức đối với hoạt động tuyên truyền ứng dụng công nghệ số, internet như sau:

(1) Ý thức của chủ thể đưa tin về những tác động của công nghệ số, chuyển đổi số tác động đến cộng đồng thế nào chưa cao. Có một thực tế là, các phương tiện truyền thông truyền thống và ngay cả phương tiện truyền thông mới (các báo, tạp chí điện tử, cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội...) hiện nay vẫn đi theo những lối mòn với cách thức thông tin truyền thống, thể hiện ở việc ngày càng đưa nhiều tin, bài về những rủi ro của ứng dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ số nhưng những thông tin về những tác động có lợi của công nghệ số, chuyển đổi số tác động mạnh mẽ đến cộng đồng như thế nào, vẫn còn nhiều hạn chế. Hầu hết chỉ đề cập đến giải pháp, những khuyến nghị chung chung, chưa thực sự tạo ra sự tác động mạnh mẽ để dẫn tới việc thay đổi nhận thức, hành động từ cộng đồng và thay đổi chính sách từ phía các cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, việc thiếu kênh phản hồi hiệu quả làm suy yếu tinh thần trách nhiệm, đạo đức của người tham gia, làm mất sự kết nối giữa người dân và cơ quan nhà nước; thậm chí tạo ra những ý kiến không đúng, phản ứng tiêu cực đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.

(2) Thông điệp truyền thông về công nghệ số, chuyển đổi số vẫn nặng tính tuyên truyền một chiều, thiếu hấp dẫn, ít người quan tâm nên chưa thực sự mang lại những thay đổi rõ rệt trong nhận thức, khó đạt được hiệu quả, mục đích truyền thông. Sự khô cứng, đơn điệu trong cách thức thể hiện và truyền tải thông điệp về công nghệ số đang trở thành những rào cản, khó tiếp cận giới trẻ - một lực lượng lớn của xã hội cũng như nhịp sống năng động, thay đổi liên tục hiện nay cần có sự thay đổi.

(3) Sự nhiễu loạn thông tin. Môi trường internet đã tạo ra một trữ lượng thông tin khổng lồ chưa từng có trong lịch sử loài người. Đây còn là không gian rộng mở, đa chiều, có tính tương tác cao. Thông tin trên mạng trực tuyến được gia tăng từng giây, từng phút với tốc độ nhanh chóng, tạo nên một không gian lưu trữ thông tin bất tận và chính những người tham gia môi trường internet cũng là những nguồn tin, tham gia trực tiếp vào quy trình “sản xuất” tin. Thực trạng này làm cho mức độ “nhiễu” trong hoạt động truyền thông rất cao, làm người dân khó phân biệt được đúng - sai, thật - giả, không xác định, nắm bắt chính xác các thông tin đáng tin cậy của các cơ quan nhà nước, làm suy giảm hiệu quả của quá trình truyền thông.

(4) Luồng dư luận trái chiều, xuyên tạc, thù địch. Bên cạnh những thông tin chính thống, toàn diện do các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị đăng tải, có không ít tin giả, tin đồn, các phát ngôn thù địch, vu khống, bịa đặt, kỳ thị, thiếu căn cứ, lời lẽ kích động, xuyên tạc về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các nền tảng truyền thông xã hội... Mặt khác, hệ sinh thái truyền thông trên nền tảng internet đã tạo nên một nhóm KOLs (Key Opinion Leaders), Influencers là những người có sức hút và ảnh hưởng trên các mạng xã hội trực tuyến. Thông điệp, thông tin mà KOLs, Influencers đưa ra thường được “cư dân mạng” chia sẻ, ủng hộ và lan tỏa. Họ dần trở thành những người dẫn dắt tư tưởng, tinh thần và hành động cho một nhóm xã hội nhất định trên không gian mạng. Trong số đó, không ít người có động cơ không trong sáng, bất mãn với chế độ, luôn tìm cách “dắt mũi” dư luận; tấn công, đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức và thậm chí dè bỉu, nói bóng gió, bôi xấu chính sách của Nhà nước... Một số được dung dưỡng bởi các tổ chức thù địch bên ngoài, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước, thâm nhập vào các nền tảng truyền thông xã hội, tuyên truyền phản động, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với năng lực lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với việc triển khai thực hiện chính sách của quốc gia...

