/ Hồ sơ - Tư liệu
/ Vị khách mang chiếc vali hai đáy (Kỳ 2): Cuộc đời như cuốn phim quay chậm

Vị khách mang chiếc vali hai đáy (Kỳ 2): Cuộc đời như cuốn phim quay chậm

01/01/0001 00:00 |

(LSO) - Trong khi đó, tại trại tạm giam, Wong Chi Shing cảm thấy lo lắng không ngủ được. Cuộc đời y như cuốn phim quay chậm như chính y đã từng cầm máy quay phim lang bạt qua Nam phi, Tây Tạng, Thái Lan...

Ảnh minh họa.

Sinh ra trong một gia đình mà người cha gắn bó cả cuộc đời với nghề buôn bán hải sản, khi 20 tuổi, Shing đã lấy người vợ đầu tiên tên Li Yueng Ha và sinh được một người con. Cuộc sống không mấy hạnh phúc, Shing ly dị vợ và sống với một người đàn bà lớn tuổi hơn mình, tên Cheung Pui Fung, sinh được một người con nay đã 7 tuổi. Người vợ thứ 2 này cũng không chịu đựng nổi những hành động mang tính chất “xã hội đen” của y nên cũng đành chia tay.

Sau này, cơ quan điều tra Việt Nam đã nhận được thông tin Interpol Hong Kong cho biết năm 1979, Shing đã phạm tội cướp, năm 1983 có hành vi buôn lậu ma túy bị bắt giam, năm 1987 buôn bán ngoại tệ trái phép, năm 1992 phạm tội đánh bạc... Lúc đầu, trước cán bộ điều tra Shing không hề khai báo về “chiến tích” nêu trên, nhưng sau đó, y không những đã thừa nhận mà còn bổ sung thêm vào bảng “chiến tích” các hành vi phạm tội khác như hiếp dâm vị thành niên, lừa đảo và trốn thuế.

***

Đã nhiều đêm, y cố mường tượng ra bối cảnh cuộc gặp gỡ với một người đàn ông tên gọi là Sing ở cuộc đua xe hơi tổ chức tại Pataya (Thái Lan). Lúc đó vào khoảng tháng 6/1992, sau khi đã lang thang theo các đoàn quay phim ở Nam Phi, Tây Tạng... Y quyết định làm một chuyến du lịch sang Thái Lan. Trong khi theo dõi cuộc đua, y được một người giới thiệu tên Sing đến làm quen. Đó là một người đàn ông khoảng trên 30 tuổi, cao khoảng 1m70, người gầy, nước da ngăm đen, có ria mép, tóc dài trùm gáy... Trông Sing có vẻ cảm thông với số phận long đong của y. Trước khi trở về Hong Kong, Shing không quên để lại số điện thoại cho người bạn mới quen, hy vọng lúc nào có dịp sang Hong Kong sẽ liên lạc với y.

Sắp đến Noel năm 1992, trong lúc ngồi buồn bã vì thất nghiệp do sự cạnh tranh gay gắt trong phim trường, y nhận được một cú điện thoại từ Thái Lan gọi sang. Lúc đầu y không nhận ra người đầu dây là ai, vì thực chất khi về Hong Kong, cuộc gặp gỡ vô tình đó chẳng để lại dấu ấn gì đặc biệt trong y. Nhưng khi nhận ra người quen, nhất là khi bàn đến công chuyện làm ăn, Shing như chết đuối vớ được cọc! Sing hỏi y có công ăn việc làm, có tiền tiêu xài không? Y kể lại chuyện ế ẩm của nghề quay phim, thời gian rảnh rỗi suốt ngày chui vào sòng bạc... “Bây giờ tôi có ít hàng cần chuyển đi Châu Âu, tiền công 60.000 đô la Hong Kong, có làm được không hả”? Shing nói. “Để xem sao...”. Shing lờ mờ hiểu nội dung công việc khi Sing nói y hãy chuẩn bị xin visa sang Đức khi nhận được một nửa tiền công.

