/ Pháp luật - Đời sống
/ Vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nhìn từ hợp đồng bảo hiểm với khách hàng

Vi phạm trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ nhìn từ hợp đồng bảo hiểm với khách hàng

11/08/2023 10:11 |

(LSVN) - Theo Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và nguyên tắc trung thực tuyệt đối. Tuy nhiên, khách hàng cho biết hợp đồng bảo hiểm của họ với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas bị ngụy tạo, giả mạo chữ ký, đến nay sau nhiều tháng khiếu nại vẫn chưa được giải quyết quyền lợi theo quy định pháp luật.

Đề nghị Công an vào cuộc

Trước những lùm xùm giữa khách hàng và các công ty bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, tại phiên thảo luận của Quốc hội khóa XV về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước vào sáng 31/5/2023, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến về những bất cập của thị trường bảo hiểm. Theo bà Thủy, đây là thời điểm cần nghiêm túc xem xét những vấn đề của bảo hiểm nhân thọ.

Trong đó, bà đề cập bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà khách hàng bị ngân hàng ép mua bảo hiểm kèm khoản vay hoặc bị lừa từ gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm.

"Bộ Tài chính cần thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Theo bà Thủy, không ít tư vấn viên chỉ nói cho khách hàng về những quyền lợi mà họ được hưởng, không chỉ rõ cho khách hàng về những điều khoản ràng buộc, những điều khoản bất lợi mà chỉ làm sao cố ký được hợp đồng.

“Chính vì tính chất rất phức tạp của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho nên mới cần đến đội ngũ tư vấn viên. Tuy nhiên, không ít tư vấn viên cố tình tư vấn mập mờ, thậm chí là sai lệch về sản phẩm bảo hiểm để nhanh chóng “chốt đơn” ký được hợp đồng”, Đại biểu nêu thực trạng.

Ngoài ra, theo bà Thủy, công ty bảo hiểm và các đại lý bảo hiểm thời gian vừa qua cũng phát sinh nhiều vấn đề. Dư luận cũng đặt câu hỏi từ các vụ việc vừa qua, có hay không việc công ty bảo hiểm biết nhưng cố tình bỏ qua lỗi của tư vấn viên, của các đại lý bảo hiểm gây bất lợi cho khách hàng.

Ngày 30/6, Bộ Tài chính đã công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng (bancassurance) có nhiều sai phạm gây bức xúc trong dư luận. Trong đó, có Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas (Công ty Bảo hiểm MB Ageas).

Theo nội dung kết luận thanh tra, Bộ Tài chính khẳng định, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng còn nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới.

Tại Kết luận thanh tra số 810/KL-BTC về việc thanh tra chuyên đề bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và nội dung liên quan tại Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, Bộ Tài chính đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty này.

Từ đó, Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas thực hiện rà soát, hoàn thiện việc xây dựng, triển khai và giám sát việc thực hiện các quy trình, quy chế theo quy định pháp luật, thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật, các quy trình nghiệp vụ và quy định nội bộ của Công ty. Rà soát, tăng cường công tác quản lý việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để kiểm soát tình hình hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm. Rà soát, chấn chỉnh công tác đào tạo đại lý, công tác quản lý đại lý bảo hiểm, đảm bảo đại lý bảo hiểm thực hiện đúng quy định của pháp luật, của Công ty.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị Tổng giám đốc Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas trong quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, kiến nghị, phản ánh của khách hàng tham gia bảo hiểm, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.

Khách hàng tố Bảo hiểm MB Ageas giả mạo chữ ký hợp đồng bảo hiểm

Ông Nguyễn Văn H. (55 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, tháng 6/2021, ông có ra Ngân hàng MB, Chi nhánh giao dịch Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) rút tiền tiết kiệm. Sau đó được nhân viên của Bảo hiểm MB Ageas là Phạm Tuệ Minh tư vấn tham gia gói bảo hiểm nhân thọ tại đơn vị này.

Theo nhân viên tư vấn cho biết, tham gia gói bảo hiểm sau 2 năm khách hàng sẽ được rút tiền gốc, cộng thêm tiền lãi (6%/năm) và được hưởng các quyền lợi bảo hiểm. Xét thấy nội dung tư vấn phù hợp với điều kiện, ông đã đồng ý tham gia.

Tuy nhiên, ông H. đã không được ký bất kỳ loại giấy tờ nào liên quan đến hợp đồng. Ông thắc mắc, nhân viên tư vấn cho biết sẽ chuyển về cho ông sau.

Sau gần 2 tháng, ông H. chỉ nhận được tờ Chứng nhận bảo hiểm gửi qua đường bưu điện.

Tuy nhiên, mặc dù ông không được ký hợp đồng bảo hiểm nhưng trên tờ Chứng nhận bảo hiểm do ông Vũ Hồng Phú, Tổng Giám đốc Bảo hiểm MB Ageas ký lại ghi số hợp đồng bảo hiểm số 19000004..., ngày 04/6/2021.