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, internet

Thứ nhất, thực hiện tốt sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương về những lợi ích, tác động của việc ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia đối với sự phát triển đất nước. Phát huy vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách về công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia; quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm, ý thức công dân. Những chính sách liên quan đến công nghệ số trong đó xác định về vai trò, nhiệm vụ của truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý, của cộng đồng cần được bám sát. Truyền thông cần phải trở thành cầu nối đưa chính sách vào trong thực tiễn cuộc sống, đồng thời, phản ánh kịp thời những tác động của chính sách để có những thay đổi phù hợp với thực tiễn nhằm mang lại hiệu quả cao nhất về ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng như nâng cao vai trò, hiệu quả của truyền thông trong cộng đồng.

Để nâng cao chất lượng thực hiện công tác quản lý ứng dụng công nghệ số thì công tác thông tin, tuyên truyền phải được tiến hành một cách thường xuyên, lâu dài, kiên trì bền bỉ, phải thông qua những nội dung cụ thể, thiết thực, sát hợp với thực tế, vừa toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm với hình thức hấp dẫn, phong phú, có sức thuyết phục, phù hợp với từng đối tượng. Tránh cách làm qua loa, chiếu lệ, hình thức...

Thứ hai, nội dung tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số cần có những thay đổi, phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu thông tin của công chúng cũng như đáp ứng yêu cầu về hiệu quả truyền thông cần đạt được. Theo đó, cần thay đổi nội dung truyền thông theo một số hướng sau: tăng số lượng tin, bài về ứng dụng công nghệ số và các bài viết có sự liên hệ giữa các yếu tố liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nghệ số; chỉ ra sự cần thiết phải hiểu rõ hơn những tác động xấu, những tổn thương đã và sẽ xảy ra trên mạng xã hội ở các địa phương, các rủi ro kinh tế, xã hội và quản trị, quản lý, đồng thời nêu các phương án ứng phó, cách khắc phục rủi ro một cách hiệu quả nhất; tập trung thông tin về các giải pháp liên quan đến chính sách cụ thể trong mối liên hệ liên ngành với các giải pháp khác; phát hiện, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời những nhân tố điển hình, mô hình hiệu quả, đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực công nghệ số, đồng thời đưa thêm các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ, tạo động lực để cộng đồng cùng chung tay hành động phát triển công nghệ số bền vững.

Thứ ba, coi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền, các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp,…để công tác tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại các địa phương có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tăng cường tuyên truyền gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh về ứng dụng công nghệ số cho mọi đối tượng tuyên truyền thông qua các chương trình giáo dục ngoại khóa hoặc các hình thức khác tại các trường học, cơ sở đào tạo,... từ đó lôi cuốn họ cùng quan tâm đến việc “ứng xử đúng”. Thực chất đây là quá trình nâng cao nhận thức để đối tượng truyền thông có thể tiếp nhận, phân tích, xử lý hoặc thích nghi với tình huống do mạng xã hội gây ra từ đó lôi cuốn, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong việc chia sẻ các kinh nghiệm, kỹ năng, bí quyết của tập thể và cá nhân trong các giải pháp ứng dụng.

Thứ tư, chú trọng lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân; hỗ trợ người dân ứng dụng, sử dụng công nghệ số góp phần hình thành xã hội thông tin bằng các biện pháp ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy việc xây dựng hạ tầng internet ở nông thôn, thúc đẩy tốc độ truy cập internet ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và nhân lực, giảm chi phí truy cập internet, tăng tỷ lệ thâm nhập của internet. Đối với vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cần xây dựng các trung tâm cung cấp dịch vụ và truy cập internet miễn phí cho người dân tại các điểm bưu điện - văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, bản, ấp; hướng dẫn người dân lập các tài khoản mạng xã hội và trên không gian mạng để có thể đưa ra ý kiến phản hồi về chính sách trên các phương tiện truyền thông xã hội; quan tâm tới ý kiến của các nhóm dễ bị tổn thương trên internet; tuân thủ nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tất cả vì quyền và lợi ích của nhân dân.

