/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ 'Bác sĩ Khoa' là giả, người truyền tin sẽ bị xử lý như thế nào?

Vụ 'Bác sĩ Khoa' là giả, người truyền tin sẽ bị xử lý như thế nào?

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) khuyến cáo cộng đồng mạng không chia sẻ nội dung chưa được kiểm chứng sau vụ việc trên mạng xã hội vừa qua.

Nội dung bài viết được chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội vào ngày 07/8 vừa qua. Ảnh: VAFC.

Ngày 07/8/2021, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ đẻ cho một sản phụ song sinh đang cần máy thở. Qua xác minh từ các cơ quan chức năng có liên quan của TP. HCM, ngày 08/8, VAFVC khẳng định thông tin nêu trên là tin giả.

Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về hai em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại bệnh viện Từ Dũ, do tài khoản facebook Cao Hữu Thỉnh đăng lên ngày 21/7/2021, không phải ảnh chụp ngày 07/8/2021 như mạng xã hội chia sẻ.

VAFVC nhận định: "Một câu chuyện cảm động được nhiều tài khoản Facebook lan truyền, coi bác sĩ Khoa như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, làm giảm đi ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được biết bao bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch âm thầm làm".

Đồng thời, VAFVC cũng khuyến cáo cộng đồng mạng không chia sẻ trên mạng xã hội nội dung thông tin chưa được kiểm chứng. 

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng. Bộ đã đề nghị các bộ, tỉnh tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại bộ, ngành, địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật trên địa bàn; trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, đề nghị phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.

Xử lý thế nào?

Theo điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018 quy định, nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. 

Người thực hiện hành vi đăng tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trong đó, mức phạt này được áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng một phần hai mức phạt này, tức là phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. 

Thêm vào đó, căn cứ khoản 5 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. 

LINH NHI

Tội phạm chưa hoàn thành theo luật hình sự Việt Nam và một số giải pháp hoàn thiện

Lê Minh Hoàng