/ Tin tức
/ Ưu tiên ngân sách Nhà nước cho phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Ưu tiên ngân sách Nhà nước cho phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp

17/05/2023 16:03 |

(LSVN) - Đến năm 2030, tỉ lệ học sinh trung học thi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt từ 50-55%, ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia các khâu như tuyển sinh, đào tạo, sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành.

Ảnh minh họa.

Đây là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong chỉ thị của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo trang tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, đến năm 2030, tỉ lệ học sinh trung học thi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt từ 50-55%; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đồng thời, sẽ có khoảng 200 ngành nghề trọng điểm mà trong đó có từ 15-20 ngành nghề có tính cạnh tranh trong khu vực ASEAN và thế giới.

Về nguồn lực, ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp được ưu tiên trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo, đặc biệt là ngân sách cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề mũi nhọn, góp phần đảm bảo chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.

Cơ sở giáo dục hướng đến việc vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa tại các trường; có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật.

Đồng thời, cơ quan liên quan cần có chính sách về ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp; phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở những nơi như nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tư nhân, có vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích doanh nghiệp tham gia các khâu như tuyển sinh, đào tạo, sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành.

Một lưu ý khác là cơ sở giáo dục cần chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động; nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung – cầu lao động với giáo dục nghề nghiệp.

Đơn vị liên quan cũng cần có kế hoạch tuyên truyền cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp; vận động sự tham gia của xã hội trong thực hiện mục tiêu; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ hội tiếp cận với thị trường lao động theo hướng mở, hội nhập.

MINH QUÝ

Người dùng mạng xã hội sẽ được định danh thế nào?

Nguyễn Hoàng Lâm