/ Đời sống - Xã hội
/ VDB - Kênh vốn giá rẻ, nhiều ưu đãi cho các dự án

VDB - Kênh vốn giá rẻ, nhiều ưu đãi cho các dự án

11/01/2024 15:13 |

(LSVN) - Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ thực hiện việc cấp tín dụng cho các chủ đầu tư dự án thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước từ ngày 22/12/2023 theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP. Đồng thời, mức lãi suất không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại cùng thời kỳ.

Theo đó, ngày 7/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước (gọi tắt là Nghị định số 78/2023/NĐ-CP do Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB thực hiện). Nghị định 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 22/12/2023 và kèm theo đó là “Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư” với các nhóm như: Dự án Kết cấu hạ tầng kinh tế - Xã hội; Dự án Nông nghiệp, nông thôn; Dự án Công nghiệp với nhiều sự mở rộng và có phần linh hoạt hơn.

Trụ sở Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Cụ thể, kể từ ngày 22/12/2023 các chủ đầu tư dự án thuộc danh mục vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi tại VDB. Trong đó, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã sửa đổi về lãi xuất theo hướng: “Mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định, đảm bảo nguyên tắc đủ bù đắp chi phí huy động vốn, chi hoạt động bộ máy và chi phí trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ vay được ký hợp đồng tín dụng kể từ ngày 22/12/2023, nhưng không thấp hơn 85% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước trong cùng thời kỳ; ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với các khoản nợ vay này”.

Tuy nhiên, đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư đã ký kết trước ngày Nghị định số 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành: Ngân sách nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý đối với toàn bộ dư nợ và các khoản giải ngân còn lại (nếu có) của các hợp đồng tín dụng này trong trường hợp VDB, khách hàng và các bên liên quan thỏa thuận thống nhất áp dụng một trong các quy định về thời hạn cho vay tại khoản 7 Điều 1, lãi suất cho vay tại khoản 8 Điều 1 và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay tại khoản 10 Điều 1 Nghị định này, theo nguyên tắc Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá và chịu trách nhiệm về khả năng, phương án trả nợ của khách hàng.

Mặt khác, trong trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam, khách hàng và các bên liên quan không có thỏa thuận thống nhất việc áp dụng các quy định tại điểm a khoản này thì tiếp tục thực hiện theo các cam kết tại hợp đồng tín dụng đã ký và được ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất, phí quản lý; riêng lãi suất đối với các khoản giải ngân còn lại kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì áp dụng mức lãi suất cho vay do Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định này theo từng lần giải ngân.

Riêng đối với các hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư, hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu đã ký kết hợp đồng trước ngày Nghị định số 78/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, VDB dừng tính số nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả đã phát sinh chưa thu đến thời điểm dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả.

Nghị định số 78/2023/NĐ-CP do VDB thực hiện.

Có thể nói, so với các quy định trước đây, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã sửa đổi điều kiện vay vốn tạo cơ hội cho nhiều khách hàng dễ tiếp cận hơn. Theo đó sửa đổi khoản 3 và khoản 4 Điều 6 “Có dự án đầu tư xin vay vốn được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định, đánh giá là dự án có hiệu quả; có khả năng tài chính để trả nợ tại thời điểm Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định cho vay. Vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), mức cụ thể do Ngân hàng Phát triển Việt Nam xem xét, quyết định phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư và phương án trả nợ của dự án”.

Bên cạnh đó, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP đã bỏ điều kiện mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản bảo đảm tiền vay. Ngoài ra, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 2 Điều 7 “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (không bao gồm các khoản tín dụng Ngân hàng Phát triển Việt Nam không chịu rủi ro) tính trên vốn tự có và số dư trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn còn lại từ 5 năm trở lên của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này”.

Danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư theo Nghị định số 78/2023/NĐ-CP..

Như vậy, Nghị định số 78/2023/NĐ-CP do VDB thực hiện từ ngày 22/12/2023, đã đi đúng “Định hướng hoạt động của VDB đã được Bộ Chính trị phê duyệt, trong đó nêu rõ: Đối với hoạt động cho vay mới, VDB cho vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực kết cấu hạ tầng KTXH theo nguyên tắc Nhà nước không cấp bù lãi suất và phí quản lý; khoản cho vay phải được thẩm định và bảo đảm tiền vay, lãi suất đủ bù đắp chi phí nguồn vốn, quản lý và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ như NHTM; thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, điều chỉnh lãi suất, miễn giảm lãi căn cứ vào tình hình tài chính của VDB; thực hiện xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu phát sinh từ hoạt động cho vay mới tương tự như quy định đối với các NHTM.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 18 năm đi vào hoạt động (2006 - 2024) VDB đã cho vay gần 200 dự án trọng điểm (nhóm A) trên phạm vi cả nước, trong đó hầu hết các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp cơ bản (xi măng, thép, điện, giấy, phân bón, chế biến cao su, cơ khí, vệ tinh viễn thông) với tổng số vốn vay chiếm khoảng 50% tổng mức đầu tư, tác động tích cực đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các vùng miền và cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đồng thời, thông qua nguồn vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, VDB đã cho hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu thuộc đối tượng vay vốn để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác nước ngoài, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đến các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi. Ngoài việc tài trợ vốn tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, hàng đầu cả nước có vai trò đòn bẩy đối với ngành hàng xuất khẩu, VDB còn tài trợ các doanh nghiệp có quy mô vừa, nhỏ ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam được thành lập ngày 19/5/2006 trên cơ sở tổ chức lại Quỹ Hỗ trợ phát triển và chính thức đi vào hoạt động từ 01/7/2006, với nhiệm vụ chủ yếu là thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Từ khi thành lập đến nay, VDB đã cung ứng cho nền kinh tế một lượng vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tương đối lớn, đáp ứng một phần quan trọng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế. Phần lớn những dự án vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại VDB có tổng mức đầu tư lớn, thời gian đầu tư và thu hồi vốn kéo dài. Việc tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước giúp chủ đầu tư đủ sức thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng (như Thuỷ điện Sơn La, Thuỷ điện Lai Châu, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy đạm Ninh Bình, Vệ tinh Vinasat 1 và 2, Đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nhà máy điện gió Bạc Liêu, Nhà máy sữa TH, Nhà máy Khí điện đạm Cà Mau…) và nhiều dự án thuộc các chương trình kinh tế trọng điểm và các chương trình mang tính xã hội khác (xây mới, mở rộng cơ sở khám chữa bệnh của 18 bệnh viện công; kiên cố hoá kênh mương, tôn nền vượt lũ, giao thông nông thôn,...).

PV

Nguyễn Thành Trung