/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Vấn đề giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự

Vấn đề giới hạn của việc xét xử quy định tại Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Giới hạn xét xử là chế định pháp lý quan trọng trong pháp luật tố tụng hình sự. Là cơ sở pháp lý để xác định phạm vi xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm (được xét xử những bị cáo nào, theo hành vi nào, tội danh nào), đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những vướng mắc, bất cập.

Ảnh minh họa.

1. Quy định của pháp luật

1.1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi phạm tội mà VKS đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã bỏ khái niệm “Tòa án chỉ xét xử …” trong quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thành quy định “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử”. Đây là quy định cơ bản của điều luật. Tòa án xét xử những bị can, bị cáo bị VKS truy tố bằng bản Cáo trạng. Ngoài ra, HĐXX ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu VKS khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Tòa án xét xử những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố. Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.

1.2. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố

Khoản 2, Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 giữ nguyên nội dung như quy định tại Điều 196 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Do kế thứa quy định trước đây nên những hướng dẫn về các nội dung “Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật”; “Toà án có thể xét xử bị cáo về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố”, chúng ta có thể tham khảo quy định Mục 2, Phần II, Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của HĐTP TAND Tối cao để hiểu (hướng dẫn áp dụng) quy định về giới hạn việc xét xử và quy định mới tại Mục 2, Phần II, Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC “Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ”, trường hợp Tòa án xét xử theo khoản khác nặng hơn với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật, thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết.

Nếu VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về khoản nặng hơn. Trong trường hợp này, Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ tội danh, điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà VKS truy tố và điều, khoản của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ xét xử để bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo; nếu Quyết định đưa vụ án ra xét xử không ghi rõ tội danh, điều, khoản của BLHS mà VKS truy tố và điều, khoản của BLHS mà Tòa án sẽ xét xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

1.3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó

Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 không quy định việc Tòa án được xét xử tội danh nặng hơn đã dẫn đến tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần nhưng kết quả không bổ sung điều tra được và VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, HĐXX phải xét xử theo đúng quy định của pháp luật và có nhiều trường hợp bản án sơ thẩm bị hủy.

Đây là những bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, vì vậy việc Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 bổ sung quy định Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội nặng hơn. Đây là quy định mới của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về giới hạn xét xử. Quy định mới này là cần thiết và quan trọng, là sự đảm bảo trong nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án.

*Trường hợp này cần lưu ý:

- Trong quyết định trả hồ sơ phải nêu rõ tội danh nặng hơn mà Tòa án đề nghị VKS truy tố lại.

- Việc phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung được thực hiện theo Điều 7, Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 về việc phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

- Trường hợp không đồng ý với tội danh nặng hơn mà Tòa án đã xét xử thì VKS có quyền kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

* Khi thực hiện các trường hợp xét xử bị cáo về khoản nặng hơn trong cùng điều luật hoặc xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn mà VKS truy tố cần thi hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thẩm quyền xét xử của Toà án các cấp, về thành phần HĐXX sơ thẩm và bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo.

* Trường hợp làm thay đổi thẩm quyền của Tòa án các cấp: Vụ án đang được Tòa án cấp huyện hoặc Tòa án quân sự cấp khu vực thụ lý nhưng khung hình phạt hoặc tội danh khác (theo giới hạn của việc xét xử) lại thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu và ngược lại thì Tòa án đã thụ lý trả hồ sơ vụ án cho VKS đã truy tố để chuyển hồ sơ đến VKS có thẩm quyền truy tố.

2. Một số vướng mắc, bất cập

2.1. Trường hợp Tòa án cấp huyện, Tòa án quân sự cấp khu vực xét xử bị cáo về khoản khác nặng hơn hoặc về tội danh nặng hơn mà VKS đã truy tố. Tòa án trả hồ sơ như thế nào là phù hợp?