Tờ chứng nhận bảo hiểm ông H. nhận được qua đường bưu điện.

Đến tháng 6/2023, ông H. có ra Ngân hàng MB, Chi nhánh Lê Đức Thọ yêu cầu Bảo hiểm MB Ageas thanh toán số tiền gửi sau 2 năm như cam kết, kèm theo lãi suất. Tuy nhiên, nhân viên tư vấn Bảo hiểm MB Ageas cho biết ông chỉ nhận được 150.000.000 đồng và không có lãi suất với lý do là do vi phạm hợp đồng.

Ông H. yêu cầu Bảo hiểm MB Ageas xuất trình hợp đồng (bản gốc) để đối chứng, nhưng nhân viên Bảo hiểm MB Ageas không xuất trình được.

Nhân viên Bảo hiểm MB Ageas đã cho ông H. xem hợp đồng điện tử, tại phần “Chữ ký của Bên mua bảo hiểm” có chữ ký của Nguyễn Văn H.

“Đó không phải là chữ ký của tôi. Khi tôi tham gia gói bảo hiểm không được ký bất kỳ loại giấy tờ nào”, ông H. khẳng định.

Sau đó mấy ngày, ông H. nhận được điện thoại của nhân viên Bảo hiểm MB Ageas cho biết, ông được nhận lại số tiền gốc lúc thì nói là 150.000.000 đồng, lúc là 175.000.000 đồng, không có lãi suất với lý do vi phạm hợp đồng.

Ngày 21/7/2023, ông H. đã trực tiếp đến trụ sở chính Công ty Bảo hiểm MB Ageas yêu cầu thanh toán hợp đồng theo đúng cam kết. Tuy nhiên, đại diện phía Công ty cho biết chỉ ghi nhận ý kiến và cũng không xuất trình được hợp đồng gốc khi ông H. yêu cầu.

Ngày 08/8/2023, ông H. tiếp tục đến trụ sở của Bảo hiểm MB Ageas để giải quyết các vấn đề liên quan đến giải quyết quyền lợi. Tuy nhiên, phía Bảo hiểm MB Ageas vẫn không cung cấp được hợp đồng bản gốc và chỉ nói văn bản trả lời đã gửi cho ông.

Chiều cùng ngày, ông nhận được văn bản trả lời của Bảo hiểm MB Ageas về vụ việc. Trong văn bản gửi khách hàng, phía Bảo hiểm MB Ageas vẫn căn cứ vào hợp đồng ông H. đã ký và không giải quyết quyền lợi cho ông theo yêu cầu.

“Thực tế tôi không hề được đọc, được ký hợp đồng thì căn cứ nào để Bảo hiểm MB Ageas bảo tôi vi phạm hợp đồng”, ông H. nói.

Liên quan đến nội dung phản ánh của ông Nguyễn Văn H., Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đặt nội dung làm việc với Bảo hiểm MB Ageas, nhưng sau nhiều lần liên hệ phía Công ty này chưa có thông tin phản hồi chính thức.

Pháp luật quy định thế nào với hành vi giả mạo chữ ký?

Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, có rất nhiều vấn đề pháp lý đặt ra đối với trường hợp giả mạo chữ ký trong hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, về trách nhiệm hình sự, theo Luật sư, nhân viên tư vấn có trách nhiệm giải trình về quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm. Nếu nhân viên giả mạo chữ ký trong hợp đồng nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015; hoặc tội “Giả mạo trong công tác” theo quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015.

Cũng theo Luật sư, phía Ngân hàng MB phải liên đới chịu trách nhiệm với khách hàng và với các hành vi cấu thành tội phạm (nếu có).  

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Về trách nhiệm dân sự, theo quy định tại Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 một trong những trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu khi “hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này”.

“Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo đó, hợp đồng giữa khách hàng và Công ty Bảo hiểm MB Ageas trở nên vô hiệu, do bên phía Công ty Bảo hiểm MB Ageas đã có hành vi gian dối, làm cho khách hàng hiểu nhầm về thời gian tham gia và các quyền lợi sẽ được nhận khi tham gia bảo hiểm. Thậm chí, hợp đồng bảo hiểm này còn không tuân thủ quy định về hình thức do khách hàng không ký, không hề được nhận và được nhìn thấy bản hợp đồng này trên thực tế mà chỉ được biết các thông tin qua lời nói của nhân viên tư vấn”, Luật sư nói.

Bộ luật Hình sự 2015 quy định:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) (được bãi bỏ)

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) (được bãi bỏ)

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 359. Tội giả mạo trong công tác

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;

b) Làm, cấp giấy tờ giả;

c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;

c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;

b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;

b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

PV

Bộ Tài chính: Việc bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng còn nhiều sai phạm

Hàng loạt vi phạm tại bảo hiểm nhân thọ MB Ageas: Bộ Tài chính kiến nghị xử lý như thế nào?

 

Bùi Thị Thanh Loan