/ Luật sư - Bạn đọc
/ Vai trò của thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Lâm Đồng hiện nay

Vai trò của thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Lâm Đồng hiện nay

01/08/2023 05:49 |

(LSVN) - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn bộ hệ thống chính trị, toàn xã hội. Trong cuộc đấu tranh đó, Đảng giữ vai trò chủ đạo trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp về PCTN và một trong những chủ thế góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Đảng và Nhà nước trong công tác đấu tranh PCTN đó chính là Thanh tra tỉnh.


Lâm Đồng công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 6/2022).

Trong phạm vi bài viết này tác giả đề cập đến vai trò của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng trong công tác PCTN thời gian qua tại tỉnh Lâm Đồng để các chủ thể có cái nhìn khách quan về vai trò của thanh tra nói chung và Thanh tra tỉnh nói riêng trong cuộc chiến PCTN của Nhà nước.

Như vậy, PCTN là một trong những nhiệm vụ cơ bản của các cơ quan thanh tra nhằm phát hiện các kẽ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo khuôn khổ chính sách đúng đắn, đặc biệt những hành vi tham nhũng, những tiêu cực của các cán bộ, công chức để từ đó có những biện pháp xử lý hữu hiệu, kịp thời.

Trong những năm qua, công tác PCTN ở tỉnh Lâm Đồng đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai thực hiện tích cực, nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể được ban hành, như: Kế hoạch số 133-KH/TU của Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành ngày 03/6/2020 về việc tổng kết công tác PCTN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN nhũng đến nay; Công văn số 760-CV/TU của Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành ngày 24/8/2021 về việc khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác PCTN; Chỉ thị số 05-CT/TU của Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành ngày 26/02/2021 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTN năm 2021 trên điạ bàn tỉnh Lâm Đồng; Công văn số 8590/UBND-NC của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành ngày 25/11/2021 về việc chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác đánh giá công tác PCTN trên địa bàn tỉnh; Công văn số 1195-CV/TU của Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành ngày 17/01/2022 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 25-CT/TU của Tỉnh uỷ Lâm Đồng ban hành ngày 06/02/2023 về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCTN, tiêu cực năm 2023 trên địa bàn tỉnh;…

Với sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, công tác thanh tra đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và góp phần quan trọng vào công tác PCTN, tiêu cực tại Lâm Đồng trong thời gian qua.

Vai trò của Thanh tra tỉnh trong thực hiện các biện pháp PCTN

Việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, chủ trương kế hoạch của Tỉnh uỷ Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã góp phần khẳng định vai trò của Thanh tra tỉnh trong công tác PCTN tại tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua, kết quả đó thể hiện cụ thể qua các hoạt động sau:

Thứ nhất, việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các nội dung quan trọng như: Nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và công dân; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân (trừ các nội dung liên quan đến bí mật Nhà nước)... Việc công khai được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực. Hình thức công khai chủ yếu là niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đăng tải trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị... Việc công khai, minh bạch cơ bản đảm bảo nội dung, hình thức quy định; bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời theo trình tự, thủ tục quy định. Trong kỳ, toàn tỉnh đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch đối với 23 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua kiểm tra, chưa phát hiện đơn vị nào vi phạm các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động.

Thứ hai, việc cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng 

Các vụ vi phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ tại các đơn vị trực thuộc: UBND huyện Đạ Huoai (03 vụ với số tiền 91 triệu đồng); UBND huyện Lạc Dương (02 vụ với 516,3 triệu đồng); đã kiểm điểm, rút kinh nghiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện nghiêm các quy định về tặng quà và nộp lại quà tặng theo quy định của Luật PCTN, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.

Trong kỳ, chưa phát hiện các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng không đúng quy định; chưa phát hiện các trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình; không phát sinh các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức nộp lại quà tặng.

Thứ ba, việc chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên nghiên cứu, rà soát các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi để thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo đúng quy định của Luật PCTN, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhất là người có chức vụ, quyền hạn làm công tác cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Trong kỳ, toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 127 cán bộ, công chức, viên chức; chưa phát hiện các trường hợp lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác để vụ lợi hoặc trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ tư, việc thực hiện các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp tục nghiên cứu các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định của Luật PCTN để tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa ban hành Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập nên việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập trên địa bàn tỉnh được thực hiện sau khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực pháp luật theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 1870/TTCP-C.IV ngày 21/10/2019.