Quy định Tòa án cấp sơ thẩm được xét xử bị cáo theo khoản khác nặng hơn hoặc về tội danh nặng hơn mà VKS đã truy tố có thể dẫn đến vượt quá thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Đó là trường hợp TAND cấp huyện hoặc TAQS cấp khu vực đang là Tòa án xét xử sơ thẩm đối với bị cáo theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo thuộc vào khoản nặng hơn hoặc tội danh nặng hơn mà VKS đã truy tố và thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng, không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện và Tòa án quân sự cấp khu vực theo quy định tại Điều 268, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (dẫn đến sự thay đổi về thủ tục tố tụng như thay đổi thành phần HĐXX theo Điều 254, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo). Trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm phải trả hồ sơ để VKS chuyển vụ án. Tuy nhiên, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố nên không đồng ý chuyển vụ án theo quy định tại Điều 274, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 và chuyển hồ sơ lại cho Tòa án. Ở đây là tranh chấp về quan điểm định tội danh dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền xét xử. Việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền xét xử được thực hiện theo quy định tại Điều 275, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi thụ lý lại Tòa án có cần phải mở phiên tòa hay không, để có cơ sở chắc chắn về việc xét xử theo khoản khác nặng hơn hoặc về tội danh nặng hơn (ghi rõ trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử) mà VKS đã truy tố.

Quan điểm thứ nhất: Khi Tòa án đã trả hồ sơ mà VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố, nghĩa là các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm không thống nhất được với nhau về vấn đề cần phải điều tra bổ sung (quan điểm định tội danh dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền xét xử). Lúc này Tòa án không mở phiên tòa mà báo cáo cơ quan nghiệp vụ cấp trên theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Thông tư 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP để cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.

Quan điểm thứ hai: Khi Tòa án đã trả hồ sơ mà VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố và chuyển hồ sơ lại thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử nêu rõ khoản nặng hơn hoặc tội danh nặng hơn mà Tòa án sẽ xét xử. Tại phiên tòa, nếu đủ chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo phải bị xét xử về khoản nặng hơn hoặc tội danh nặng hơn thì HĐXX trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, chuyển vụ án nếu vượt thẩm quyền.

Chúng tôi nhất trí với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: Khi Tòa án đã trả hồ sơ mà VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố thì trước đó đã thực hiện đầy đủ các công việc phối hợp giữa Cơ quan điều tra, VKS, Tòa án theo quy định tại Thông tư 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP (xác minh, bổ sung chứng cứ; họp liên ngành…), nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa thống nhất quan điểm áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án chưa kiểm tra đánh giá công khai, khách quan, toàn diện các nguồn chứng cứ và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án tại phiên tòa.

Để đảm bảo chặt chẽ, giải quyết khách quan, toàn diện vụ án, trường hợp này Tòa án cần thiết phải mở phiên tòa. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với HĐXX làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, HĐXX có thể trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung, chuyển vụ án nếu vượt thẩm quyền. Như quy định tại khoản 2, Điều 13, Thông tư 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP là phù hợp, đảm bảo việc xem xét, kiểm tra, đánh giá toàn diện, khách quan vụ án.

2.2. Vấn đề đảm bảo quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về khoản nặng hơn hoặc tội danh nặng hơn mà VKS đã truy tố.

Bản chất của chế định giới hạn xét xử sơ thẩm là mối quan hệ pháp lý giữa chức năng buộc tội và chức năng xét xử trong tố tụng hình sự. Mối quan hệ giữa hai chức năng này không thể không ảnh hưởng đến chức năng bào chữa vì các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự tồn tại không tách rời nhau. Theo đó, các chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử độc lập với nhau, quan hệ mật thiết, biện chứng cho nhau do các chủ thể khác nhau thực hiện.

Tuy nhiên, trường hợp Tòa án đưa ra xét xử bị cáo theo khoản khác nặng hơn hoặc tội danh khác nặng hơn thì bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình thế nào khi tồn tại song song hai nội dung: Một là buộc tội của VKS, hai là Tòa án sẽ xét xử theo khoản khác nặng hơn hoặc tội danh khác nặng hơn?

 Mấu chốt ở đây là phải giải quyết vấn đề giữa chức năng buộc tội và chức năng xét xử và giải pháp bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo. Về mặt lý luận thì Tòa án chỉ thực hiện chức năng xét xử - xác định sự thật khách quan và ra quyết định đúng đắn về vụ án. Tòa án phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện để bị cáo thực hiện quyền tố tụng của mình một cách tốt nhất, không được vi phạm.