Thứ năm, phát huy chức năng, nhiệm vụ của cơ quan truyền thông đại chúng trong công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, tổ chức, triển khai phổ biến, giáo dục về việc thực hiện các phong trào, xây dựng mô hình “Tổ tuyên truyền ứng dụng công nghệ số cộng đồng” tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong xây dựng, thực thi và giám sát thực hiện ứng dụng công nghệ số, internet; tổ chức đối thoại thường xuyên để truyền cảm hứng làm tăng khả năng thay đổi các hành vi của cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia trong sản xuất và đời sống.

Thứ sáu, hình thành cơ chế phối hợp liên thông, thường xuyên trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp… để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục công nghệ số. Lồng ghép các hoạt động truyền thông về công nghệ số vào nội dung, các chương trình hoạt động của các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp có liên quan như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các kế hoạch truyền thông của các ngành, địa phương, tổ chức chính trị, xã hội.

Thứ bảy, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền với các nội dung, hình thức phù hợp đối với từng đối tượng, trình độ nhận thức, địa bàn cụ thể; tuyên truyền phải làm liên tục, thực chất, không theo phong trào. Lập chuyên mục “chuyển đổi số” trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị để thu hút sự quan tâm theo dõi, phản hồi tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thứ tám, tiếp tục thành lập và đổi mới chất lượng hoạt động của “tổ công nghệ số cộng đồng”, “tổ tuyên truyền chuyển đổi số cộng đồng”... thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ số theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Nghiên cứu, xây dựng các sáng kiến, mô hình và tổ chức đánh giá, triển khai áp dụng các sáng kiến, mô hình truyền thông lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ chín, sử dụng triệt để sức mạnh của tất cả các loại hình báo chí truyền thống, tác động nhằm thay đổi nhận thức và hành động của công chúng về ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số đối với phát triển đất nước. Hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan báo chí, trong đó bao gồm cả bốn loại hình: báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử để tạo ra tính nhất quán, liên tục trong truyền thông nhằm tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của công chúng về ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Thứ mười, sử dụng có hiệu quả đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Chú trọng tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền, thiết kế các ấn phẩm thông, kỹ năng viết tin, bài, kỹ năng tương tác và thực hành trên không gian mạng cho cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền trên địa bàn; có chính sách biểu dương, khen thưởng những tập thể, báo cáo viên, tuyên truyền viên có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số, chương trình chuyển đổi số quốc gia và những biểu hiện yếu kém cần được nhắc nhở, phê phán. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng dụng công nghệ số, internet trong sản xuất và đời sống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là kênh cung cấp thông tin nhanh nhất, hiệu quả nhất về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, đến với cộng đồng, mà qua các kênh truyền thông, cộng đồng có thêm nhiều thông tin về công nghệ số, nhận thức rõ hơn về những tác động và thách thức đối với cuộc cách mạng 4.0 từ đó định hướng dư luận, tập hợp ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… phục vụ việc xây dựng các cơ chế, chính sách, các nghiên cứu giải pháp thích ứng để thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Thách thức trước mắt và lớn nhất đối với việc ứng dụng công nghệ số, Chương trình chuyển đổi số quốc gia là kỹ năng số của người dân. Hãy cùng nhau hành động để thu hút sự tham gia của cộng đồng vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ngay hôm nay.

Tài liệu tham khảo

1. Ban chấp hành Trung ương Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

2. Công văn số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, T5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

4. Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14.

5. Phương pháp và kỹ năng truyền thông, Tài liệu tham khảo - Chương trình hợp tác Việt Nam, Thụy Điển, 2007.

6. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

7. Quyết định số 1907/QĐ-TTg ngày 23/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021-2025”.

8. Sổ tay Công nghệ thông tin và truyền thông cho doanh nghiệp, Nxb Viện Tin học doanh nghiệp - Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, 2005.

9. Luật sư Dương Quang Thọ, Tài liệu tập huấn nghiệp vụ công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021.

10. Vũ Trọng Lương, Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động truyền thông chính sách trên nền tảng internet ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 2/2023.

 

Tiến sĩ HOÀNG QUỐC LÂM

Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Bùi Thị Thanh Loan