Ngày 20/02/1993, Shing nhận được 30.000 đô la Hong Kong tại thùng thư gia đình đặt trước cửa. Theo thỏa thuận, số tiền còn lại sẽ nhận được tại Frankfurt, sau đó là chuyến du hí tại Hà Lan... Cuối tháng 02/1993, Shing đã đến lãnh sự quán Đức tại Hong Kong xin visa vào Đức. Theo lời hẹn, ngày 03/3/1993, Shing đáp chuyến máy bay từ Kong Hong sang Thái Lan. Khi mua vé máy bay, y đã tính đến việc phòng ngừa sự theo dõi của cảnh sát nên đã mua vé khứ hồi... Theo hẹn, khi đến Bangkok, Shing phải có mặt tại khách sạn hôm đó, y nhận được điện thoại của Sing, hẹn 20 phút nữa sẽ xuống cổng khách sạn để đưa hộ chiếu cho Shing.

“Ông cầm hộ chiếu của tôi làm gì?”. Shing hỏi: “Để làm visa sang Việt Nam, rồi từ Việt Nam sẽ sang Đức”. Sing trả lời. “Tại sao lại phải qua Việt Nam?” - Shing chưa hiểu. “Ông phải biết là nếu mang hàng trực tiếp từ Thái Lan sang Đức, hải quan Thái Lan kiểm tra rất chặt chẽ, còn nếu đi từ Thái Lan sang Việt Nam sẽ dễ dàng hơn”. Khó là khó ở Thái Lan, chứ còn từ Việt Nam đưa sang Đức, nếu làm kín đáo thì khó phát hiện”…

Hai người đi đến khách sạn Baron, nhưng khi lên taxi, tài xế không biết khách sạn này ở đâu nên y đành ngủ một đêm tại khách sạn Century. Tại đây, y đã tìm ra địa chỉ Khách sạn Baron ở 544 Soi U. Charden Rachadapisex Rd, Huay Kwang và ngay sáng 04/3/1993, y đã đi taxi đến khách sạn này.

Sau khi đưa hộ chiếu cho Sing, không biết thủ tục được tiến hành ra sao, y đi chơi ở Bangkok, đến sáng 11/3/1993 thì nhận được điện thoại của Sing yêu cầu 10 giờ trả phòng, đợi Sing ở cổng khách sạn và chuẩn bị bay sang Việt Nam bằng chuyến bay của hãng Air France vào lúc 11 giờ 35 phút. Sau khi nhận chiếc valy hai đáy, người đàn ông Thái Lan tên Sing căn dặn y hãy cẩn thận khi sang Việt Nam, cố gắng đi kịp chuyến bay ngày 12/3/1993, còn chậm thì đi chuyến 16/3/1993. Nếu đến Frankfurt, sẽ có người đón theo đặc điểm nhận dạng đã được mô tả... Shing không thể ngờ rằng, chỉ mới vừa đặt chân đến Việt Nam, y đã bị lực lượng hải quan Việt Nam phát hiện và bắt giữ.

Tại cơ quan điều tra, Shing khai: “Tôi suy nghĩ việc làm này thế nào thế nào cũng bị tù nên ai đã làm cũng phải giữ kín. Ông Sing biết cách liên lạc với tôi, còn tôi không thể liên lạc trực tiếp với Sing được. Chẳng qua tôi vì tiền, không có công ăn việc làm nên phải làm công việc rất nguy hiển này. Tôi thừa nhận cáo trạng truy tố tôi là đúng, tội của tôi đã rõ ràng, không luật pháp nước nào tha cho tôi được!”. Đó là những lời thú tội của Wong Chi Shing trước cơ quan điều tra và trước phiên tòa chung sơ thẩm ngày 28/5/1993.

Ông ta đã nhận được bản án tử hình do hành vi buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới theo Điều 97 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam.

(Mời quý độc giả đón đọc tập truyện hấp dẫn tiếp theo: “Hồn ma báo oán (Kỳ 1): Cuộc kiểm tra bất ngờ trong đêm...” sẽ được đăng tải vào ngày 02/7/2020).

PHONG LINH

/vi-khach-mang-chiec-vali-hai-day-ky-1-bat-thuong-tu-to-khai-hai-quan.html