Vì vậy, để giải quyết vấn đề nêu trên, Tòa án chỉ tập trung xét xử hành vi mà bị cáo đã thực hiện và VKS đã truy tố, không phụ thuộc vào tội danh mà VKS đề nghị. Việc xác định bị cáo phạm tội gì, hình phạt như thế nào là do Tòa án quyết định.

Từ đó, cần có quy định về việc giải thích cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết nội dung Tòa án sẽ xét xử về khoản khác nặng hơn hoặc tội danh nặng hơn đó để đảm bảo quyền bào chữa cho bị cáo.

2.3. Về kỹ thuật lập pháp

- Khoản 1, Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định: “Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử”. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo khi nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử, cần thiết bổ sung thêm nội dung về tội danh và điều khoản của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ đưa ra xét xử đối với hành vi của bị cáo vào Quyết định đưa vụ án ra xét xử tại Điều 255, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

- Khoản 3, Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố…”. Theo Từ điển Tiếng Việt, “cần” dưới hình thức động từ được hiểu là “không thể không làm, không thể không có, vì nếu không làm, không có thì sẽ có hại”. Còn “cần” dưới hình thức tính từ được hiểu là “phải được giải quyết gấp, vì để chậm trễ sẽ có hại”. Như vậy, “cần” được hiểu theo hướng có lợi, nhưng quy định tại khoản 3, Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 sử dụng từ “cần” theo hướng gây bất lợi cho bị cáo, là chưa hợp lý về mặt nghĩa của tiếng Việt. Mặt khác, từ “cần” ở đây chưa thể hiện hết nội hàm của việc xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn khi xét thấy có căn cứ để xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó. Cần dùng thuật ngữ khoa học pháp lý trong pháp luật hình sự phản ánh đúng đắn việc định tội danh đối với hành vi phạm tội.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

- Sửa đổi, bổ sung các nội dung tại khoản 4, Điều 12 và khoản 2, Điều 13, Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP thành một nội dung: “Trường hợp VKS và Tòa án không thống nhất được với nhau về vấn đề cần phải điều tra bổ sung thì Tòa án mở phiên tòa xét xử vụ án. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với HĐXX làm rõ những chứng cứ liên quan đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Nếu có một trong các căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung quy định tại các Điều 3, 4, 5 và 6 của Thông tư liên tịch này hoặc phát sinh những vấn đề mới, phức tạp mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa hoặc vượt thẩm quyền xét xử thì HĐXX tự mình hoặc theo đề nghị của Kiểm sát viên quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Qua điều tra bổ sung vẫn không thống nhất thì các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo liên ngành cấp trên trực tiếp cho ý kiến về việc giải quyết vụ án”.

- Cần có hướng dẫn thay thế Nghị quyết 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của HĐTP TANDTC quy định cụ thể áp dụng Điều 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trong đó bổ sung hướng dẫn áp dụng khoản 3 Điều 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 205 nội dung sau: “Khi Tòa án đưa ra xét xử bị cáo theo khoản nặng hơn hoặc tội danh khác nặng hơn, để bảo đảm quyền bào chữa thì khi giao nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải giải thích cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết về khung hình phạt của khoản nặng hơn, tội danh nặng hơn là tội gì, quyền bào chữa (tự bào chữa, thuê người bào chữa, chỉ định người bào chữa…). Việc giải thích được lập thành văn bản và đưa vào hồ sơ vụ án”.

- Sửa đổi quy định tại khoản 3, Điều 298, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 theo hướng: “Trường hợp xét thấy có căn cứ để xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn…”.

- Bổ sung nội dung “Tội danh và điểm, khoản, điều của Bộ luật Hình sự mà Tòa án sẽ xét xử đối với hành vi của bị cáo (nếu có)” vào quy định về Quyết định đưa vụ án ra xét xử tại Điều 255, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

NGUYỄN XUÂN KỲ

Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5.

Bàn về quy định tại Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao

Lê Minh Hoàng