Thứ năm, việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng

- Qua công tác tự kiểm tra nội bộ: Trong kỳ, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý tham nhũng. Qua công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chưa phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ.

- Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng trong phạm vi theo dõi của địa phương: Theo báo cáo, năm 2020, trong kỳ, qua công tác điều tra, truy tố, xét xử, còn 02 vụ việc liên quan đến 21 hành vi tham nhũng từ năm trước chuyển sang đang trong quá trình xử lý. Còn 03 vụ việc phát sinh trong năm 2020 đang được cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định.

Đến năm 2021, trong kỳ, phát hiện 02 vụ vi phạm có dấu hiệu tham nhũng phải chuyển cơ quan điều tra, VKSND tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật: Vụ bà Trần Thị Thu Thủy, nhân viên chi nhánh Truyền hình cáp HTVC Lâm Đồng có dấu hiệu tham ô tài sản, chiếm đoạt số tiền 108,19 triệu đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Lạt đang thụ lý giải quyết; vụ ông Nguyễn Xuân Đức, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP. Bảo Lộc có hành vi nhận hối lộ với số tiền 120 triệu đồng, hiện VKSND Tối cao đang thụ lý giải quyết; ngày 11/7/2023, tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã bãi nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với ông N.N.A., cựu Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, ông N.N.A. bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, xử lý về tội nhận hối lộ. Sai phạm của ông A. liên quan đến việc sửa đổi một số nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại một siêu dự án thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái trên địa bàn huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Ông A. cũng đã bị khai trừ ra khỏi Đảng.

Bên cạnh đó, có 09 vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng từ năm trước chuyển sang, hiện đang trong quá trình điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 07 vụ, đang trong quá trình xác minh, chưa khởi tố 01 vụ và không khởi tố 01 vụ do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Tới năm 2022, trong kỳ, phát hiện 12 vụ vi phạm có dấu hiệu tham nhũng phải chuyển cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật… Có 08 vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng từ năm trước chuyển sang, hiện đang trong quá trình điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tới năm 2023, mặc dù chỉ sau quý I, trong kỳ, có 18 vụ việc liên quan đến hành vi tham nhũng từ năm trước chuyển sang, hiện đang trong quá trình điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh các hoạt động chủ yếu trên, để đạt được hiệu quả cao trong công tác PCTN, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn triển khai đồng bộ các hoạt động như: Xây dựng và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; xem xét, xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính hay áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đổi mới phương thức thanh toán, trả lương qua tài khoản.

Như vậy, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng, ban hành và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin… được triển khai đồng bộ, thường xuyên trên các lĩnh vực.

Vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được kịp thời phát hiện, chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN được tăng cường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan báo chí, truyền hình của địa phương đã tham gia vào công tác PCTN...

Thông qua kết quả thực hiện, đã nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác PCTN; góp phần giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Góp phần giúp cho việc sử dụng kinh phí, tài sản công bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác chuyên môn; bảo đảm sự liêm chính, nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính Nhà nước thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN.

Công tác PCTN tại tỉnh Lâm Đồng vẫn còn những hạn chế nhất định

Việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn sai sót; còn cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp... trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Qua công việc tự kiểm tra nội bộ, qua công tác giải quyết KNTC... phát hiện nhiều sai phạm nhưng kết luận chưa cụ thể, chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham  nhũng chuyển cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định.

Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và PCTN của một số địa phương và nhất là các sở, ngành còn chậm, chưa kịp thời, chưa chính xác về số liệu theo các biểu mẫu tổng hợp quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-TTCP ngày 10/6/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định về chế độ báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và PCTN… Dẫn đến khó khăn cho công tác tổng hợp số liệu trên địa bàn toàn tỉnh và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Từ các phân tích trên cho thấy qua công tác thanh tra đã góp phần chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, sai phạm trên các lĩnh vực; góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra; khắc phục việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của các doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vai trò của các cơ quan thanh tra được tăng cường, qua đó đã góp phần phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế xã hội và việc chấp hành chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra.

NGUYỄN THỊ OANH

Khoa Luật Đại học Đà Lạt

Bùi Thị Thanh Loan