/ Đời sống - Xã hội
/ UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội: Có vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid 19?

UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội: Có vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid 19?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Nhưng Ủy ban nhân dân (UBND) quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đã triệu tập họp người dân trái quy định về phòng, chống dịch Covid-19... Đây là nội dung được phản ánh trong đơn thư của hơn 50 hộ dân ở Tổ dân phố 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội.

Đơn Kiến nghị của các hộ dân Tổ 14 phường Thanh Xuân Trung.

Cuộc họp bất thường và những dấu hỏi trong phòng, chống dịch?

Từ ngày 21 đến 23/11/2021, hơn 50 hộ gia đình thường trú tại Tổ dân phố 14, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội đồng loạt nhận được giấy mời của UBND quận Thanh Xuân do Phó Chánh Văn phòng Nguyễn Văn Kiên ký với nội dung: Mời đại diện các hộ gia đình có mặt tại trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung vào lúc 08h30 ngày 25/11/2021 để tham dự cuộc họp thông báo kế hoạch, tiến độ giải phóng mặt bằng, công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sư Gò Đống Thây do Phó Chủ tịch UBND quận Lê Hồng Thắng chủ trì. Cuộc họp này có sự tham gia của trưởng các phòng, ban của quận; thành viên Hội đồng bồi thường hỗ trự tái định cư; đại diện đảng ủy, UBND phường và đại diện các doanh nghiệp, tổ chức…

Như vậy, cuộc họp này nếu đầy đủ thành phần, số người tham dự sẽ lên đến hơn 60 người. Trong khi đó, theo Kế hoạch số 243/KD-UBND của UBND TP. Hà Nội quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” thì các các hoạt động tập thể trên 30 người, nếu tổ chức trực tiếp phải xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch và thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế.

Nhận thấy, việc tổ chức cuộc họp của UBND quận Thanh Xuân khi chưa có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn về phòng chống dịch bệnh theo quy định của UBND thành phố và Bộ Y tế, nếu tham dự cuộc họp sẽ có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, nên ngày 24/11, các hộ dân trong diện được mời họp đã đến trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân để đưa đơn kiến nghị dừng tổ chức cuộc họp. Nếu nhất thiết phải họp thì UBND quận phải có phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch, UBND quận Thanh Xuân và UBND phường Thanh Xuân Trung cần có cam kết về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong trường hợp nếu sau cuộc họp ngày 25/11 có người tham dự nhiễm Covid-19 và làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Phản ánh của người dân cho biết: “Trong thời gian tới, nếu UBND quận Thanh Xuân tiếp tục triệu tập cuộc họp để thông báo về “Kế hoạch, tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng và công khai các văn bản pháp lý liên quan đến Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây”, đề nghị phải thông báo trước và phải đạt được sự nhất trí của toàn bộ các hộ dân thì mới triển khai tổ chức”.

Họ cũng cho rằng: “Trước khi tổ chức cuộc họp với thành phần trên 30 người, UBND quận Thanh Xuân cần xây dựng kế hoạch đảm bảo phòng, chống dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế, đồng thời gửi bản kế hoạch này cho người dân tham khảo trước thời điểm họp từ 1 đến 3 ngày”.

Đơn thư của người dân tại Tổ dân phố 14, phường Thanh Xuân Trung khẳng định: “UBND quận Thanh Xuân đã vi phạm các quy định về phòng chống dịch khi mời các hộ dân tham dự buổi họp với số lượng người tham gia lớn. Đề nghị thành phố xem xét trách nhiệm của người đứng đầu và các cán bộ liên quan của quận Thanh Xuân và cán bộ UBND phường Thanh Xuân Trung”.

Dù phản ánh, kiến nghị của các hộ dân ngày 24/11 về cuộc họp này không nhận được ý kiến giải thích, phản hồi nào từ UBND phường Thanh  Xuân Trung và UBND quận Thanh Xuân, nhưng cuộc họp (theo kế hoạch tổ chức ngày 25/11) không diễn ra. Sau vụ tập trung đông người tại trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung ngày 24/11 trở về, người dân ở đây luôn thấp thỏm lo âu về khả năng nhiễm Covid-19.

Cụ thể, ngày 08/12, khi hai mẹ con chị Nguyễn Thị H. (trú tại ngõ 12 Khuất Duy Tiến, là người có mặt tại trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cùng với nhiều người khác để đưa đơn kiến nghị dừng cuộc họp) bị nhiễm Covid-19 dẫn đến phải phong tỏa cách ly một số khu vực trong Tổ dân phố 14 phường Thanh Xuân Trung. Do đó, người dân Tổ dân phố 14 đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm điều tra làm rõ nguồn lây của chị H. Phải xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan tổ chức cuộc họp không tuân thủ quy định về phòng chống dịch bệnh.

Người dân đến UBND phường Thanh Xuân Trung để họp theo giấy mời số 124/GM-UBND ngày 19/11/2021.

Tu bổ, tôn tạo Gò Đống Thây có thật sự cấp bách?

Qua nội dung đơn thư cũng như trao đổi trực tiếp giữa các hộ dân với PV về các vấn đề liên quan đến “Kế hoạch, tiến độ thu hồi đất giải phóng mặt bằng và công khai các văn bản pháp lý của Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây”, người dân Tổ 14 phường Thanh Xuân Trung cho biết, họ đang rất quan tâm đến Dự án này. Đây là việc làm không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn làm xáo trộn di tích lịch sử văn hóa lâu đời. Họ nghi ngờ về tính pháp lý của Dự án, liệu có thật hay không Dự án Tu bổ tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây. Nếu có Dự án thật thì cũng không phải là một Dự án thực sự cấp bách đến mức UBND quận Thanh Xuân phải mời hơn 50 hộ dân với đại diện các ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn họp bàn về Dự án trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp khó lường.

Liên quan đến Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây, người dân ở đây cho rằng họ chỉ biết đến Dự án cách đây hơn 15 năm và đã dừng lại. Họ chưa hề biết được có hay không có Dự án trong thực tế, bởi họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ một văn bản thông báo có tính pháp lý nào về Dự án này…

Theo các chuyên gia pháp lý và văn hóa, với một Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng còn phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa và phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền thuộc ngành văn hóa. Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm các yêu cầu: Giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích; lập quy hoạch, dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt... Đối với di tích cấp quốc gia như Gò Đống Thây, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (điểm a, b khoản 1 Điều 34 Luật Di sản văn hóa sửa đổi 2009).

Trước những quy định này, dư luận địa phương rất mong muốn chính quyền nêu ra các căn cứ, quy định liên quan đến việc thu hồi đất, thực hiện mục đích tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Gò Đống Thây, đặc biệt chỉ rõ bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng tu bổ, tôn tạo; quy trình thực hiện công tác điều tra khảo sát, đo đạc tại thực địa để lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (nếu có)...

Với những thông tin nêu trên, UBND quận Thanh Xuân cần sớm làm rõ có hay không sự vi phạm quy định về phòng chống dịch khi mời hơn 50 hộ dân dự họp trong tình hình dịch bệnh. Đồng thời, cũng cần sớm công khai, hồ sơ pháp lý về Dự án Tu bổ, tôn tạo khu di tích Gò Đống Thây cho người dân nắm được.

                                                                                                            PV

Hà Nội: Học sinh các vùng có mức độ dịch cấp độ 3 tạm dừng đến trường

Lê Minh Hoàng